Học về chữ hòa và chữ hợp.

 Học về chữ hòa và chữ hợp.

Tôi có một người thầy dạy kinh tế học, thầy bình luận trên mạng xã hội rất đúng và rất chân phương về sự vi phạm một trong những nguyên lý kinh tế học mà thầy đã từng dạy, mà đưa đến hậu quả không hay. Sau đó, thầy gặp trực tiếp tôi đau khổ mà nói rằng: “Thầy chỉ nói đúng nguyên lý cơ bản cho vấn đề đó thôi, thế mà người ta, thuộc dạng ngoại đạo, nói nặng thầy trên mạng”. Tôi chỉ biết an ủi thầy tôi thôi, chứ tôi cũng không hiểu nhiều về tâm trạng mà thầy tôi trải qua. Tôi chỉ an ủi: “không sao đâu thầy, thầy không nghĩ đến như vậy, mà họ tự ý suy diễn và gán ghép cho thầy, làm thầy đau khổ, thì họ đã tạo nghiệp, thì họ phải trả giá, không trước thì sau, mình sống trong vùng từ trường luật nhân quả mà thầy”. Tuần vừa rồi, tôi cũng rơi vào đúng tâm trạng của thầy tôi, cũng do một người duy nhất mang lại. Cho nên, hôm nay, xin phép mọi người, cho tôi được nói lên một chút về 2 chữ hòa và chữ hợp. Tôi nói ra đây, để tôi có thể đưa chính mình vào khuôn phép của 2 chữ này, để tôi không thể vô hình trung tạo nghiệp khi là người nói và khi là người sống trong cộng đồng.

(1) Chữ hòa: người đời nói đúng thì mình nghe, nghe để mà học hỏi, nghe để mà hiệu chỉnh hành vi. Nói không đúng thì mình cũng nghe, nghe theo kênh thứ hai, lúc này thì mình nghe lòng tốt của họ, nghe cái tâm của họ, nghe trái tim thổn thức đầy nhân hậu của họ. Nói vậy thôi, chứ đừng để cho người ta (giả sử bạn là người nói) nghe kênh thứ hai. Mà muốn như vậy thì phải học và nói cho đàng hoàng và tử tế. Nói đúng chuyên môn mà mình đã dày công khổ luyện. Bây giờ, mình nói đến vấn đề lọt xuống tới kênh thứ hai. Muốn cho người ta nghe cái tâm, nghe trái tim nhân hậu thì miệng phải “ngậm hạt từ tâm”, chứ không ác khẩu. Mình không muốn nghe “lời đắng”, thì không nên tống khứ, nhét nó vào mặt người khác, mà tạo khẩu nghiệp. Như vậy, trạng thái lý tưởng của chữ hòa là vừa nói đúng và nói có tâm. Cực còn lại thì là vừa nói sai và vừa ngậm máu phun người. Giữa 2 cực này là con người trần gian chúng ta.

(2) Chữ hợp. Nếu môi trường tiếp xúc của bạn đa diện (khác về trình độ, khác về tuổi tác, khác về vùng miền, khác về độ trải nghiệm, khác về địa vị xã hội), bạn miễn dịch hoàn toàn với các định kiến, bạn suy nghĩ của không có lối mòn, bạn không có hình mẫu, bạn không có cái gì đặt định sẵn, bạn sẵn sàng dung nạp tất cả, bạn đậm chất Nam bộ, như người ta thường nói:”Ra đường gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, mà gặp chùa cũng tu”, thì bạn có khuynh hướng đã đạt trạng thái lý tưởng nhất của chữ hợp. Bây giờ, thì mình nói cực còn lại của chữ hợp để cho bạn dễ hình dung. Câu chuyện là như thế này. Có 4 người thuộc 4 vùng khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ và ngồi lại với nhau đánh đàn thường xuyên. Các bản nhạc tứ tấu đan quyện lại với nhau, bổ sung cho nhau, theo các cung bậc âm thanh hoàn hảo. Một trong 4 người bị mắc dịch mà chết. Ba người còn lại đập nát cây đàn và hứa sẽ không bao giờ đánh đàn nữa. Họ vừa khóc vừa nói: “đàn làm chi nữa khi không còn tri âm tri kỷ”. Đây là cực còn lại của chữ hợp. Giữa 2 cái cực này là chữ hợp của con người trần gian chúng ta.

Trên cõi nhân gian này, có người có hòa, nhưng không hợp (thoại bất cơ đầu, bán cú đa) với người khác, nhưng lại có những người có hợp nhưng lại không hòa. Không hòa không hợp thì “thiên bất dung nhan”. Mà vừa hòa, vừa họp thì “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”. Đây là bài học cho chính mình, để mình không tạo nghiệp nhân gian. Hôm nay, năng lượng cho như vậy, mai thì nói tiếp vậy.

DakLak360

Related post