Du lịch Đắk Lắk: “Cú hích” từ những sản phẩm đặc thù

 Du lịch Đắk Lắk: “Cú hích” từ những sản phẩm đặc thù

Vượt qua những khó khăn ngoại cảnh tác động, ngành du lịch Đắk Lắk đã chủ động tìm cách khai thác tiềm năng nội tại, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho bước phát triển xa hơn.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Đắk Lắk đảm bảo các điều kiện an toàn với COVID-19 trong tình hình mới; cùng với các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn, Đắk Lắk đã sẵn sàng để chào đón du khách trong năm mới.
Vốn văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc là nguồn tài nguyên quý giá cho du lịch Đắk Lắk. Hầu hết du khách đến đây đều lựa chọn thăm các buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông… Buôn Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) được ví như là “miền cổ tích giữa lòng thành phố”, bởi sự trù phú và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê in đậm trong mỗi cảnh vật, nếp nhà.

Người dân buôn Ako Dhông vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm và đặc biệt là giữ được mái nhà dài truyền thống. Nhiều hộ trong buôn đã phát triển du lịch bằng vốn văn hóa truyền thống, họ đón tiếp và phục vụ du khách bằng những đêm biểu diễn cồng chiêng, lửa trại, múa, hát, kể khan và uống rượu cần ở những ngôi nhà dài.

du lịch Đăk Lăk

Cách đó không xa, buôn Kmrơng Prông B mát lành với bến nước trong suốt tuôn chảy dưới tán rừng cổ thụ nguyên sinh cũng là một điểm nhấn trong bản đồ du lịch thành phố.

Còn rất nhiều buôn trên địa bàn tỉnh cũng thu hút khách du lịch bởi nét đẹp hoang sơ, văn hóa độc đáo.

Hiện ba buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, gồm buôn Yang Lành (huyện Buôn Đôn), buôn Ja (huyện Krông Bông), buôn Tring (thị xã Buôn Hồ) đang được hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay; các làng nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm, nghề đan lát mây tre, tạc tượng gỗ dân gian, nghề sản xuất rượu cần, rượu men lá… cũng được ưu tiên phát triển để hỗ trợ sinh kế của người dân, sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch.

Đó chính là một tín hiệu vui của ngành du lịch nói riêng và người dân nói chung, sự kết hợp này không chỉ mang lại sự phát triển về đời sống kinh tế cho người dân mà còn đưa ngành du lịch tăng trưởng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 41 di tích, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh; cùng với hơn 30 di tích tiềm năng. Dựa trên nguồn tài nguyên phong phú này, nhiều đơn vị du lịch đã kết hợp đưa các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích tạo thành một hành trình tour để du khách trải nghiệm.

du lịch Đăk Lăk

Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho hay: “Tỉnh ta có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, việc kết hợp các điểm, sản phẩm lại với nhau, tạo thành một tour du lịch, giúp cho du khách vừa được trải nghiệm nhiều sản phẩm, vừa thích thú, đỡ nhàm chán, lại phát huy được giá trị của từng di tích”.

Trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ưu tiên triển khai việc trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột; chỉnh trang khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk… cùng nhiều di tích khác nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành điểm nhấn văn hóa, lịch sử; tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế…
Các sản phẩm du lịch đặc thù có thế mạnh riêng trong việc thu hút khách du lịch và thông qua việc phát triển các sản phẩm này sẽ là đòn bẩy cho phát triển du lịch của Đắk Lắk.

Nguồn: Mai Sao-baodaklak.vn

Quangdat111102

Related post