Truyện ngắn: Con người tử tù

 Truyện ngắn: Con người tử tù

Hai đứa trẻ dương mắt nhìn người ta đưa bố mẹ nó lên chiếc xe ô tô rồi chở đi đâu mất. Con bé Liên khóc nức nở, gào thét trong vô vọng “Bố ơi, mẹ ơi!”, bỗng một tiêng “bốp” đau đớn in hằn 5 lốt ngón tay trên mặt nó.

– Mày có im ngay đi không, bố mẹ mày làm khổ cái nhà này chưa đủ à?

Mặt chú nó dữ tợn, đầy hằn học chẳng còn vẻ hiền lành và chất phác như thường ngày. Thằng Liêm mới 10 tuổi nhìn thấy em khóc chỉ biết đứng ôm lấy em, nó không dám nói gì vì cũng sợ bị chú đánh.

***

Từ hôm đó, chúng bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi rất đặc biệt trong cuộc sống của mình. Người làng gọi chúng là “con của kẻ giết người”, là “những đứa trẻ tội lỗi”. Không ai muốn đến gần chúng, bọn trẻ con trong xóm bình thường vẫn chơi với chúng giờ cũng xa lánh dần, đứa nào cố tình gặp sẽ bị phụ huynh lôi về, mắng té tát cho phát sợ, không dám đến nữa mới thôi. Người làng đã vậy, đến người trong nhà cũng quay lưng. Từ hồi bố mẹ đi tù, cứ đến bữa cơm hai đứa sẽ lên ăn nhờ nhà chú, vừa ăn vừa nghe chú mắng mỏ, ăn xong lại bị đuổi về nhà.

Căn nhà ấy vốn dĩ khi xưa 3 thế hệ quây quần bên nhau vui vẻ lắm, giờ ngoài hai anh em nó chắc chẳng còn ai dám đến, dám vào. Nhà không có điện, giữa mùa hè nóng nực cũng chỉ có độc một chiếc quạt mo duy nhất mà đêm nào thằng Liêm cũng phải nằm quạt cho cái Liên ngủ. Nhưng ám ảnh hơn cả là cái chết oan trái của ông bà chúng ngay chính ngôi nhà ấy.

Bố chúng vốn dở người, hành động lúc mê lúc tỉnh. Nghe nói ngày xưa, người ta đã quấn chiếu mang bố nó ra đồng rồi thấy động đậy lại mang về nuôi. Mẹ nó thì cũng chậm chạp, chẳng biết tính toán làm ăn, đi đâu cũng lơ nga, lơ ngơ. Hai cái thân phận “trời sinh một cặp” ấy gặp nhau rồi trở thành chồng vợ, quanh năm làm lụng với mấy sào ruộng, chẳng làm ra kinh tế, thuộc diện nghèo trong xã. Năm ấy nhà nó mất mùa, thóc gạo bán sạch mà chủ nợ thì đòi gắt, quẫn chí, bố nó dại dột đem thuốc chuột trộn bỏ vào thức ăn của ông bà nó, khiến ông bà ngộ độc mà chết. Cái chết ai oán ấy làm rúng động cả một vùng, thậm chí người trong nam, ngoài bắc cũng biết tin. Bố, mẹ nó bị bắt ngay sau 3 ngày làm đám cho ông bà, còn hai đứa trẻ thì bơ vơ từ ngày đó.

***

Chúng nó ở với chú được một tháng thì chú mang hai đứa lên Ủy ban nhân dân xã bàn giao, báo cáo không chăm sóc được. Xã liên hệ từ người thân thích như cô, dì đến chú bác họ gần nhưng chẳng ai quan tâm. Cuối cùng xã gửi chúng về nhà một người cô họ xa, nhận hỗ trợ một phần kinh phí để lo ăn uống.

Hai đứa vẫn thế, vẫn bị cả thế giới bỏ rơi, xung quanh vẫn là những tiếng xì xèo về cuộc sống gia đình chúng, về bố mẹ chúng, về sự nghi ngại khi tiếp xúc với “thành phần nguy hiểm”, “con kẻ giết người”. Chúng dần cũng trở nên tự ti, khép kín nhưng trong đôi mắt vẫn khao khát có một sự yêu thương.

