Chính quyền Trump “tung đòn” cuối với Bắc Kinh

 Chính quyền Trump “tung đòn” cuối với Bắc Kinh

Một cảnh sát đứng trước trụ sở CNOOC ở Bắc Kinh

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục tung “cú đấm” về phía Trung Quốc, trừng phạt các quan chức, công ty có hành động sai trái trên Biển Đông; áp lệnh cấm đầu tư với 9 công ty.

Lãnh đạo các công ty nhà nước, quan chức của đảng và quân đội Trung Quốc, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ đối mặt với các biện pháp hạn chế mới vì có những hành động chèn ép các quốc gia liên quan trên Biển Đông. CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014.

Thêm 9 công ty bị đưa vào danh sách các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có quan hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó có hãng chế tạo máy bay Comac và hãng điện thoại Xiaomi. Những công ty này sẽ đối mặt với lệnh cấm đầu tư của Mỹ, theo đó các nhà đầu tư Mỹ sẽ phải thoái vốn khỏi những công ty trong danh sách này sau ngày 11/11/2021, Reuters đưa tin.

Washington cáo buộc Bắc Kinh bắt nạt các nước liên quan như Việt Nam và Philippines trên vùng biển này. “Mỹ sát cánh với các quốc gia liên quan ở Đông Nam Á khi họ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói khi thông báo các biện pháp trừng phạt mới.

Ông Pompeo cho biết Washington sẽ hạn chế cấp visa cho những lãnh đạo công ty nhà nước, quan chức đảng và hải quân Trung Quốc cũng như thành viên gia đình họ.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng những biện pháp này nhằm vào những người “phải chịu trách nhiệm, hoặc thông đồng với các hoạt động bồi đắp quy mô lớn, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp trên Biển Đông, hoặc chèn ép các quốc gia liên quan ở Đông Nam Á để ép họ từ bỏ các tài nguyên xa bờ”.

Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc CNOOC quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước trên Biển Đông, “với mục tiêu tạo ra rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm”. Những biện pháp này được áp dụng để đối phó với việc Bắc Kinh sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để tận dụng nhiều công nghệ dân sự vào mục đích quân sự.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới. “Hành động này đi ngược lại xu hướng thời đại, cạnh tranh thị trường và các quy tắc thương mại quốc tế”, ông Triệu nói.

Trung Quốc “chơi rắn”

Những diễn biến mới này xảy ra khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ còn vài ngày nữa sẽ nhậm chức. Nhóm chuyển tiếp của ông Biden chưa đưa ra bình luận nào.

Ông Kurt Campbell, người vừa được ông Biden chọn làm quan chức điều phối chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương, vừa phát biểu tại một diễn đàn rằng các nguyên tắc chỉ đạo của Mỹ sắp tới sẽ là dễ đoán, ổn định và rõ ràng, trái ngược với cách làm trong 4 năm qua.

Ông Campbell dự kiến sẽ là người chủ chốt của chính quyền Biden trong chính sách với Trung Quốc và châu Á khi đảm nhận vị trí mới được tạo ra trong Hội đồng an ninh quốc gia.

Ông Campbell nói rằng dù một số người trong đội ngũ hoạch định chính sách ở Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Washington, nhưng nhiều người khác tin rằng Mỹ đang bị suy yếu cấu trúc và Trung Quốc muốn thúc đẩy lợi thế của mình. Trong khi đó, Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát ở Hong Kong và Tân Cương, phô trương cơ bắp ở Biển Đông, thách thức Ấn Độ, bắt nạt Úc và cố gắng chia rẽ Mỹ với châu Âu. “Chúng tôi phải nhận ra những tính toán của họ khi chúng tôi tiến về phía trước và hiểu rằng Trung Quốc đang chơi rắn”, SCMP dẫn lời ông Campbell.

“Chúng tôi phải nhận ra những tính toán của họ khi chúng tôi tiến về phía trước và hiểu rằng Trung Quốc đang chơi rắn”. Kurt Campbell, người vừa được ông Biden chọn làm quan chức điều phối chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương.

BÌNH GIANG (TIỀN PHONG)

HongLien

Related post