Dạy học trực tuyến được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh triển khai cho năm học mới 2021 – 2022. Đây không phải lần đầu tiên học sinh của tỉnh học trực tuyến nhưng là năm học việc dạy học online sẽ mở rộng, những khó khăn đang đi kèm với bao nỗi lo lắng của phụ huynh.
Loay hoay với thiết bị học trực tuyến
Không có thiết bị, kết nối mạng Internet kém, học cùng con… là những chia sẻ trên các hội nhóm phụ huynh trước thềm năm học mới. Nhiều phụ huynh cho biết, không có đủ điều kiện để mua thiết bị học trực tuyến. Và tại thời điểm này, một số phụ huynh có tiền thì việc mua thiết bị cũng không hề dễ dàng.
Trường hợp của chị Trần Thị Hồng Phương (ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) không phải là đơn lẻ. Năm học này, bé lớn nhà chị Phương vào học lớp 8, hai bé sinh đôi học lớp 3, nhưng chỉ có 1 laptop, 1 ipad trong khi công việc dạy học của chị bắt buộc phải sử dụng máy vi tính. Bức thiết về thiết bị dạy học trực tuyến, chị đã liên hệ nhiều cửa hàng điện máy nhưng tất cả đều phải… chờ. Hiện tại, chị Phương vẫn chưa biết tính toán sao cho cả việc dạy – học mùa dịch của 4 mẹ con.
Tương tự chị Nguyễn Thị Thủy (ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có nhu cầu mua một chiếc máy vi tính cho con học trực tuyến. Chị đã nhờ người quen đặt mua giúp nhưng cũng nhận được câu trả lời: Hàng không thể giao kịp trước ngày 15-9. Nhà chị Thủy có một chiếc máy vi tính, ngặt nỗi thời khóa biểu học online của hai con lại cùng một buổi. Nghe bạn bè mách bảo, các tiệm Internet có cho thuê máy vi tính, nếu bí quá chị Thủy cũng phải thuê để con học tạm.
Máy tính cũ “cháy hàng”
Số tiền mua máy vi tính mới lên đến chục triệu đồng nên nhiều gia đình ở huyện Buôn Đôn quyết định mua laptop cũ cho con học mùa dịch. Chuyên mua bán laptop cũ, hai tuần nay anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn 4 (xã Tân Hòa) đã bán gần 30 laptop cũ cho phụ huynh với giá từ 2 – 4 triệu đồng/máy. Hiện vẫn còn nhiều đơn hàng nhờ anh “săn” giúp để kịp cho con học online.
Trong khi đó, do kinh tế eo ẹp, nhiều phụ huynh ở huyện đắn đo không biết có nên mua máy vi tính hay không. Có hai con vào học lớp 7 và lớp 2, chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn 8 (xã Ea Huar) đang chờ quyết định của nhà trường xem có tổ chức dạy học online hay không. Nếu trường của hai con đều dạy học online, chị phải mua thêm máy vi tính vì không thể dùng chung được.
Chị Hằng đã hỏi dò một số nơi chuyên bán máy vi tính cũ giá từ 2,5 – 4 triệu đồng, nhưng chưa rõ chất lượng; còn máy mới cấu hình thấp giá gần 10 triệu đồng. “Nếu mua máy vi tính sẽ phải giảm chi tiêu mà chưa biết việc học online được bao lâu, nếu đi học lại bình thường thành ra lãng phí”, chị Hằng cho hay.
Thiếu nguồn máy tính giá bình dân
Bà Đồng Thị Bích Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột cho biết, nhu cầu mua máy vi tính tăng mạnh từ đầu tháng 8, với sức tăng 30%, đỉnh điểm là sau ngày 20 đến 26-8 trước khi TP. Buôn Ma Thuột thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Riêng ngày 26-8, cửa hàng bán trên 20 chiếc laptop, tăng 40% so với bình thường.
Máy vi tính, laptop được nhiều phụ huynh hỏi mua nhất; trong đó laptop giá bình dân từ 15 triệu trở xuống, máy tính bảng giá 7-8 triệu đồng/sản phẩm bán “chạy nhất”. Tuy nhiên, hiện nhiều cửa hàng không có hàng ở phân khúc này để bán. Dự kiến phải đến trung tuần tháng 9 máy vi tính giá bình dân mới về kịp.
Tại Công ty TNHH Nhật Quang (TP. Buôn Ma Thuột), khoảng từ cuối tháng 7, nhu cầu mua thiết bị cho con học trực tuyến tăng mạnh. Các loại laptop mới giá tầm 15 triệu đồng/sản phẩm nguồn hàng nhập về rất hạn chế. Thay vào đó, dòng laptop qua sử dụng có giá từ 3-10 triệu đồng/sản phẩm và máy vi tính có giá 5-6 triệu đồng/sản phẩm bán rất chạy.
Chỉ riêng trong tháng 8, lượng khách mua các mặt hàng này tăng 50% so với trước đó, chủ yếu là học sinh, sinh viên, công chức. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nguồn cung tạm thời bị thiếu hụt. Mấy ngày nay, khách hàng gọi hỏi mua liên tục, song máy vi tính cũ tại cửa hàng không còn để bán.
Thùy Hoàng Đỗ (Báo Đắk Lắk)