Tri kỷ, đổ rác và vô vị lợi

Tri kỷ, đổ rác và vô vị lợi
Khái niệm về tri kỷ
Cuộc sống thì muôn hình vạn trạng vậy nên cảm xúc của con người cũng biến đổi muôn vàn. Ngoài tình yêu, tình bạn và tình thân chúng ta vẫn còn một thứ tình cảm là kết tinh của cả ba tạo thành đó gọi là: tri kỷ
Tri kỷ là người mà chúng ta có thể làm đủ trò với họ như một người bạn, có thể lãng mạn như một người yêu và lại là nơi tìm về sau những vấp ngã như một người thân. Cái tình cảm ấy vô cùng thiêng liêng khi vượt trên tình bạn và cũng không cần tính đến cái giới hạn của tình yêu. Bởi giữa tri kỷ với nhau, một cái ôm chân thành, hai bàn tay siết chặt và cùng làm những điều nhỏ nhặt cũng đã đủ thấy vui. Chẳng cần nói cũng chẳng cần cười, chẳng cần buồn cũng chẳng cần vui, chỉ cần thở thôi và cảm nhận cũng đủ để hiểu được suy nghĩ và tư duy của đối phương.
Tri kỷ là một người mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được, họ ẩn rất sâu như chính bí mật của riêng mỗi người. Vậy nên khi có một ai đó cầm được chìa khóa, mở được chiếc hộp bí ẩn kia để chạm sâu vào từng ngóc ngách của tâm hồn, thì hẳn đó là người tri kỷ. Bởi đôi khi giữa người yêu vẫn còn có sự riêng tư cần phải giữ, nhưng với tri kỷ thì nắm rõ từng suy nghĩ dành cho nhau.
Nếu như bạn đang có một người tri kỷ như thế, hẳn là bạn rất may mắn trong đời. Bởi vì tri kỷ là thứ tình cảm vô định hình… Cái mà ta gọi là trên tình bạn nhưng lại thi vị hơn cả tình yêu.
Hôm nay, mình sẽ kể bạn nghe 3 câu chuyện: Ấm trà và tri kỷ, đổ rác và vô vị lợi
Câu chuyện số 1: Ấm trà và tri kỷ
Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng trà, phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông ta đều sẽ phân cho hạ nhân chiêu đãi.
Một hôm nọ, có một tên ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông, không xin cơm, chỉ nói đến xin bát nước trà. Hạ nhân cho hắn vào nhà, đun trà cho hắn.
Tên ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà này không ngon”.
Hạ nhân nhìn hắn lấy làm lạ rồi đổi một bát trà ngon khác.
Tên ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong”.
Hạ nhân nhìn ra hắn cũng có chút hiểu biết, liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Tên ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi chắc cứng”.
Hạ nhân cuối cùng nhận định người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp. Sau khi trà được mang lên, phú ông và tên ăn mày đối ẩm một bát.
Tên ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”.
Phú ông nói: “Đây là ấm pha tốt nhất của ta”.
Tên ăn mày lắc đầu, từ trong áo cẩn thận lấy ra một ấm trà bằng đất sét tử sa, yêu cầu hạ nhân dùng chiếc bình này để pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử mùi vị quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với tên ăn mày: “Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được”.
Nhưng tên ăn mày cũng rất thích chiếc ấm tử sa, nhất định không muốn bán, tên ăn mày dứt khoát trả lời: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán”. Tên ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: “Ta đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.
Tên ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: “Ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.
Tên ăn mày nghe vậy không tự chủ mỉm cười, nói: “Nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay”. Nói xong tên ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: “Như này đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào”. Phú ông quá thích chiếc ấm rồi vì vậy trong lúc cấp bách nghĩ ra cách đó.
Tên ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý nhỉ? Vậy là hắn vui vẻ đồng ý yêu cầu của phú ông.
Cứ như vậy, tên ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông, hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thể hơn mười năm qua đi hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.
