Đúng sai
Đúng sai
Một thiền sư tổ chức giảng pháp. Rất nhiều người từ khắp nơi, mộ tiếng thiền sư, cùng đến tham dự, xin làm học trò. Ai cũng được thiền sư thu nạp.
Trong một buổi thuyết giảng, một học trò đã bị bắt quả tang ăn trộm. Mọi người đều thống nhất rằng thủ phạm nên bị trục xuất. Nhưng thiền sư bỏ qua vụ việc.
Các học trò khác tức giận bảo rằng: “Nếu thầy không đuổi tên trộm, thì mọi người sẽ bỏ đi hết”.
Thiền sư ôn tồn nói với mọi người: “Những người anh em, các bạn đều biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Nếu muốn, các bạn có thể đến một nơi khác để học. Nhưng người anh em tội nghiệp này, còn không phân biệt được đúng sai. Vậy thì ai sẽ dạy anh ấy, nếu tôi khước từ? Tôi sẽ giữ anh ấy lại đây, dù cho tất cả các bạn đều bỏ đi”.
Bình luận
(1) Còn phân biệt đúng sai là may mắn, có người vô minh đến mức không thể phân biệt được.
(2) Thiền sư lấy từ bi, tình thương ra để ứng xử, chứ không trách mắng.
(3) Thiền sư lựa chọn giảng pháp cho người kém may mắn hơn, tức người không phân biệt được đúng sai.
Hình ảnh này cũng giống như hình ảnh của việc lựa chọn giảng dạy của một người thầy, hoặc dạy ở một trường tốt, như Lê Hồng Phong chẳng hạn và một trường không tốt, bổ túc văn hóa. Học sinh giỏi, có nhiều may mắn hơn, có thể tự học. Cho nên, thầy đã lựa chọn ở trường không tốt, đem lợi ích cho xã hội hơn. Tâm, đức, trí và kể cả nhẫn của một nhà sư phạm đúng nghĩa nhất, đã gói ghém trọn vẹn trong quyết định lựa chọn này.
Mình thấy nhiều thầy thích dạy nghiên cứu sinh, cao học, lớp giỏi, nhận học trò giỏi để hướng dẫn. Công việc của các thầy này có lẽ dễ dàng hơn với lựa chọn này.
[Câu chuyện này mình đã viết từ lâu, ngõ hầu kính tặng thầy Đặng Văn Thanh, giảng viên khoa Kinh tế, nhân dịp thầy nghỉ hưu tháng 9, nhưng chưa kịp gửi và bị lãng quên, nay tình cờ tìm lại]