Trung dung và trung đạo
(1) Trung dung
Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Dung: bình thường, luôn luôn, cần dùng. Trung là không lệch, Dung là không thay đổi.
Mọi việc ở đời đều có cái mức quân bình thích đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm chưa đạt, quá cái mức ấy thì việc cũng không đúng. Mức ấy gọi là trung.
Đạo trời chủ yếu về Âm Dương, nếu Dương thịnh thì nóng, Âm thịnh thì lạnh, Âm Dương không đều hòa thì không thể sinh dưỡng vạn vật.
Còn đạo người thì chủ yếu ở nhân và nghĩa. Quá nhân thì yếu, quá nghĩa thì khắc, không đủ nhân thì ác, không đủ nghĩa thì bạc. Như thế là thiên lệch, vì hoặc thái quá, hoặc bất cập, chưa hợp với mức trung.
Dung là bình thường. Ở đời, từ việc nhỏ như ăn uống hằng ngày, việc lớn như kinh luân thiên hạ, ở trong đó đều có cái lý bình thường chi phối cả. Lý ấy thiết thực, không quái lạ, mà cũng không thay đổi được.
Vậy trung dung là không thiên lệch về một bên nào, luôn luôn giữ ở mức quân bình, không thái quá mà cũng không bất cập, thích đáng trong tất cả quan hệ đối với người hay xử lý các việc.
Nguyên lý trung dung chi phối đời sống cá nhân bằng sự điều hòa các tình cảm, hành vi, chi phối đời sống xã hội bằng sự điều hòa những liên lạc giữa người với người, sao cho giữ được thế quân bình thích đáng cần thiết cho sự sinh tồn và tiến hóa.
Vì sao cần có sự điều hòa ấy? Vạn vật biến chuyển không ngừng, khi sự biến chuyển đến một giai đoạn nào đó thì những yếu tố có tính cách đối lập mà người ta thường biểu thị bằng hai danh từ: Âm Dương tạo thành sự vật ấy, bày ra một tình trạng tương khắc, tức có sự mâu thuẫn, nên cần phải tiêu trừ ngay để tránh sự lệch lạc, có tác động rối loạn, làm mất thế quân bình, làm tổn hại đến sự sinh tồn của các vật khác. Mâu thuẫn ấy được tiêu trừ là tạo được một thế quân bình mới, thuận tiện cho công cuộc tiến hóa.
Để tiêu trừ những mâu thuẫn ấy, học thuyết duy vật chủ trương tranh đấu; học thuyết duy tâm của chủ trương điều hòa hai yếu tố cực đoan bằng lẽ Trung Dung.
Ở thế quân bình mới tạo nầy, mọi vật sinh sôi nẩy nở điều hòa và tác động của chúng không hại lẫn nhau. Nhưng thế quân bình ấy cũng chỉ là tạm thời, vì vạn vật luôn luôn biến hóa, chẳng bao lâu sau lại tạo ra những mâu thuẫn mới nữa, rồi cần phải điều hòa trở lại để tiến hóa,… và cứ tiếp tục xoay chuyển như vậy trên con đường
tiến hóa vô tận của vạn vật.
Vậy, trung dung là một thái độ không có vị trí nhứt định, nó phải thay đổi luôn luôn theo đà tiến hóa của vạn vật. Cho nên, đối với một việc, hôm nay, trong hoàn cảnh nầy, ta phải đối xử thế nầy mới đúng, nhưng hôm khác và trong trường hợp khác, cũng việc ấy nhưng cách đối xử phải khác thì mới thích đáng.
Trong phần Tử Tư dẫn giải những lời của Khổng Tử về đạo trung dung, ông nói: “Trung hòa là cái tính tự nhiên của Trời Đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không thiên lệch bên nào, dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thường.
Đạo trung dung thì ai cũng có thể theo được, thế mà không có mấy người chịu theo, khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vị vậy. Chỉ có thánh nhân mới theo được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức: Nhân, Trí, Dũng. Trí là để biết rõ các sự lý, Nhân là để hiểu điều lành mà làm, Dũng là để có cái chí khí cường kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng.
Ba cái đạt đức ấy là ba cái cửa vào đạo
Cho nên nói rằng: “Hiếu học cận hồ Trí, lực hành cận hồ Nhân, tri sỉ cận hồ Dũng.” Nghĩa là: Thích học là đã gần có Trí, cố sức mà làm là gần có Nhân, biết thẹn là đã gần có Dũng.
