Tính tiền ở Việt Nam
Tính tiền ở Việt Nam
Ở siêu thị, điểm bán lẻ hay chợ truyền thống, khi tính tiền, mình thấy thiếu một khâu cơ bản, mà Việt Nam cho là thừa. Khi khách hàng đưa tiền, thì nhân viên bắt buộc phải giơ cao mệnh giá tờ tiền của khách hàng lên, sao cho ánh mắt khách hàng, tờ tiền và ánh mắt của nhân viên, cả 3 thành một đường thẳng. Đồng thời, nhân viên phải nói to: “Dạ. Khách hàng đưa 200.000 đồng ạ!”. Sau đó, được sự đồng ý của khách hàng, mới tiến hành thối lại tiền dư.
Ở Việt Nam, rất nhiều nơi không có khâu này, nên thường có cãi vả lẫn nhau giữa khách hàng và nhân viên, mà camera thì không đặt ở góc quay đúng vị trí để kiểm tra lại. Mà cho là có camera, thì tiến trình kiểm tra lại camera đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí tâm lý của nhân viên và khách hàng xuống ở mức thấp.
Thường lời qua tiếng lại, đại loại như thế này (mình mô phỏng):
-Khách hàng khẳng định: “Tôi đi chợ, tôi mang theo bao nhiêu tiền, tôi biết chứ, chẳng lẽ có mấy trăm ngàn, mà tôi ăn gian!”
-Nhân viên tính tiền: “Chị đưa có 200.000 ngàn à! Sáng giờ, tôi cũng thối mấy tờ 500.000 ngàn rồi. Trong những tờ này, nhất định không có tờ nào của chị!”
Rồi điệp khúc cứ lập đi, lặp lại, lâu lâu, cũng thêm một vài từ ngữ mới, nhưng nội dung vẫn giữ nguyên như vậy. Có khi sự tức giận của mỗi bên lên tới cao trào, tùy vào “đồng tiền quý giá đối với mỗi người là khác nhau”. Thời gian cãi vả phụ thuộc vào (i) chênh lệch mệnh giá tờ tiền 2 bên (giá trị thất thoát); (ii) số khách hàng chờ đợi phía sau; (iii) hành vi của mỗi bên.
Mình còn thấy quản lý cửa hàng, chạy ra chăm chú lắng nghe phân bua của các bên. Sau đó, làm quan tòa phán xét: “Ở đây không có camera! Khách hàng nói đưa 500.000 ngàn, nhân viên của tôi nói nhận có 200.000 ngàn, thôi xui xẻo không ai muốn, mỗi bên chịu một nửa: Coi như chị đưa 350.000 ngàn. Lần sau mình kiểm tra mệnh giá tờ tiền cẩn thận hơn!”
Kết luận:
(1) Cũng có khi các bên cũng cố tình ăn gian (dĩ nhiên thường là một bên), nhưng thường là họ quên. Tốt nhất nên có một thao tác giản đơn kể trên.
(2) Mình cũng dám cá chắc, các bạn cũng gặp hoặc nghe tình huống này ở đâu đó, hoặc chính mình mắc phải.
(3) Mình cũng thấy một số nơi, làm đúng như mình nói. Mình cảm thấy rất vui.