Của để dành
Của để dành
Tác giả: Hà Thanh
Chiều, tôi dẫn nhóm bạn thành phố ra mé sông gần nhà. Hiếm khi dân thành thị được dịp về quê câu cá nên cả bọn hồ hởi, tay cầm xô, tay cần câu, kẹp thêm cái vợt với quyết tâm kiếm mớ cá.
Ra tới sông, các bạn nữ trải bạt xuống cát, các bạn nam nhanh tay móc mồi vào cần câu. Chuẩn bị xong đâu đấy, cả bọn lau chau thả câu, ríu rít trò chuyện. Thỉnh thoảng, có người la váng, mừng húm tuy con cá câu được chỉ tẹo tèo teo. Hơn một tiếng đồng hồ, chưa tới mười con cá con tội nghiệp dính câu.
-Một bạn nữ thở dài: “Mớ này chắc chỉ đủ dầm nước mắm me làm đồ nhắm cho mấy ông nhậu”.
Ào, một đợt sóng tràn đến chỗ chúng tôi. Cả bọn quay sang nhìn. Gần đó, một thanh niên mặc áo thun rách cổ đang kéo một tấm lưới lên bờ. Cả bọn reo lên, chỉ trỏ khi nhìn thấy hàng chục con cá quẫy đạp trong lưới. Người thanh niên từ tốn gỡ từng con cá ra và… thả lại xuống sông. Cả bọn ngỡ ngàng.
-Một người bạn ngạc nhiên: “Sao kỳ vậy anh?”.
-Anh chàng kéo lưới cười khì: “Cá nhỏ quá ăn sao được. Thả xuống, mai mốt nó lớn lên rồi mình bắt. Bắt riết tụi cá con này, mai mốt còn cá đâu mà ăn”.
Chúng tôi lặng thinh, tay cầm cần câu rụt rè hẳn lại. Mươi phút sau, khi anh lủi thủi vác lưới trở ngược ra sông, chúng tôi lục đục xếp bạt, vác cần mang về, lặng lẽ thả mớ cá xuống sông.
Sử dụng các sản vật của thiên nhiên một cách vô tội vạ là biểu hiện khá phổ biến ngày nay. Người ta chẳng ngại ngần săn bắt hay mua bán những con cá còn nhỏ. Ta còn mừng rơn khi mua được những con cá bụng mang đầy trứng ngoài chợ. Chẳng có ai phạt khi ta ăn hay bắt những con vật đang mùa sinh sản.
Hiếm có ai nhắc ta rằng nếu được sống thêm một thời gian ngắn, những con cá này sẽ sản sinh ra hàng trăm ngàn con cá khác. Thậm chí ở nhiều nơi, người ta còn thẳng tay bắt cá bằng những tấm lưới có mắt nhỏ nhất, bằng thuốc nổ, bằng điện… mặc cho hàng trăm loài thủy sinh khác chết hoài phí, từ cua cá đến rong rêu.
Đến khi nào tất cả chúng ta mới ý thức được điều này, để cá nói riêng và sản vật thiên nhiên nói chung là nguồn lợi còn mãi của con người?
Chúng tôi được học hành, đến từ thành phố, tự coi mình văn minh là thế mà xử sự không bằng một anh chàng kéo lưới nhà quê nghèo khó. Anh đã dạy cho chúng tôi bài học về cách hành xử văn minh của con người hiện đại.
Ghi chú: Bài này có lẽ ra đời trước các quyết định cấm đánh bắt các loại cá con, như cá linh mùa nước nổi ở miền Tây.