Có ba điều ấy mới sửa được mình, trị được người và trị được thiên hạ và quốc gia.”
“Trung Dung gồm hết cái uyên bác của triết lý Nho giáo, là sách phát dương cái đạo lý biến hóa của vũ trụ và nhân sinh một cách có hệ thống của triết học Trung Hoa.
Nhưng, như ông Trình Di nói ở đầu sách, thiên nầy là phương pháp tâm đắc của thầy trò của Khổng truyền thụ cho nhau, nghĩa là truyền thụ bằng cách khiến lấy tâm mà lãnh hội, chớ không phải lấy lời nói mà giảng giải cho vỡ lẽ. Vì vậy, ý tứ siêu việt, nghĩa lý u ẩn, các chương cú mới xem qua như rời rạc nên người mới học khó mà hiểu hết được.
Đối với một học thuyết tâm truyền của thánh hiền thời cổ, ngày nay dùng ngôn ngữ, văn tự để mong diễn đạt hết cái uyên bác thì điều ấy tất nhiên không thể được, chỉ có một việc là dựa theo những ý kiến của các học giả tiền bối để trình bày và giải thích thêm cho dễ hiểu mà thôi.
Trung dung là một học thuyết dạy người ta trong mọi động tác phải giữ lấy thái độ ngay chánh, không thiên lệch, và cái mức thích đáng theo lẽ phải, cốt thực hiện cho được cái thế bình hành giữa các tình cảm trong con người, và giữa sự vật và con người.
Khổng Tử quan sát những bí ảo của Trời Đất, thấy rõ các lẽ vận hành biến hóa tự nhiên của vũ trụ, tức là hiểu rõ thiên đạo, rồi dựa theo chơn lý ấy mà phát minh những phép tắc cho người và cho xã hội.
Trong thiên đạo, trung là yếu điểm, vì sự vận hành của vũ trụ bao giờ cũng điều hòa, bình hành thì Trời Đất mới định vị, vạn vật sanh sanh hóa hóa vô cùng.
Nhân đạo cũng phải theo cái trung thì hành động mới trúng tiết, hợp với lẽ phải đương nhiên. Vậy trung dung là đạo lý làm người, là chơn lý của nhân sinh.
Nhưng theo được đạo trung dung rất khó, phải giữ cái tâm cho công chánh, cố gắng bỏ hết tư tâm, khắc phục tư dục, sung khoáng cái thiên lý bản nhiên của trời phú cho, tìm đạo ở trong tâm mình mà tự hiểu lấy, rồi tin mà theo, thì tư tưởng, hành vi mới thuần nhiên như thiên lý.
Trung và thành là hai then chốt của sách trung dung, nên trong đó, tiếp theo TRUNG là THÀNH, cũng được giảng giải tường tận như thế.
Xem sự đinh ninh gắn bó của thầy Tử Tư, chúng ta thấy rằng sách trung dung nhằm mục đích cải thiện tánh người, chú trọng ở công phu tu dưỡng, giáo hóa, để khiến người thấy rõ thiên lý, hành động hợp với thiên đạo, hầu trở nên “Chí Thành” thì việc làm có thể lấy đó làm khuôn phép cho thiên hạ, lời nói có thể làm mực thước cho thiên hạ mà giúp một phần vào sự hóa dục của Trời Đất.
Cái đức ấy có thế lực mạnh mẽ lớn lao như thế, nhưng nó là hoàn toàn tinh thần, vô thanh vô sắc, nghĩa là không cần hình thức, hành động mà thâu được công hiệu, chẳng khác nào cái đức của trời: “Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sanh nở. Trời có nói gì đâu!” Đó là cái công hiệu cùng tột của nhân đạo, bắt chước thiên đạo vậy.
Vì dựa trên sự biến hóa của vũ trụ, để phát minh phép tắc cho nhân sinh, nghĩa là vừa bàn về thiên đạo, vừa bàn về nhân đạo, nên qua các chương của sách, người ta được thấy nhận thức và quan niệm của Nho giáo về vũ trụ, về sự biến hóa của vạn vật, về lẽ “Thiên Địa vạn vật nhứt thể”, “Thiên Nhân tương dữ”, về sự tương quan giữa tâm và vật, tinh thần và vật chất, giữa tri và hành, nó là những vấn đề quan trọng của triết học từ xưa đến nay.”