Thời gian trôi đi, phú ông và tên ăn mày cũng dần già đi, lúc này người ta nhận ra người bạn ăn mày lớn tuổi hơn phú ông.
Một hôm, phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: “Ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, không bằng sau khi ông đi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào?”.
Lão ăn mày rưng rưng đồng ý. Không lâu sau, lão ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn có được chiếc ấm tử sa.
Vừa mới đầu, phú ông chìm trong cảm giác vui sướng có được chiếc ấm tử sa, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía trên dưới trước sau chiếc ấm đột nhiên cảm thấy như thiếu thứ gì đó, lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng ông ăn mày vui vẻ thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, lão phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm xuống đất… vỡ tan.
***
Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Theo thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và tên ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng không đáng giá bằng tri kỷ.
Hãy nghĩ về cuộc đời mình, thứ gì mới là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Có lẽ chính là người cùng bạn giao tâm thưởng trà!
Trong cuộc sống có được một người bạn tri kỷ là quá đủ! Đây là điều mà bao người từng trải đúc kết được. Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành vô hình.
Tri kỷ thật sự, là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, chan chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm, không tác động vào thế giới mỗi người, chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, chỉ mang cùng tiếng nói từ con tim.
Câu chuyện số 2: Xin đừng tha rác về nhà
Nhiều người cứ như là xe rác vậy. Họ chạy vòng quanh mang theo đầy rác, đầy bực dọc, đầy nóng giận và chán chường. Vì rác của họ đầy ắp, họ cần nơi đổ rác và đôi khi họ trút lên người khác.
Một hôm, tôi nhảy vào một chiếc taxi để ra phi trường. Đang chạy đúng làn bỗng từ bãi đậu xe phía trước một chiếc xe nhà màu đen phóng ra. Người lái taxi thắng kêu một tiếng két và tránh không va chạm xe kia trong đường tơ kẻ tóc!
Người lái xe kia ngoái đầu mắng chúng tôi. Người lái taxi chỉ cười vẫy chào lại. Tôi thấy anh thật là tử tế. Thế nên tôi hỏi: “Sao anh hiền vậy? Anh kia suýt tông hư xe anh và mình có lẽ đã phải nhập viện!”
Bấy giờ anh lái taxi dạy tôi bài học này, tôi gọi nó là: “Quy luật của xe rác”.
Anh giải thích rằng nhiều người cứ như là xe rác vậy. Họ chạy vòng quanh mang theo đầy rác, đầy bực dọc, đầy nóng giận và chán chường. Vì rác của họ đầy ắp, họ cần nơi đổ rác và đôi khi họ trút lên bạn.
Đừng mang nó vào mình. Chỉ cần mỉm cười, vẫy chào, chúc điều tốt lành rồi ta cứ đi tiếp. Đừng thèm lấy rác đó rồi mang rải cho người khác nơi làm việc, nơi dọc đường hay mang về nhà. Người thành đạt quyết không để cho mấy xe chở rác làm hỏng ngày của mình.
Cuộc đời quá ngắn để mà cứ sống trong hối tiếc, vậy nên… Hãy yêu thương người cư xử tốt với mình và cầu nguyện cho ai xử tệ. Cuộc sống này ta tạo nên nó chỉ mười phần trăm còn chín mươi phần trăm là tùy thuộc cách ta tiếp nhận nó!
Chúc một ngày không có rác!
Câu chuyện số 3: Ông ấy cần tôi hay câu chuyện vô vị lợi
Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già. Cô nói: “Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!” Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường.
Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, xiết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi. Cô y tá lăng xăng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn.
Người bệnh già thì chẳng nói được câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên. Sáng ngày ra, người bệnh nhân thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường, và đi báo tin cho cô y tá. Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên, thì chàng này hỏi cô rằng: “Ông ấy là ai vậy? Tên là gì?”. Cô y tá ngạc nhiên: “Tôi tưởng ông ta là cha anh?”. Chàng thanh niên trả lời: “Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.” Cô y tá kêu lên: “Ồ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”
Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi, mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ấy cần tôi, nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”.
Exit mobile version