Nhà Đày Buôn Ma Thuột – Xuôi cùng năm tháng lịch sử
Nhà Đày Buôn Ma Thuột đã từng là một “địa ngục trần gian”, được thực dân Pháp sử dụng như là nơi giam giữ tù nhân chính trị và người dân yêu nước.
Bắt đầu từ năm 1980, Nhà đày đã chính thức được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Dù đã nhiều lần đặt chân đến đây, nhiều người vẫn không khỏi rùng mình trước tội ác do chiến tranh gây ra.
Vài nét về Nhà đày Buôn Ma Thuột
Vào năm 1900, nhờ địa hình hiểm trở, nổi tiếng rừng thiêng nước độc, bốn bề là thú dữ, Cao nguyên Đắk Lắk được thực dân Pháp lựa chọn là nơi dựng nên nhà tù để giam giữa các tù nhân chính trị (phần lớn là Trung Kỳ). Nhà lao ấy được biết đến với cái tên: Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Từ năm 1930 – 1931, phong trào chống thực dân ngày càng dâng cao. Điều này dẫn đến việc Pháp cho mở rộng khu vực Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Dưới thời Pháp, Nhà đày có diện tích gần 2ha gồm 4 bức tường dày đặc xung quanh, luôn có lính canh gác nghiêm ngặt. Nhờ đó, Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành nơi giam giữ kiên cố, “có vào mà không có ra”. Ở bên trong là 6 dãy nhà lao tập thể. Nằm phía nam cổng chính là dãy xà lim, nơi chuyên dùng để giam “tù nhân chính trị nguy hiểm”. Bên cạnh đó là các nhà xưởng, bếp ăn,… Tất cả được thiết kế theo lối kiến trúc nhà tù truyền thống của Pháp.
Đến năm 1954, sau khi nước ta kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp thì Mỹ nhảy vào xâm lược, tiếp tục kế thừa công trình này. Theo đó, Nhà đày được mở rộng hơn, thủ pháp tra tấn cũng nâng lên tầm cao mới.
Mỹ xây thêm một bức tường ngăn đôi để một bên là trung tâm cải huấn, bên còn lại là kho quân nhu. Hai cổng phía Tây của Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng được mở ra, xây thêm hàng loạt các công trình như phòng biệt giam, nhà lao nữ,…
Nhà đày Buôn Ma Thuột – minh chứng của ý chí dân tộc Việt
Nhiều người khi nhắc đến Nhà đày Buôn Ma Thuột thường nghĩ ngay đến những tội ác mà thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ gây ra cho dân ta. Thế nhưng, xét theo một khía cạnh nào đó, nơi đây còn là minh chứng thể hiện cho ý chí ngoan cường của các chiến sĩ cách mạng.
Nhìn vào lịch sử đã qua, mặc dù Nhà đày Buôn Ma Thuột quả thật kiên cố, nhưng cũng không thể giam giữ được trái tim “những người con không bao giờ chịu cúi đầu của dân tộc Việt”. Tiêu biểu là vào ngày 19/1/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Lê Tất Đắc và Phan Doãn Giá đã có cuộc vượt ngục thành công khi lợi dụng lúc lao dịch bên ngoài.
Hay như trong suốt những năm tháng bị tù đày, các đồng chí cách mạng vẫn không ngừng giữ vững tinh thần, liên tục đấu tranh giành quyền lợi cho tù nhân chính trị. Có thể nói, từ trong chính nơi tù đày khổ sai đã là nơi nuôi dưỡng cho tinh thần cách mạng ở Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Giờ đây khi đến thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột, có lẽ bạn chỉ còn thấy những hình ảnh được phục dựng từ mô hình hay được nghe thuyết minh về những tội ác lịch sử đã qua. Thế nhưng, vang vọng trong âm thanh của núi rừng bạt ngàn, giữa kiến trúc Nhà đày Buôn Ma Thuột vẫn còn sừng sững chính là một quá khứ đầy hào hùng của dân tộc Việt. Sự kiên trung, bất khuất ấy sẽ không bao giờ vì thời gian mà bị quên lãng.
|
Nguồn ảnh: Sưu tầm