Âm lượng, khoảng cách vật lý và khoảng cách tâm
Có vị thiền sư đang đi du ngoạn trên dòng sông, thì thấy một gia đình trên bờ sông la hét với nhau đầy giận dữ.
-Ông liền quay lại những người học trò của mình, khẽ mỉm cười hỏi: “Tại sao trong cơn giận dữ, người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?”
-Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời: “Bởi vì người ta mất bình tỉnh, mất tự chủ!”
-Vị thiền sư không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo: “Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở ngay bên cạnh nhau, tại sao không thể nói với nhau một âm thanh vừa đủ nghe?”
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời, nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thiền sư hài lòng.
Sau cùng, vị thiền sư đưa ra lời giải đáp.
-Thiền sư bảo: “Khi hai người đang giận nhau, thì tâm của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Mặc dù họ có thể ở ngay bên cạnh nhau về mặt thể xác, về mặt vật lý, về mặt không gian, nhưng trong tâm, họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to.
Sự giận dữ càng lớn, thì khoảng cách giữa tâm càng xa, họ càng phải nói to hơn, thậm chí hét lớn, để tiếng nói của họ bao trùm lên khoảng cách tâm ấy mà đi tới người kia.
Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ. Tại sao? Bởi vì trái tim của họ, tức khoảng cách tâm, và khoảng cách vật lý giữa họ rất gần…”
-Rồi ngài lại tiếp tục: “Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà, thì họ không nói nhỏ nữa, mà chỉ thì thầm. Họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu”.
-Thiền sư giảng tiếp: “Cuối cùng, ngay cả lời thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, là cũng đủ. Vì qua ánh mắt đó, họ đã biết người bạn đời nghĩ gì, muốn gì, tức là họ đã thông tâm với nhau”.
Thiền sư kết luận: “Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề gì đó, thì phải giữ trái tim các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì mà khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày, khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường để quay trở về! Tức không còn lối về của tâm lẫn nhau”.
Lời bình
(1) Âm lượng và khoảng cách tỷ lệ thuận. Khi khoảng cách càng gần, thì âm lượng nhỏ đủ nhau nghe.
(2) Khoảng cách có 2 loại: Khoảng cách vật lý, tức là hai người nói chuyện cách nhau bao nhiêu mét; khoảng cách tâm, tức là sự thấu hiểu lẫn nhau giữa 2 người nói chuyện. Câu chuyện bên trên là khi khoảng cách tâm càng xa nhau, thì khi nói chuyện phải la to, thì âm lượng mới tới người kia.
(3) Có rất nhiều người, ở bên cạnh nhau, nhưng tâm của họ xa nhau; nhưng cũng có những người ở rất xa về không gian, nhưng tâm của họ rất gần. Bởi thế, nhân gian hay nói “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa” là như vậy.