hai bộ sgk được giữ lại

Nhà xuất bản Giáo dục chỉ giữ lại hai bộ sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ hai bộ SGK: ‘Sự lãng phí đau xót về chất xám’

Tổng chủ biên sách Ngữ văn lớp 6, bộ Cùng học để phát triển năng lực bức xúc khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ hai bộ SGK mà không thông báo trước.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hai bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” không tiếp tục được phát hành ở lớp 2 và lớp 6. Lý do hợp nhất các bộ sách giáo khoa lại để tập trung nguồn lực, trí lực của đội ngũ các tác giả.

Giáo sư Lã Nhâm Thìn, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội), Tổng chủ biên sách Ngữ Văn lớp 6 bộ “Cùng học để phát triển năng lực” cho rằng, việc hợp nhất bốn bộ sách giáo khoa thành hai bộ sách giáo khoa như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo là không chính xác, thực chất đó là loại bỏ khỏi hệ thống các bộ sách giáo khoa.

“Quyết định loại bỏ hai bộ sách đột ngột không tác giả nào có thể lường trước được sự việc, khiến các chuyên gia, tác giả tham gia biên soạn sách vô cùng thất vọng và không gì có thể bù đắp được. Loại bỏ hai bộ sách hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học (vì đã được thẩm định) và cũng không thực tiễn (vì không có giá trị xã hội) mà bằng một quyết định hành chính mập mờ”, ông nói.

Học sinh lớp 1. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Vị chủ biên cũng đưa ra lý do các tác giả chấp nhận loại bỏ còn hơn hợp nhất hai bộ sách lại. Thứ nhất, mỗi bộ sách có tư tưởng, tính triết lý riêng, phương pháp tiếp cận riêng, phương pháp dạy học không giống nhau. Đặc biệt, mỗi sách có kết cấu riêng nên các tác giả không đồng tình với việc hợp nhất.

Thứ hai, bộ “Cùng học để phát triển năng lực” đã biên soạn xong, được Hội đồng thẩm định nội bộ xác nhận đạt yêu cầu và đưa ra những chỉnh sửa cần thiết để tiếp tục trình lên Hội đồng thẩm định sách quốc gia. Thời gian còn ngắn quá, nếu muốn kết hợp thì phải làm lại từ đầu, thực hiện triển khai, lựa chọn ngữ liệu. Như vậy, nói bộ “Cùng học để phát triển năng lực” kết hợp với bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” là không có cơ sở. Hợp nhất tinh hoa giữa các tác phẩm một cách cơ học là điều không thể.
Ông cho rằng, việc bỏ hai bộ sách là sự lãng phí “đau xót”, lãng phí về kinh tế, thời gian và công sức.

Để biên soạn bộ sách giáo khoa lớp 6, các tác giả phải có cái nhìn tổng thể kiến thức từ lớp 6 đến lớp 9, thậm chí tổng thể liên cấp từ tiểu học đến THPT. Tiếp đó, phải xác định đề cương từ tổng quát đến chi tiết, thảo luận về cấu trúc, mô hình các loại sách (sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, sách tham khảo…).

Trong quá trình biên soạn, các tác giả yêu cầu lựa chọn ngữ liệu phải vừa kết hợp tư tưởng của sách, vừa đảm bảo yêu cầu chung của chương trình đổi mới. Đây là quá trình dài hơi, tốn nhiều trí lực và tâm huyết của đội ngũ chuyên gia. Họ liên tục làm việc qua nhiều năm liền không phải vài tháng là có thể hoàn thành bản thảo sách.

Điều lãng phí hơn cả là lãng phí về trí tuệ, chất xám. Cả bộ sách giáo khoa bao nhiêu công sức giờ chịu cảnh “đắp chiếu”. Đó là chưa kể đến lãng phí về cơ hội, mà các tác giả mong muốn đem đến cho học sinh, giáo viên và địa phương những bộ sách tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế nhất. Lãng phí về tiền bạc rất lớn.

Về lý do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra khi hợp nhất các bộ sách với mục đích tập trung phát huy nguồn lực trí tuệ của các tác giả, tập trung kinh phí đầu tư theo ông là hoàn toàn không đúng. Ông đặt ra câu hỏi, tại sao không hợp nhất từ đầu, không có kế hoạch và tầm nhìn, để đến khi các tác giả hoàn thành bản thảo mới tính đến hợp nhất, hậu quả để lại rất đáng tiếc.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách Lịch sử và Địa lý lớp 6, bộ Cùng học để phát triển năng lực cho biết, tại cuộc họp giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tổng chủ biên, chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Cùng học để phát triển năng lực” ngày 15/6/2020, các tác giả không đồng ý việc hợp nhất, đặc biệt là sách Lịch sử và Địa lý lớp 6.

Sau đó 3 tuần, ngày 7/7/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo quyết định loại bỏ bộ sách Cùng học để phát triển năng lực do không đạt yêu cầu. Hai bộ sách được chọn để gửi thẩm định cấp cao hơn là Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo.

Giáo sư Bình cho rằng: “Nếu là hợp nhất thì phải là 50 – 50 kiến thức hai bộ hoặc hai nhóm tác giả cùng ngồi lại để có phương án giải quyết thoả đáng hơn thay vì loại bỏ thẳng thừng mà không có hội đồng đánh giá, thẩm định nào được tổ chức. Đây là sự coi thường, sáp nhập không bình đẳng”.

Trong khi đó, ngày 19/6/2020, tại hội đồng đánh giá, thẩm định sách nội bộ, các chuyên gia đều thống nhất đánh giá sách Lịch sử và Địa lý lớp 6 của hai bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Cùng học để phát triển năng lực” đều đạt yêu cầu, chất lượng ngang bằng nhau; còn sách giáo khoa trong bộ “Chân trời sáng tạo” không đạt yêu cầu.

Theo: VTV

Exit mobile version