Đắk Lắk: Mùa dưa hấu “đắng” nơi vùng biên

 Đắk Lắk: Mùa dưa hấu “đắng” nơi vùng biên

Dưa hấu được cắt, xếp dọc ruộng chờ xe thương lái

Nụ cười đã vụt tắt trên môi người trồng dưa hấu ở vùng biên giới Ea Súp khi cửa khẩu Trung Quốc đóng lại vào dịp cuối năm. Nông dân thua lỗ nặng vì giá đã xuống cực thấp nhưng vẫn không có người mua. Nhiều thương lái cũng thiệt hại do đã “ôm” hàng mà không xuất đi được.

Gần 12 giờ trưa, trên ruộng dưa của anh Lâm Văn Sáu, mười mấy công nhân đang bốc xếp dưa lên xe tải. Vụ này được mùa, nhưng khuôn mặt của chủ ruộng vẫn không cười nổi vì giá rớt thê thảm. Bình thường, những quả dưa nhỏ không đủ tiêu chuẩn xuất đi cũng được anh hái hết để bán lẻ tại chỗ, thì nay anh chẳng thèm cắt mà bỏ mặc trên ruộng. Anh Sáu cho biết, anh ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên vùng này (xã Ia R’vê) thuê đất trồng dưa từ 5 năm nay. Vụ dưa này anh trồng 6 ha, năng suất đạt 2,2 – 2,4 tấn/sào, quả to đều, ruột đỏ tươi, vị ngọt lịm.

Từ đầu vụ, giá dưa tại đây là 10.000 đồng/kg, thương lái đến đặt mua cả ruộng với số tiền 1,2 tỷ đồng, anh khấp khởi mừng thầm vì “thắng lớn”. Nhưng hiện nay giá dưa chỉ còn 2.000 đồng/kg, thương lái “lật kèo”, anh vẫn phải chấp nhận. “Tôi trồng dưa nhiều năm rồi, năm được năm mất nhưng chưa khi nào thê thảm như năm nay; giá phân bón tăng cao, các chi phí khác cũng đội lên, tính ra tôi lỗ tổng cộng 400 triệu đồng”, anh Sáu thở dài.

Tại đám ruộng bên kia (thuộc xã Ia R’vê), chị Nguyễn Thị Hiền từ tỉnh Bình Định lên thuê đất trồng dưa hấu cũng đang thấp thỏm, “đứng ngồi không yên” vì dưa đã đến thời điểm thu hoạch mà chưa có ai đến mua. Nhìn những quả dưa da xanh bóng mượt phơi dưới nắng, chúng tôi cũng không khỏi xót xa.

Chị Hiền rơm rớm nước mắt cho hay, từ tháng 7/2021, gia đình vay ngân hàng 250 triệu đồng lên đây thuê 120 sào đất (tính theo diện tích miền Trung 1 sào = 500 m2) trồng dưa để xuất sang Trung Quốc. Đến thời điểm này vườn dưa đã cho thu hoạch, với năng suất đạt khá cao từ 2 – 2,2 tấn/sào nhưng kiếm không ra người mua, mặc dù giá đã giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, thấp hơn đầu vụ tới 5.000 – 8.000 đồng/kg.

Với giá này thì một sào dưa bán chỉ được có 4 triệu đồng, gia đình lỗ hơn một nửa, trong khi tiền phân bón, thuốc trừ sâu vẫn đang nợ đại lý 400 triệu đồng, chưa kể tiền vay ngân hàng. “Những tưởng dịp này giá dưa cao, sẽ có một khoản tiền để về quê lo Tết, nào ngờ tình hình đảo ngược như vậy. Giờ chỉ mong bán hết ruộng dưa được chút tiền nào hay chút ấy để còn kiếm việc làm thuê trả nợ. Mong Nhà nước có giải pháp để nông sản Việt Nam được thông thương tại cửa khẩu Trung Quốc, giúp nông dân bớt khó khăn”, chị Hiền cay đắng nói.

Ruộng dưa
Ruộng dưa của chị Nguyễn Thị Hiền đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có người hỏi mua.