Cạnh nhà Liêm và Liên ở nhờ có chị Hòa, chị Hòa hơn Liêm 1 tuổi nổi tiếng là học giỏi và ngoan. Nhà chị Hòa giàu lắm, cái nhà to ai cũng phải ngước nhìn, chiếc cổng rộng chừng cái ô tô cũng đi qua được. Chị Hòa lúc nào cũng được mặc những bộ quần áo rất đẹp, được chơi nhiều đồ chơi mà trẻ con trong xóm không ai có. Nhưng dường như chị Hòa rất ít ra ngoài, ngoài thời gian đến trường, chị cũng chỉ toàn ở nhà cắm cúi học.

Thế mà chẳng hiểu vì sao, từ khi hai đứa dọn đến ở gần, ngày nào chị cũng phá lệ, chạy sang chơi cùng.

– Hai em ăn kẹo đi, kẹo ngon lắm

Hai đứa ngơ ngác đầy vẻ thận trọng rồi đồng thanh hỏi:

– Chị… không sợ chơi với bọn em à?

– Không, sợ thì chị đã chẳng sang rồi.

Hai đứa mắt sáng lên như bắt gặp điều gì vui mừng lắm, có lẽ lâu lắm rồi chúng không được tiếp xúc với người ngoài, nên chuyện chúng “thèm người” là có thực.

– Nhưng sao chị lại chơi với bọn em?

– Vì chị cũng muốn có bạn chơi cùng

Thế từ nay, chúng ta là bạn tốt của nhau nhé, chúng mình sẽ chơi chơi trò làm chị, làm em.

Ba đứa ngoắc tay vui vẻ, chúng gọi nhau như anh chị em một nhà, chị
Hòa là chị cả, rồi đến anh Liêm và cuối cùng út Liên.

– Cái Hòa, mày về nhà ngay, đi chơi như thế à?

Ba đứa vừa chơi được một lúc thì giọng bà chị Hòa cất lên đầy gay gắt

Chị Hòa nghe thấy thế, chạy một mạch về nhà, hai đứa nhìn rõ chị vừa về đến sân thì bà của chị đã chống tay, mắng oang oang. Bà mắng như muốn cảnh báo chúng tránh xa cháu bà ra vậy:

– Mày không được chơi với bọn nó nghe chửa? Bọn nó là con kẻ giết người, đi với bọn nó là học thói hư, tật xấu chứ chẳng được cái gì hay ho đâu.

Chúng nhìn thấy chị Hòa lủi thủi đi vào trong nhà, lại ngồi vào bàn học, chị chăm chú học bài còn chúng thì buồn thỉu buồn thiu…

Một ngày, hai ngày chúng không thấy chị Hòa sang. Chúng nghĩ thầm, chắc chị lại bị cấm như những đứa trẻ khác rồi, sẽ chẳng ai chơi với chúng nữa…

Nhưng rồi, chị Hòa lại xuất hiện, lần này chị cầm trên tay một em búp bê xinh xắn rồi đưa cho cái Liên:

– Cho Liên này, em búp bê này chị không chơi nữa, chị tặng lại cho em đấy!

Con bé Liên ngỡ ngàng, mắt nó mở to như hai viên bi, ngạc nhiên hỏi:

– Chị cho em thật á?

– Ừ, chị cho em mà, chị nhiều em búp bê lắm, em này tặng em đấy

Đấy cũng là lần đầu tiên cái Liên được sở hữu một con búp bê. Nó bảo, nó thích chơi búp bê lắm nhưng nhà nó nghèo, nên mẹ nó chẳng có tiền mà mua búp bê cho.

Con bé thích thú nâng niu em búp bê, vuốt ve:
– Em à, em à, từ nay em là em của chị nhé.

Từ lúc có chị chơi cùng, thằng Liêm cũng bớt lầm lì hơn, nó bắt đầu kể cho chị nghe về cuộc sống của nó những ngày không cha mẹ.

