Hậu thế mãi nhắc về đại chiến tích công phá thành Kalinga của Ashoka Đại đế, nhưng không phải để ca ngợi tài dùng binh mà chủ yếu để nói về bước ngoặt cuộc đời của ông.
Nhắc đến các vua chúa của Ấn Độ, không thể không nhắc đến Ashoka Đại đế (hay còn gọi là vua A Dục), vị Hoàng đế của các hoàng đế trong lịch sử cổ đại Ấn Độ. Cuộc đời truyền kỳ của ông còn in đậm dấu ấn qua sử sách ở trong nước và trên toàn thế giới.
Và khi nói đến một điều được coi là dấu ấn lớn nhất trong vô số dấu ấn trong cuộc đời của ông, hậu thế chắc chắn sẽ nhắc về đại chiến tích công phá thành Kalinga.
Cuộc chiến thảm khốc
Chiến công hiển hách nhất và cũng để lại nỗi ám ảnh nhất trong đời Ashoka Đại đế.
Ấn Độ trước và sau Ashoka (năm 304 đến 232 TCN) có biết bao vị vua ra đời cùng các chiến dịch quân sự đếm không kể xiết. Nhưng sẽ không có ai được tưởng nhớ bằng Ashoka Bạo chúa hay Ashoka Sùng đạo. Hai danh hiệu này cùng để chỉ về một vị vua vô tiền khoáng hậu. Và các danh xưng này gắn liền với một cái tên khác là Kalinga.
Kalinga là một vương triều láng giềng với vương triều Maurya mà Ashoka đang trị vì. Trong thời đại đó, trước khi diễn ra trận đại chiến kia, đây đều là 2 vương triều hùng mạnh bậc nhất trong số các tiểu quốc trên đất Ấn.
Cuộc đời của Ashoka từ lúc thiếu thời là một hoàng tử cho đến khi trở thành vua của Maurya (hay gọi theo âm hán việt là Ma ta ga) đều gắn liền với binh nghiệp. Ông dành lấy vinh quang trên chiến trường và dùng nó để tranh đấu ngai vàng.
Trên ngôi báu, Ashoka không ngừng phát động các cuộc chiến tranh với những tiểu quốc xung quanh. Khả năng chính trị và quân sự không ngừng được khẳng định khi ông liên tục khuất phục các vùng đất này để mở rộng bờ cõi của vương quốc ra khắp bốn phương tám hướng.
Bản đồ Ấn Độ dưới thời trị vì của Ashoka Đại Đế. (Nguồn ảnh: bharatdiscovery).
Kalinga cuối cùng cũng không thể thoát khỏi tầm ngắm của vị vua mang tiếng bạo tàn này. Tuy nhiên đây không phải là bất kỳ tiểu quốc nào khác mà chính là vùng đất có sức mạnh gần như ngang hàng với Maurya khi đó. Và đương nhiên họ không chấp nhận tối hậu thư đòi toàn bộ hoàng thất phải đầu hàng vô điều kiện.
Cuộc chiến dữ dội bậc nhất trong lịch sử Ấn Độ như thế được bắt đầu.
Những thảm cảnh mà Ashoka tạo ra để trừng phạt những kẻ bất tuân ở chính mảnh đất quê hương mình đã gây lên nỗi kinh sợ cho chính thần dân của ông. Việc giết anh đoạt ngôi, giết hàng loạt cung nữ trong cung điện của chính mình, tiêu diệt tận gốc rễ những thế lực đối địch với ngai vàng… Cảnh máu chảy đầu rơi với Ashoka đó là lẽ thường.
Vậy nên Kalinga cũng không phải là ngoại lệ. Đối với kẻ cứng đầu ngoan cố, Ashoka huy động một lực lượng quân sự lớn nhất mọi thời đại của Ấn Độ tính đến lúc đó, lên đến 600.000 quân với mục đích đè bẹp 100.000 quân của Kalinga. Trận diễn dữ dội máu chảy thành sông, thây chất thành núi và kết quả cuối cùng là toàn quân đội đối địch với Ashoka bị tiêu diệt.
100.000 người bên phía Kalinga đã chết trong khi bên Ashoka cũng đã có đến 10.000 người mạng vong. Số người còn sống sót trên toàn đất Kalinga là 10.000 người và hết thảy bị bắt đi lưu đày nơi khác. Những người con của Kalinga vĩnh viễn không bao giờ trở lại được với quê hương và trên đời cũng không bao giờ còn tồn tại Kalinga trong ký ức của họ.
