Hạt tiêu được phơi trong nhà màng ở Nông trại Dangfarm (huyện Cư M'gar).

Giá tiêu trong nước tăng “nóng”: Liệu doanh nghiệp xuất khẩu có gặp khó?

Từ đầu tháng 3-2021 đến nay, giá tiêu trong nước đột ngột tăng nhanh, với mức khá cao trên 70.000 đồng/kg. Nông dân khấp khởi mừng và kỳ vọng vào giá tốt trong vụ tiêu đang thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang quan ngại về tình trạng này.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong những ngày gần đây, trên các vùng nguyên liệu giá hồ tiêu nội địa liên tục tăng từ 56.000 đồng/kg (ngày 3-3) lên đến trên 70.000 đồng/kg (hiện tại). Cụ thể, giá tiêu ngày 17-3 tại thị trường trong nước đang giao dịch ở mức từ 71.000 – 74.000 đồng/kg, riêng thị trường Đắk Lắk là 72.000 đồng/kg.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất hồ tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì nhu cầu tiêu thụ và chế biến hồ tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng; lượng hàng vụ mới bán ra thị trường chưa nhiều càng khiến nguồn cung tiêu thiếu cục bộ tại thời điểm hiện tại. Tăng “nóng” như hiện nay còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa.

Bởi giá hồ tiêu tăng cao bất thường trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Mặc dù, nhu cầu có tăng nhưng mức tăng chưa cao tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn (loại 500 g/l) nhưng rất ít người mua. Hiện nay, một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua tiêu Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà trader Dubai do giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.

Trên thực tế, số lượng hồ tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước xuất khẩu được 30.291 tấn, với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020, số lượng giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5%. Trong khi đó, nhập khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2021 là 5.313 tấn, so với cùng kỳ tăng 13,8%. Đứng đầu nhập khẩu chủ yếu là khối các doanh nghiệp FDI như: Olam, Harris Freeman, Nedspice, Sơn Hà. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Brazil và Indonesia với tổng lượng nhập khẩu từ hai nước này đạt 4.542 tấn, chiếm 85,5% tổng lượng nhập khẩu.

Chính vì giá đang đà tăng cao nên nhiều người vẫn đang có tâm lý giữ hàng, chờ giá tốt. Còn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng hồ tiêu trên địa bàn Đắk Lắk thì có phần quan ngại trước tình trạng tăng “nóng” này. Theo ông Lê Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), giá tiêu tăng cao là tín hiệu vui cho nông dân trồng tiêu, giúp người dân giữ giá bán cao hơn. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ không mua với giá này, thì sẽ có hiện tượng Việt Nam giữ hàng lại, tạo cơ hội cho một số nước khác bán hàng, ví dụ như Brazil…

Có một nghịch lý là 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu tiêu từ các nước về với số lượng khá nhiều, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đến 90% sản lượng. “Thế giới bây giờ rất phẳng, cứ nơi nào trên thế giới chào bán với giá tiêu thấp thì các nhà xuất nhập khẩu sẽ tìm đến. Đây là một xu thế chung của tất cả doanh nghiệp. Hiện tại, giá nội địa đột ngột tăng cao hơn giá xuất khẩu, các doanh nghiệp không thương lượng được giá phù hợp thì sẽ chưa mua vào. Do đó, người dân cần tỉnh táo trong giai đoạn tăng giá đột biến, không nên giữ hàng nhiều vì Việt Nam đang vào niên vụ tiêu mới, sản lượng vẫn còn nguyên chưa bán được nên giá trong thời gian tới chưa hẳn sẽ tốt hơn”, ông Lê Đức Huy nói.

Sản phẩm tiêu hạt khô được đóng kiện để xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Simexco Đắk Lắk.

Theo đánh giá của ông Lê Đức Huy thì trước mắt hầu hết các doanh nghiệp của Đắk Lắk không thiếu hàng, xuất khẩu có giảm vì không mua được tiêu với giá thị trường trong nước chào bán nên các doanh nghiệp duy trì nguồn hàng sẵn có. Công ty Simexco Đắk Lắk hiện vẫn còn lượng hàng trong kho để xuất khẩu trong vòng 3 tháng tới. Mỗi năm, đơn vị xuất khẩu khoảng 5.000 tấn, chủ yếu là hồ tiêu của Đắk Lắk. Lợi thế của công ty là có vùng nguyên liệu, đáp ứng được 50% sản lượng. Từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu cũng giảm đáng kể theo tình hình chung của cả nước, đến nay mới xuất được 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3-2021, theo kế hoạch là gần 800 tấn, hiện mới xuất được khoảng 360 tấn.

Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng.

Đối với các địa phương và người nông dân, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015, 2016. Các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.

Minh Thuận (Báo Đăk Lăk)

Exit mobile version