Trở thành Thủ tướng khi nền kinh tế với lạm phát gần 70%, ngân sách thâm hụt, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng với tư duy cởi mở và táo bạo, ông Võ Văn Kiệt giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”.
Tiểu sử cố thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân, Chín Hòa), sinh ngày 23/11/1922 trong gia đình nông dân, ở làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi và hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1976, ông được bầu làm Chủ tịch UBND TP HCM, sau đó giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM.
Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 1992-1997. Từ 1997 đến 2001, ông làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Nhậm chức Thủ tướng giữa muôn vàn khó khăn:
Năm 1985, sau một thập niên theo mô hình bao cấp, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào viện trợ và vay nợ nước ngoài, lên đến 8,5 tỷ ruble (khoảng 3.500 tỷ đồng) và 1,9 tỷ USD (gần 45.600 tỷ đồng). Ngân sách bị thâm hụt nặng, phải bù đắp bằng việc in tiền để chi tiêu. Thời điểm đó lạm pháp ở nước ta lên gần 775% vào năm 1986 và vẫn ở mức hai chữ số những năm 1990, 1991. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 12,7%.
Trong lúc đó, Võ Văn Kiệt đã bắt đầu đưa ra nhiều chính sách đột phá. Ví dụ như xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh đối với xí nghiệp quốc doanh; “thương mại hoá” tư liệu sản xuất; tự do hoá giá cả; tổ chức lại hệ thống ngân hàng bằng soạn thảo “Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước” và “Pháp lệnh về Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính”.
Năm 1991, Liên Xô tan rã tác động sâu sắc đến Việt Nam, khiến nguồn thu từ viện trợ đột ngột biến mất. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các thị trường truyền thống bị đảo lộn trong khi Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận.
Một năm sau đó, giữa vòng vây nguy khó, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1992) bầu ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng.
Các chính sách phát triển kinh tế:
Trở thành Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt bắt tay hạ nhiệt lạm phát vốn còn trên 67% vào năm 1991. Ông cho phép ngân hàng nhận tiền gửi để cho vay, chỉ lấy thu để chi và không in thêm tiền. Lãi suất huy động được nâng lên đến 13% một tháng để hút tiền về. Nhờ vậy, lạm phát bị chặn lại và giảm dần còn 17,5% vào năm 1992 và chỉ còn 5,2% vào năm 1993, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Cùng với đó, ông tập trung vào thúc đẩy sản xuất, thay đổi cơ chế nông nghiệp từ bao cấp sang khoán hộ từ đó tăng sản lượng giúp giải quyết căn bản vấn đề lương thực. Ngay năm 1992, Việt Nam lần đầu suất siêu, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Quốc hội đề ra đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Năm 1993, ông Kiệt cũng lập Tổ Tư vấn kinh tế – một quyết định chưa có tiền lệ. Tổ chức này chuyên để lắng nghe doanh nghiệp từ đó tạo ra những chính sách phù hợp với việc phát triển kinh tế của nước nhà.
Bên cạnh đó, một loạt luật liên quan cũng ra đời trong thời kỳ này: Luật Đất đai, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Thương mại, Thuế… là những công cụ quan trọng mà Nhà nước cần có để tạo cơ sở cho doanh nghiệp, thị trường vận hành.
Nhờ vậy, giai đoạn 5 năm (1991-1995), Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, tăng trưởng GDP đạt 8,2%/năm, vượt kế hoạch đề ra cho giai đoạn này là 5,5-6,5%.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển đổi sang hướng công nghiệp hóa – Hiện đại hóa. Tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 lên 29,1% năm 1995; dịch vụ từ 39,6% lên 41,9%. Việt Nam bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.
Các chỉ số kinh tế tiếp tục tăng trưởng những năm còn lại cho đến khi ông Kiệt kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng. Theo đó, tăng tưởng GDP năm 1997 đạt 8,15%, đưa tăng trưởng cả giai đoạn 1992-1997 tăng gần 8,8% mỗi năm, so với trung bình 4,67% một năm trong giai đoạn đầu đổi mới 1986 – 1991.
Trong suốt giai đoạn giữ vai trò Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn lớn với hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, tạo lập cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế có cơ hội vươn lên. Đặc biệt phải nói tới công trình lưới điện 500Kv Bắc – Nam. Ngoài đường dây tải điện xuyên Việt 500kV, ông Võ Văn Kiệt còn được xem là “đại tác giả” của một công trình xuyên Việt khác là đường Hồ Chí Minh.
Dùng cả đời để cống hiến cho đất nước. Những đến cuối đời những khó khăn nan giải, những thách thức to lớn đó ở miền Trung là nỗi băn khoăn, lo nghĩ trong những tháng ngày cuối cùng của ông.
Tham khảo nhiều bài viết hơn tại Daklak.me
Mỹ Duyên