tàu tuần tra trên biển

Tàu tuần duyên Mỹ USCGC Bertholf tập trận cùng lực lượng Philippines ở Biển Đông vào tháng 5.2019

Mỹ triển khai chiến lược “3 trong 1” tại Biển Đông

Mới đây, Mỹ đã đề ra kế hoạch xây dựng tích hợp 3 lực lượng bao gồm: hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên để trở thành lực lượng quân sự chung trên biển. Sự cải tổ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó các thách thức mới mà trong đó có Biển Đông.

Thay đổi để đối phó với thách thức mới

Theo bản kế hoạch, Mỹ đang đứng trước các thách thức lớn kể từ sau Thế chiến 2 khiến cho quyền lợi nước này bị đe dọa, nên cần phải tái tổ chức lực lượng phù hợp. Bên cạnh các thách thức ở biển Hoa Đông, biển Ả Rập…, thì Biển Đông là một thách thức lớn, khi Trung Quốc đang liên tục tăng cường quân sự hóa các thực thể, đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển này.

Theo đó, Bắc Kinh đã triển khai lực lượng hùng hậu bao gồm hải quân, hải cảnh, dân quân biển… nhằm phối hợp để đạt được tham vọng kiểm soát Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường lực lượng tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công, chiến hạm cỡ lớn, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo…

Chính vì thế, kế hoạch trên đặt ra mục tiêu quân đội Mỹ phải thay đổi phù hợp, bao gồm việc tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó các thách thức mới.

Phân tích kế hoạch trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng kế hoạch trên nhằm tích hợp 3 lực lượng để các hoạt động ứng phó trở nên chặt chẽ và toàn diện hơn.

“Ví dụ lực lượng tuần duyên phù hợp giải quyết thách thức về môi trường và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hàng hải như ngăn cản hành vi bắt nạt ngư dân, phá hoại môi trường, buôn lậu… Đó là những hành vi không phải gây chiến, nhưng ẩn chứa rủi ro phá hoại, thậm chí dẫn đến xung đột”, cựu đại tá Schuster nói và cho rằng lực lượng tuần duyên có thể ngăn cản hiệu quả để phòng ngừa xung đột xung quanh các hành vi trên.

Trong khi đó, theo ông Schuster, thủy quân lục chiến có thể phối hợp các lực lượng phòng thủ trên bờ, hợp tác với các đồng minh để tiến hành đổ bộ, đáp ứng cả yêu cầu sơ tán cứu hộ khi cần thiết. Còn hải quân thì cung cấp hỗ trợ toàn diện trên biển và cả trên không.

Vì thế, khi tích hợp cả 3 lực lượng thì hải quân Mỹ có thể tổ chức hoạt động toàn diện ở các vùng biển, đối phó các thách thức.

Kế hoạch ứng phó trên Biển Đông

Đánh giá ảnh hưởng của kế hoạch trên đối với Biển Đông, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson) phân tích: “Vì Trung Quốc đang sử dụng hải cảnh và các tàu khảo sát “núp bóng” nghiên cứu để phục vụ tham vọng bành trướng, nên việc Mỹ phối hợp hải quân với tuần duyên là rất quan trọng. Trung Quốc cũng đã tích hợp khi việc cải tổ gần đây đã thống nhất hoạt động của hải quân và hải cảnh nước này. Chính vì thế, Mỹ cũng cần tích hợp hoạt động giữa hải quân (lực lượng quân sự) với tuần duyên (lực lượng bán quân sự). Nên kế hoạch tích hợp trên là dấu mốc quan trọng. Trong đó, thủy quân lục chiến có vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc này”.

Ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng của Tổ chức RAND (Mỹ), nhận xét: “Tôi tin rằng mục đích của kế hoạch tích hợp “3 trong 1” là nhằm khai thác các nền tảng có tính cơ động và ít sát thương hơn, không gây chết người để ứng phó với các lực lượng hải cảnh và dân quân biển mà Trung Quốc đang triển khai ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực.

Hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên Mỹ có thể ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc theo cách vừa nêu, dù không thể loại trừ các trường hợp Bắc Kinh leo thang xung đột bằng cách triển khai hải quân, dẫn đến những xung đột vũ trang.
Nhưng dù thế nào thì kế hoạch mới của Lầu Năm Góc vẫn có hiệu quả để góp phần ngăn chặn các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Việc đưa ra kế hoạch tích hợp cho thấy Mỹ đã nhận thức rõ sự thay đổi của các thách thức mới có thể đe dọa đến vị thế hàng hải của nước này trên thế giới. Bên cạnh đó, kế hoạch trên không chỉ tập trung vào việc tái cấu trúc lực lượng Mỹ, mà còn nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp của Mỹ với các đồng minh, đối tác. Ngoài ra, cũng từ kế hoạch trên cho thấy Washington đã rút ra bài học từ vụ khủng bố ngày 11.9.2001 là việc phối hợp, tích hợp các lực lượng an ninh có vai trò quan trọng để đối phó các mối nguy cơ.

TS Satoru Nagao

Nguồn: Tổng hợp

Exit mobile version