Câu hỏi nghị luận xã hội siêu ngắn chỉ với 3 từ duy nhất, nằm trong đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) đã khiến dư luận bàn tán sôi nổi.
Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) đã nhận được hàng vạn lượt thích, hàng nghìn bình luận và chia sẻ. Câu hỏi nghị luận xã hội chỉ với 3 từ “Em màu gì” nhưng chiếm đến 8/10 điểm làm nhiều người thích thú vì sự sáng tạo, cho phép học sinh triển khai theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Thầy Nguyễn Đình Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, Đắk Lắk cho biết, đây là câu hỏi trong đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ Văn lớp 12 diễn ra vào hôm 31/10 do cô Hoàng Thị Kiều Trang, tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường đưa ra.
Lý giải cho câu hỏi độc đáo này, cô Kiều Trang cho biết trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như ra đề các năm qua, cô phát hiện nhiều em có khả năng nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau và góc nhìn độc đáo.
Do đó, cô chọn ra đề theo hướng mở với mục đích học sinh nhìn thấy giá trị bản thân, thể hiện điều đó bằng các đặc biệt, độc đáo và sâu sắc.
“Thực ra, đề chỉ muốn học sinh nói được giá trị, vị trí của bản thân, các em dù là ai, người như thế nào đều có giá trị riêng. Thí sinh chỉ cần khẳng định giá trị của mình, có thể chọn cho mình một màu hay viết chung chung đều được”, cô Trang chia sẻ.
Cô nói thêm với dạng đề mở, câu hỏi càng ngắn, đề càng khó. Thực tế, sau khi thi xong, một số học sinh nhắn tin cho cô. Các em tâm sự “đề khó, đọc xong, thí sinh bay màu luôn”.
Dù vậy, thí sinh kỳ thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn cấp trường THPT Phan Đình Phùng cũng thích đề thi như vậy, đánh giá đề khơi gợi cảm xúc, hứng thú viết.
Khi đề thi với câu hỏi “bạn màu gì?” được chia sẻ lên mạng xã hội, cô Trang chấp nhận nó sẽ tạo ra luồng ý kiến khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Đây là căn cứ để cô rút kinh nghiệm cho đề sau.
Ngày 1/11, tổ Ngữ văn của trường tiến hành chấm thi. Cô Kiều Trang thông tin trong khoảng 15 em dự thi, hầu hết thí sinh nhìn ra vấn đề nhưng mỗi em có cái nhìn, cách khai thác riêng, không chọn cho mình màu cụ thể mà khẳng định cần sống “có màu”, không quan trọng màu gì nhưng không để trộn lẫn.
Với cô, môn Văn không chỉ là những suy nghĩ lãng mạn, bay bổng. Thay vào đó, người học cần biết cách thể hiện suy nghĩ, cái nhìn, tư duy một cách logic.
Nguồn: Tổng Hợp