Nó kể hồi còn ở với chú, mỗi bữa chú chỉ cho anh em nó ăn một bát cơm, bát còn lại chú chỉ cho húp nước rau cho ngang dạ.

Nó bảo từ hồi lên nhà cô Chiều, nó sướng hơn, anh em nó có giường để nằm, không phải quạt bằng tay nữa, với nó thế là vui lắm rồi.

Nó khoe, hôm trước chú nó cũng mang cho 2 anh em nó chục trứng gà, chú không gặp bọn nó, nó thấy chú nhìn trộm bọn nó chơi trong sân, lúc chú biết nó nhìn thấy chú, chú giật mình, đánh xe quay đi.

***

Mùa hè năm ấy cũng là mùa hè chuẩn bị cho cái Liên bước vào lớp một. Ngày các bạn đi nhập trường có quần mới, áo mới, có bố mẹ đưa đi, cái Liên chẳng có gì ngoài mấy quyển sách cũ mà cô nó xin lại của ai đó, ngoài 2 – 3 quyển vở mà xã cho, nó đựng vào cái túi nilon rồi xách đi học. Trông con bé đến là tội nghiệp nhưng sự đề phòng của mọi người dành cho nó cũng chẳng hề giảm đi, vì thế chẳng ai có một hành động nào thiết thực hơn ngoài việc chẹp miệng, trách móc bố mẹ nó đẩy nó vào hoàn cảnh ấy, có người còn độc miệng nói vào mặt nó: “Đáng đời bố con nhà mày”, con bé dường như quen rồi, nó không phản ứng gì cả, nó lại xách cái túi nilon đến trường.

Nhưng lúc về nó nức nở, nó khóc hệt như cái hôm bố mẹ nó bị bắt lên xe. Nó kể với chị Hòa:

– Huhu, hôm nay em bị cô giáo phạt đứng nghiêm trong lớp

– Vì sao cô giáo lại phạt em?

– Vì em đánh bạn

– Thì em sai rồi còn gì, sao mà lại đánh bạn?

– Vì bạn bảo cô giáo em ăn cắp đồ của bạn, em không lấy, em không lấy mà. Mẹ bạn ấy còn mắng em là đồ giẻ rách, đồ bỏ đi.

Nó gào lên khóc, nước mắt ngắn, nước mắt dài cứ nối đuôi nhau chảy lan trên mặt nó. Chị Hòa an ủi mãi nó mới hết khóc, nó bảo em phải học giỏi để sau này lớn lên em không ai khinh thường nó nữa . Cũng từ đó, chị Hòa nhận thêm cả nhiệm vụ làm gia sư cho anh em Liêm, Liên, bà chị nói nhiều rồi, giờ cũng chẳng nói nữa, hết giờ học, chị lại chạy sang dạy hai đứa. Tuy hai đứa không có bố mẹ ở bên nhưng rất tự giác học tập. Hàng ngày, con bé Liên thường gom những mẩu phấn thừa ở lớp đựng vào một cái túi nhỏ để mang về cho “cô giáo” Hòa giảng bài, cứ thế ba chị em vui vẻ bên nhau, cái Liên học cũng tốt, hay được điểm 10 mang về khoe chị.

***

Một ngày cuối thu, Hòa ngồi thu lu bên góc sân quen thuộc, bên những mẩu phấn thừa mà cái Liên vẫn còn đựng trong túi nilon. Nhưng giờ hai anh em nó đã không còn ở đây nữa. Cô Chiều kể, bố nó mới bị xử tử hình, mẹ nó cũng vừa mãn hạn tù nên về đón hai sang quê ngoại. Chúng nó cố đợi chị Hòa về nhưng không kịp.

Cũng từ đó họ mất liên lạc với nhau. Đôi khi Hòa vẫn tự hỏi: Liệu hai đứa sống thế nào?, còn nhớ chăng một quãng kỷ niệm thời thơ ấu?. “Chúng em yêu chị/ Ký tên : Liêm và Liên” . Dòng chữ trên tường đã phai mờ theo thời gian nhưng sâu trong tâm trí Hòa hai đứa trẻ ấy vẫn mãi là một điều đặc biệt.

Sưu tầm

HongLien

Related post