5 ĐIỀU “NẾU TÔI BIẾT TRƯỚC KHI TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC..”
Một giám đốc ngân hàng chia sẻ: “Nhiều bạn ra trường thích làm giao dịch viên, nhưng không chịu nổi cảnh đứng photo tài liệu. Họ nói rằng: “Em vào ngân hàng không để làm thứ này!” Chị trả lời: “Cho dù là giám đốc, chị vẫn phải đi photo hằng ngày”. “Phải thích mới làm được” là lối suy nghĩ SAI LẦM!
Đó chỉ là 1 trong 5 điều “Nếu tôi biết trước khi tốt nghiệp ĐH” mà anh Sơn (AYP Marketing Manager) đúc kết sau 6 năm làm việc:
- “Em tốt nghiệp ngành ABC” (Nói thật, anh KHÔNG QUAN TÂM)
Trước mỗi lần tuyển dụng nhân viên AYP, anh đều xác định rõ: Anh cần vị trí nào, người đó có kỹ năng gì? Rồi anh mới viết yêu cầu cụ thể đăng lên website. Khi sinh viên nói: “Em tốt nghiệp ngành ABC”, anh nghe nhưng không quan tâm lắm. Anh chỉ muốn biết: “Em có làm được việc anh đã viết trong JD (Job description)?”
Rồi anh ngộ ra: “Ủa, hồi đó mình chỉ đọc tít “tuyển Marketing/Sales…” là đâm đầu nhảy vô, không bao giờ đọc JD. Trên thực tế, bản mô tả công việc còn quan trọng gấp 100 lần cái tít”.
Đừng bị ấn tượng bởi những cái tên. Hãy tập trung tìm hiểu BẢN CHẤT công việc là gì. Khi phỏng vấn, đừng kể lể về chuyên ngành mình đã học. Hãy nói những gì bạn sẽ LÀM ĐƯỢC cho công ty.
- ĐỪNG NGHĨ “Phải thích tôi mới làm được”!
“Theo đuổi đam mê” là cách sống rất hay. Nhưng suy nghĩ cực đoan “Phải thích tôi mới làm được” lại là sai lầm nghiêm trọng. Bởi ngay cả trong nghề bạn đam mê đó, cũng có 1001 việc nhỏ xíu khiến bạn không thể thích nổi.
Một giám đốc ngân hàng chia sẻ: “Chị từng gặp nhiều sinh viên ra trường thích làm giao dịch viên, nhưng không chịu nổi cảnh đứng photo tài liệu. Họ nói rằng: “Em vào ngân hàng không để làm thứ này!”. Chị trả lời nhẹ nhàng: “Dù là giám đốc, chị vẫn phải đi photo hằng ngày”. Đó là một phần công việc”.
Để tiến lên chỉ có 2 cách thôi: Tập thích mọi thứ mình làm. Hoặc làm được mọi thứ mình không thích. Hãy dẹp suy nghĩ “Phải thích mới làm”, và chiến đấu quyết liệt với tất cả đi. Bạn sẽ trưởng thành từ đó.
- Chuyên nghiệp KHÔNG PHẢI là lạnh lùng
Thời “trẩu tre” mới đi làm, anh nghĩ chuyên nghiệp = nguyên tắc “4 không”: Không cười lớn, không nói nhiều, không chửi bậy, không cảm xúc. Anh mặc đồ chỉn chu, nói năng nghiêm túc. Một ngày, “bạch thầy” Trí túm áo anh lại, uýnh bộp vào đầu và bảo: “Chuyên nghiệp kiểu gì lạ vậy bây. Nhe răng cười lên khách hàng mới quý!”.
Giá như anh biết điều này từ thời ĐH để chạy các chương trình trong CLB. Mặc bộ áo quần công sở, tỏ thái độ lạnh lùng không làm nên tác phong chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp đến từ chính nụ cười thân thiện của bạn!
- QUẢN LÝ SẾP, tại sao không?
Mối quan hệ giữa nhân viên và sếp không chỉ là giao việc, thực hiện và báo kết quả. Nó còn là hiểu nhau đến từng điểm yếu điểm mạnh.
Điểm yếu của anh Trí là luôn chứa một “bụng” ý tưởng mới. Kêu mọi người hí hoáy trang trí văn phòng, anh í lại không nói rõ kỳ vọng “sang trọng và đậm chất AYP”. Cuối cùng, văn phòng banh chành y như cái nhà trẻ. Bắt thóp được điểm yếu, giờ mỗi khi nảy ra ý tưởng mới, anh đều hỏi “bạch thầy” câu “thần chú” 3W: “Kỳ vọng của anh là gì (What)? Khi nào làm (When)? Cách thực thi như thế nào (How)?”
Suy nghĩ “sếp giao gì thì làm nấy”, mong muốn được “cầm tay chỉ việc” là SAI LẦM. Sếp cũng có điểm yếu. Hỗ trợ, cùng lên kế hoạch khắc phục, giúp sếp thỏa mãn kỳ vọng chính là quản lý sếp rồi đó!
- Ai bảo DÂN CÔNG SỞ không được LÀM DANCER?
Hồi sinh viên anh cực kỳ thích nhảy. Từ khi đi làm, anh cắm đầu học Marketing, ném vụ nhảy nhót vào quá khứ.Ngày anh tốt nghiệp AYP1, chương trình diễn ra “chay” không có tiết mục văn nghệ nào. “Bí” quá, anh trèo lên sân khấu, nhảy bài “tủ” từ thời sinh viên. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Anh nhận ra: “Anh có thể làm MỌI VIỆC mình thích và phối hợp nó với nhau!”
Anh biết có nhiều bạn đam mê nhảy, đánh guitar, đàn hát; tham gia vào các CLB, đi biểu diễn… suốt 4 năm sinh viên. Đến khi 22 tuổi, các bạn NGHĨ rằng mình phải chọn một trong hai: Thành dancer/ca sĩ chuyên nghiệp hoặc đi làm, từ bỏ tất cả. Hoàn toàn không đúng!
Ngoài việc đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc TienPhongBank, anh Trần Hoài Phương (cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) còn là một guitarist có tiếng. Chẳng việc gì phải băn khoăn giữa đam mê nghệ thuật và công việc văn phòng cả. Dân công sở vẫn được làm dancer, nếu bạn thích!
THAY CHO LỜI KẾT: Một số hành động bạn có thể làm NGAY
1. Chiến đấu quyết liệt với mọi việc, dù thích hay không.
2. Đọc kỹ bản mô tả công việc trước khi apply.
3. Cứ hát/nhảy/đàn hết mình, đừng băn khoăn gì nữa cả.
4. Chia sẻ với 3 người bạn thân nhất nếu bạn tin 5 điều này CÓ ÍCH cho họ!