Phản ứng của thế giới về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine

 Phản ứng của thế giới về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine

Xe quân sự di chuyển trên đường ở khu vực ly khai Donetsk ở miền đông Ukraine ngày 23-2 – Ảnh: REUTERS

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đừng để xảy ra chiến tranh ở châu Âu. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói thế giới sẽ “buộc Nga chịu trách nhiệm” khi đưa quân vào miền đông Ukraine, khẳng định Washington và đồng minh sẽ trừng phạt nặng Matxcơva.

“Tổng thống (Nga) Vladimir Putin đã lựa chọn một cuộc chiến có tính toán trước sẽ mang lại thiệt hại thảm khốc về người và của. Một mình Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết và sự tàn phá từ cuộc tấn công này. Mỹ cùng các đồng minh, các đối tác sẽ đáp trả một cách thống nhất và dứt khoát. Thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden trong thông báo phát ngày 24-2, giờ Việt Nam.

Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ gặp các lãnh đạo nhóm G7 vào ngày 25-2 (giờ Mỹ) và các nước sẽ áp những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để đáp lại “cuộc tấn công vô lý” của Nga.

Tương tự, các lãnh đạo châu Âu cũng muốn Nga chịu trách nhiệm. “Với các hành động quân sự vô cớ và phi lý của mình, Nga đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và phá hoại sự ổn định và an ninh của châu Âu cũng như toàn cầu.

Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch, rút quân đội khỏi Ukraine và hoàn toàn tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine”, lãnh đạo Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và lãnh đạo Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel phát tuyên bố chung.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cũng chỉ trích Nga “chọn con đường gây hấn chống lại chủ quyền, lãnh thổ một quốc gia” và đã vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh khu vực, mạng sống của vô số người dân.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gọi tình hình hiện tại ở Ukraine là “giờ phút đen tối nhất” của châu Âu kể từ Thế chiến I, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi trừng phạt bổ sung Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, sau cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine, cũng khẳng định đoàn kết với Ukraine.

Trong phản ứng sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga dừng tấn công. “Nhân danh nhân đạo, đừng cho phép nổ ra cuộc chiến có thể là nghiêm trọng nhất từ đầu thế kỷ này tại châu Âu. Phải chấm dứt xung đột ngay”, ông Guterres nói.

Ngày 24-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine và nói rằng lo ngại an ninh của tất cả các bên cần được tôn trọng. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc nói.

Bắc Kinh khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào, cũng như kêu gọi tất cả các nước cùng bảo vệ an ninh năng lượng. Hãng tin Reuters cho biết đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev đã kêu gọi người dân ở trong nhà và treo cờ Trung Quốc trên xe nếu phải đi ra đường.

Pháp đã triệu tập cuộc họp quốc phòng về vấn đề Ukraine. “Nga phải chấm dứt ngay các chiến dịch quân sự”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter.

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio nói cuộc tấn công của Nga vào Ukraine làm “rung chuyển nền tảng trật tự thế giới”, và khẳng định sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế, gồm Mỹ, để phản ứng.
Việt Nam khẳng định Hiến chương LHQ là cơ sở quan trọng cho hành động của cộng đồng quốc tế

Khóa họp thường niên của Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ đã khai mạc ngày 23-2 tập trung thảo luận vai trò của Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, theo TTXVN.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, phó trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiến chương LHQ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là cơ sở quan trọng cho hành động của cộng đồng quốc tế trong những thời điểm khó khăn.

Để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ qua những hành động cụ thể, phát huy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa LHQ và các tổ chức khu vực vì hòa bình và phát triển bền vững.

Về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc cơ bản này của luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp nêu tại điều 33 của Hiến chương LHQ, ủng hộ ủy ban tiếp tục thảo luận về chủ đề này và đặc biệt đánh giá cao trọng tâm thảo luận của năm 2020 và 2021 là các biện pháp trọng tài và xét xử, như các công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp.

Đại diện Việt Nam cho rằng đã có nhiều khuôn khổ pháp lý toàn diện và các cơ chế đã được vận dụng hiệu quả, như của Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 để các bên giải quyết các tranh chấp, trong đó có về lãnh thổ và biển, hoan nghênh việc ủy ban sẽ thảo luận về các kinh nghiệm tốt trong vận dụng biện pháp xét xử.

TRẦN PHƯƠNG (Tuổi Trẻ)

HongLien

Related post