Không chỉ nông dân mà các thương lái buôn dưa cũng trong tình trạng thất thu nặng. Đang cho công nhân thu gom dưa, bà Trần Thị Nhung, một thương lái ở miền Trung liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi nắm tình hình thị trường và tìm mối “đẩy” hàng. Bà cho biết, năm nay, Trung Quốc không mở cửa nên hàng không xuất được, gây ứ đọng. Vì đã mua hàng của người dân từ đầu vụ với giá cao để xuất khẩu, nên bà phải chấp nhận bán rẻ ở Hải Dương và các tỉnh phía Bắc. “Buôn bán dưa 30 năm nay nhưng chưa khi nào “đắng” như năm nay.

Đợt hàng này, tôi mua hơn 100 tấn, cộng thêm tiền bốc xếp, vận chuyển thì tổng chi phí khoảng hơn 2 tỷ đồng, nhưng ra Bắc chỉ có thể bán lẻ được khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù chủ ruộng cũng đã bớt cho 400 triệu đồng tiền mua dưa so với cam kết ban đầu nhưng vẫn còn lỗ hơn 1 tỷ đồng”, bà Nhung cho hay.

Theo thương lái này, khoảng tháng 10 âm lịch, giá dưa cao, người mua người bán đều có lãi. Thời điểm này, mặc dù giá dưa xuống thấp nhưng do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất ít nên thương lái ngưng thu mua hàng, sản lượng trên ruộng vẫn còn nhiều. Hầu hết, thương lái đã đặt cọc tiền trước cho nông dân nhưng hàng không tiêu thụ được nên ai cũng thua lỗ nặng.

Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê cho biết, trên địa bàn xã có 130 ha dưa hấu. Hiện còn khoảng 30% sản lượng dưa của người dân vẫn còn trên ruộng. Do thương lái không xuất hàng được nên dưa tiêu thụ chậm, giá bán thấp khiến nông dân thua lỗ. Chính quyền địa phương đã rà soát, nắm tình hình và báo cáo lên cấp trên nhằm có hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng dưa. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng dưa một cách ồ ạt, nhất là những khu vực ngoài quy hoạch.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, nghề trồng dưa hấu phát triển trên địa bàn huyện Ea Súp từ nhiều năm nay. Người trồng dưa chủ yếu từ các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định lên thuê đất để sản xuất, cung cấp nguồn dưa cho các thương lái bán sang Trung Quốc. Hiện toàn huyện có 220 ha, trồng chủ yếu ở các xã Ea Lê, Ea Rốk, Cư M’lan, Ia R’vê. Tuy nhiên việc trồng dưa vẫn theo hướng tự phát là chính, chưa có sự liên kết nên thiếu tính bền vững khi thị trường bị đứt gãy, khiến nông dân bị thiệt hại lớn. Để khắc phục tình trạng này, sang vụ mới, huyện sẽ tăng cường khuyến khích các hộ trồng dưa theo hướng liên kết, đồng thời thông tin thị trường sớm cho người dân để họ nắm bắt và điều chỉnh quy mô, thời gian sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, việc Trung Quốc đóng cửa khẩu gây ách tắc nông sản ở biên giới ít nhiều tác động đến nông sản của tỉnh. Trên địa bàn mới có số lượng ít dưa hấu ở vùng Ea Súp cho thu hoạch, còn lại các nông sản khác chưa đến vụ chính.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công thương, tình trạng Trung Quốc đóng cửa khẩu có thể kéo dài qua Tết Nguyên đán do chính sách kiểm soát dịch COVID-19 cũng như nước bạn sắp tổ chức các sự kiện lớn trong thời gian tới. Trước dự báo trên, phía Sở cũng chủ động thông tin lại tình hình xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn để có phương án ứng phó. Kịch bản tiêu thụ trong thời gian tới với các mặt hàng trái cây như xoài, thanh long, mít… chủ yếu sẽ tiêu thụ nội địa là chính thông qua các siêu thị, cửa hàng trong nước.

Minh Thông – Minh Thuận (Báo Đắk Lắk)

HongLien

Related post