(2) Trung đạo
Trung: Giữa, ở giữa, ở trong. Đạo: con đường. Trung đạo là con đường tu ở giữa, tránh cả hai cực đoan: một bên là đắm say thú vui thể xác (lợi dưỡng) và một bên là ép xác khổ hạnh.
Cả hai cực đoan nầy đều sai lầm, cần phải tránh, nếu thực tâm muốn cầu đạo giải thoát.
Con đường trung đạo do Phật Thích Ca tìm ra.
“Sau 6 năm tự bản thân kinh nghiệm, đạo sĩ Sĩ Đạt Ta đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt tới cứu cánh.
Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần, ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia, ngài đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ đạo đức. Ngài chọn con đường độc lập, một phương tiện vàng son mà về sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của giáo lý của ngài.
Ngài nhớ lại buổi lễ Hạ điền kia, khi còn thơ ấu, trong lúc vua cha và mọi người chăm chú cử hành các cuộc vui, ngài đã ngồi dưới bóng mát của một cây trâm, tham thiền nhập định và đắc sơ thiền. Ngài sực nhớ lại rằng đó mới thật là con đường dẫn đến giác ngộ.
Ngài nhận định rằng, với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để đạt tiến bộ tinh thần, nên nhứt định không nhịn đói nữa, mà dùng những vật thực thô sơ.
Năm vị tu sĩ thân tín (nhóm Kiều Trần Như) bấy lâu nay theo hầu cận ngài, với bao nhiêu hy vọng, nay thấy ngài đột ngột thay đổi phương pháp tu tập như vậy thì lấy làm thối chí, bỏ đi đến Vườn Lộc Giả và nói rằng: Đạo sĩ Sĩ Đạt Ta đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng và đã quay về đời sống lợi dưỡng.
Trong lúc quyết định quan trọng như vậy, sự trợ giúp bên ngoài thật vô cùng khẩn thiết. Chính lúc ấy những người bạn đồng tu với ngài lại bỏ ra đi, nhưng ngài không ngã lòng. Một mình trong cảnh cô đơn, giữa chốn rừng sâu, các bực vĩ nhân thường chứng ngộ những chơn lý cao siêu thâm diệu và giải quyết được những vấn đề phức tạp khó khăn.
Sau khi độ thực, đạo sĩ Sĩ Đạt Ta phục hồi sức khỏe. Ngài dễ dàng nhập sơ thiền, từng thiền mà ngài đã thành đạt trong buổi thiếu thời. Rồi từ đó, dần dần ngài nhập nhị, tam và tứ thiền.
Khi nhập thiền, tâm ngài an trụ vào một điểm, lắng dịu trong sáng như mặt gương bóng láng mà mọi vật đều có thể phản chiếu một cách vô cùng trung thực.
Rồi tư tưởng trở nên lắng dịu, tinh khiết, không còn tham ái và ô nhiễm, dễ uốn nắn, sẵn sàng hay biết, vững chắc không thể lay chuyển, ngài hướng tâm về Huệ Giác có liên quan đến sự nhớ lại những kiếp quá khứ: Túc Mạng Minh. Ngài nhớ lại nhiều kiếp quá khứ như thế nầy: đầu tiên một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, rồi bốn, năm, mười, hai mươi, năm mươi rồi đến một trăm, một ngàn, một trăm ngàn kiếp, rồi sự phân tán của nhiều châu kỷ thế gian, rồi sự phát triển của nhiều châu kỷ thế gian, rồi cả hai sự phân tán và sự phát triển của nhiều châu kỷ thế gian. Ở đây ngài tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, vui thích và đau khổ thế nào, và chết cách nào. Từ cảnh ấy ra đi, ngài tái sanh vào cảnh nào. Như thế, ngài hồi nhớ cách thức tái sanh và nhiều chi tiết về những kiếp sống quá khứ.
Đây hẳn vậy, là Huệ Giác đầu tiên mà ngài chứng ngộ lúc canh một đêm thành đạo.
Đã phá tan lớp màn vô minh có liên quan đến quá khứ, ngài hướng tâm thanh tịnh về sự Tri Giác hiện tượng Diệt và Sanh của chúng sanh. Với huệ nhãn tinh khiết và siêu phàm, ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp nầy, tái sanh vào một kiếp sống khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, tất cả đều trải qua Diệt và Sanh, tùy hành vi tạo tác của mỗi người.
Ngài biết rằng những người nầy, do hành động, lời nói và tư tưởng xấu xa, nguyền rủa bực thiện trí cao thượng, tin tưởng không chơn chánh và có nếp sống của người tà kiến, sau khi thể xác chết và phân tán, đã tái sanh vào những trạng thái khổ não.