Nỗi ám ảnh và bước ngoặt thay đổi cuộc đời
Kiến trúc mô phỏng phong cách kiến trúc Kalinga huy hoàng trước khi bị phá hủy bởi quân đội của Ashoka Đại đế. (Nguồn ảnh: hisour).
Đối với Ashoka mà nói đây hẳn nhiên phải là chiến tích quân sự vĩ đại nhất đời, niềm tự hào của ông đối với hậu thế. Vậy mà hóa ra không phải, bờ cõi vương triều mở rộng ra chưa từng thấy nhưng trong lòng vị vua chiến binh này không thể vui mừng. Đó là một sự khủng hoảng ông chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Sau buổi tối quân đội của ông công phá được Kalinga (năm 261 TCN) và toàn bộ mảnh đất này bị thất thủ, sáng hôm sau Ashoka cưỡi ngựa đi trên mảnh đất mà chính ông đã hạ lệnh phải đánh gục bằng mọi giá. Hiện ra trước tầm mắt của vị vua xứ Maurya là khung cảnh mênh mông bốn phía toàn bộ nhà cửa đều cháy đen, và xác người chất chồng, la liệt khắp chốn.
“Ta đã làm gì thế này?” – Ashoka bất thần thốt lên.
Có vẻ như một điều gì kinh khủng đã xảy ra trong tâm trí Ashoka mà ông chưa từng trải qua. Quá sốc và ý nghĩ rằng bản thân đã phá hủy một thiên đường trên trền thế và biến nhân gian thành địa ngục.
Sự ám ảnh đó không dứt, khiến nhà vua không thể cứ vậy mà bình thản sống và trị vì như cũ.
Tranh minh họa trận kịch chiến thành Kalinga của quân đội Ashoka. (Nguồn ảnh: indiainpast).
Sau nhiều tháng ngày vật lộn với chính bóng ma trong lòng mình, cuối cùng Ashoka đã tìm thấy sự giải thoát nhờ vào một điều. Đó chính là đức tin vào tôn giáo, ở đây là Đạo Phật của Đức Phật Thích Ca – một tôn giáo đã tồn tại trên đất Ấn từ trước đó hơn 200 năm.
Đạo Phật vốn không phải xa lạ với Ashoka do ông đã tiếp xúc với tôn giáo này từ trước, nhưng có lẽ phải đến lúc này, Ashoka mới nhận ra giáo lý của Phật sẽ cứu rỗi được tâm hồn ông.
Đạo Phật giúp Ashoka tìm thấy được sự an bình, phần nào giải thoát được khỏi cảm giác vô phương cứu giúp khỏi bóng ma của Kalinga. Triết lý của Đạo Phật đã giúp nhà vua tìm thấy cách để cứu chuộc tội lỗi của mình đối với những người đã mất.
Tìm đến sự từ bi của Đức Phật để thấy lòng thanh thản, quy y tam bảo và thực hành cuộc sống nhân từ với thế gian, Ashoka còn cho xây nhiều Phật Điện để các tăng sư tụng kinh giúp các âm hồn vất vưởng được siêu thoát về cõi niết bàn.
Thay vì sự tàn sát thì nay hành động của Ashoka hướng đến việc bảo hộ sự sống. Ông tăng cường bố thí, cứu trợ người nghèo đói. Ông mở rộng các ngôi nhà chăm sóc người già, trẻ nhỏ, người tàn tật bị bỏ rơi. Ông cũng để cho toàn bộ các tôn giáo khác nhau cùng được sống yên vui chan hòa trên mảnh đất do mình cai trị.
Bảo tháp Phật Giáo tại Sanchi do Ashoka Đại Đế xây dựng vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Đạo Phật giúp Ashoka tìm thấy sự bình an trong tâm hồn sau sự kiện Kalinga. Hơn thế nữa, nhờ sự tôn sùng và truyền bá Đạo Phật từ nơi ông, tôn giáo này đã phát triển khắp cõi Maurya và lan tỏa ra khắp châu Á.
Người dân khắp nơi đã được hưởng lợi từ nền cai trị khoan hòa của ông. Họ có sự gắn kết với đạo Phật và cùng nhau an cư trên mảnh đất hai bên bờ sông Hằng trong suốt thời kỳ trị vì của Ashoka Sùng đạo.
Đạo Phật phát triển đồng thời nâng đỡ cho giáo dục, nghệ thuật, kiến trúc của vùng đất này trở nên cực kỳ hưng thịnh. Đây chính là thời kỳ vàng son rực rỡ của một Vương quốc Phật Giáo của Pháp vương Ashoka – Hoàng đế Phật giáo của người Ấn.