Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi dự tuyển ngành sư phạm

 Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi dự tuyển ngành sư phạm

Học sinh lớp 12 tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Nguyên Hoa

Mùa tuyển sinh năm 2021, khi tư vấn tuyển sinh, nhiều trường đại học có đào tạo các ngành sư phạm đã thông tin: ngoài việc được miễn học phí, sinh viên sẽ được nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng trong suốt 4 năm học.

Khoản hỗ trợ gần bằng với tiền lương mỗi tháng của một cử nhân đại học mới ra trường hẳn sẽ “hấp dẫn” thí sinh, dự kiến sẽ tác động không nhỏ đến lựa chọn nghề nghiệp của nhiều học sinh. Tuy nhiên, các thí sinh cần cân nhắc kỹ chứ không nên chỉ vì khoản tiền hỗ trợ mà lựa chọn ngành học.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 gồm 9 chương, 115 điều, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 có quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Ngày 25-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 – 2022.

Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, đi kèm với quyền lợi bao giờ cũng là nghĩa vụ tương ứng. Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt nếu không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc sinh viên tự chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học…

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sinh viên hoặc gia đình phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan thu hồi kinh phí để làm thủ tục bồi hoàn. Thời gian phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

Điều đáng nói là, theo công bố của Bộ GD-ĐT, hiện tổng số giáo viên thiếu hụt là khoảng 70.000 người; trong đó, có trên 45.000 giáo viên mầm non. Bậc tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên nhưng lại thừa 6.700; bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên nhưng cũng thừa gần 8.500; bậc THPT thiếu trên 9.000 nhưng thừa hơn 1.000 giáo viên. Ngành giáo dục nhiều địa phương hiện đang “đau đầu” vì thực trạng vừa thiếu lại vừa thừa giáo viên ở một số môn học, bậc học. Giáo viên thừa nhiều ở một số môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân ở bậc THCS, THPT.

Tình trạng này dẫn đến khả năng: Nếu thí sinh chọn học những ngành mà hiện đang thừa hàng nghìn giáo viên thì khả năng xin được việc sau khi ra trường là vô cùng khó khăn, đồng nghĩa với việc sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo. Do đó, điều quan trọng nhất đối với những thí sinh muốn chọn học ngành sư phạm là cần phải tìm hiểu được thông tin về ngành nào đang thừa, ngành nào đang thiếu giáo viên để cân nhắc lựa chọn chứ đừng chọn ngành chỉ vì được nhận tiền hỗ trợ mà không lường được hậu quả về sau.

Lại Thị Ngọc Hạnh

HongLien

Related post