Ngài biết rằng những người kia, do hành động, lời nói và tư tưởng tốt đẹp, không nguyền rủa bậc thiện trí cao thượng, tin tưởng chơn chánh và có nếp sống của người chánh kiến, sau khi thể xác chết và phân tán, đã tái sanh vào những cảnh trời an vui hạnh phúc.
Như vậy, với thiênnhãn minh, ngài mục kích sự phân tán và sự cấu hợp trở lại của chúng sanh.
Đây hẳn là Huệ Giác thứ nhì mà ngài chứng ngộ trong canh hai đêm thành đạo.
Đã phá tan lớp vô minh có liên quan đến tương lai, Ngài hướng tâm thanh tịnh về Huệ Giác chấm dứt các pháp trầm luân.
Tùy trường hợp, Ngài nhận thức: đây là phiền não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não. Cùng một thế ấy, ngài nhận định: đây là ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt ô nhiễm.
Nhận thức như thế, tâm ngài giải thoát ra khỏi dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống) và vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh).
Được giải thoát, ngài biết rằng: Ta đã được giải thoát và ngài nhận thức: Tái sanh đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã được viên mãn, đã làm xong những việc phải làm, không còn trở lại trạng thái nầy nữa.
Đây là Huệ Giác thứ ba mà ngài đã chứng ngộ trong canh ba đêm thành đạo. Màn vô minh đã được giải tỏa và Trí Huệ phát sanh, đêm tối đã tan và ánh sáng đến.”
Đức Phật Thích Ca thành đạo rồi thì ngài nghĩ rằng nên tìm đến nhóm Kiều Trần Như gồm 5 ông để thuyết bài pháp đầu tiên để cho 5 ông giác ngộ.
Trong bài pháp đầu tiên cực kỳ quan trọng nầy, Phật đưa ra con đường trung đạo mà ngài đã khám phá ra, đưa đến kết quả cụ thể là ngài nhờ tu theo trung đạo mà đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Mở đầu bài pháp, Phật khuyên năm ông nên xa lánh hai lối tu cực đoan: lợi dưỡng và khổ hạnh, bởi vì cả hai lối tu đều không thể dẫn đến trạng thái tịch tịnh và chánh giác.
Lợi dưỡng thì làm chậm trễ tiến bộ tinh thần. Khổ hạnh thì làm trí thức giảm suy.
Phật chỉ trích cả hai lối tu, vì chính bản thân ngài đã tích cực sống qua hai lối tu cực đoan ấy, kinh nghiệm được rằng cả hai đều không dẫn đến mục tiêu cứu cánh.
Rồi ngài vạch ra con đường trung đạo, là con đường vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích, là con đường duy nhứt dẫn đến sự trong sạch hoàn toàn và giải thoát hoàn toàn.
Cực đoan lợi dưỡng là luyến ái nhục dục, ngũ trần. Cực đoan nầy thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng với phẩm hạnh của bực thánh nhân.
Không nên hiểu lầm rằng, Phật mong muốn các tín đồ từ bỏ mọi thú vui vật chất, rút vào rừng sâu mà không thọ hưởng đời sống. Dầu ai đắm say nhục dục và có ảo giác thế nào nhưng đối với người điềm đạm suy nghĩ thì thấy rõ khoái lạc vật chất thật ngắn ngủi, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, và chỉ đưa đến hậu quả chán chường. Bực xuất gia chơn chánh không khi nào muốn tìm thích thú trong việc chạy theo những khoái lạc tạm bợ nầy.
Trái với cực đoan lợi dưỡng là cực đoan khổ hạnh.
Cực đoan khổ hạnh là một nổ lực kiên trì trong lối tu khổ hạnh. Đó là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bực thánh nhân.
Không giống với hai cực đoan trên, con đường trung đạo đem lại sự giác ngộ tinh thần và trí tuệ minh mẫn, thấy được thực tướng của sự vật. Khi tinh thần lắng dịu được sáng tỏ thì trí tuệ được khai thông, mọi vật đều hiện ra trong cảnh thực sự của nó.
Hơn nữa, không giống với hai cực đoan trên chỉ khích động dục vọng, con đường trung đạo nầy chế ngự mọi thèm khát vật chất và do đó dẫn đến sự thấu triệt Tứ Diệu Đế và sau cùng là chứng ngộ được mục tiêu tối hậu: Niết Bàn.