Chúng ta đang sống trong một mốc thời gian đáng nhớ–khi mà cả thế giới đang nhìn về Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng như một miền đất hứa cho ngành thời trang. Năm 2019 vừa qua, chúng ta tiếp tục đón chào sự gia nhập của hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế đủ mọi phân khúc, song hành với đó là rất nhiều thương hiệu nội địa–một vài tên tuổi đã dần khẳng định được lối đi cho riêng mình, một số khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm tiếng nói riêng.
Ở mặt trận quốc tế, chúng ta cũng chứng kiến các nhà thiết kế cũng như fashionista Việt đang hoạt động hăng say, từng bước điền tên nước nhà vào bản đồ thời trang thế giới.
Vậy, năm 2020 này, bối cảnh thời trang Việt sẽ trông như thế nào?
Để trả lời câu hỏi đó một cách toàn diện nhất, chúng tôi đã tìm đến 4 chuyên gia, đó là anh Tom Trandt–Nhà thiết kế và sáng lập thương hiệu Môi Điên, chị Cổ Huệ Anh–Giám đốc thương hiệu HNOSS, chị Tee Trương–Sáng lập và điều hành sản xuất của 102 Production, và anh Dzũng Yoko–Giám đốc sáng tạo tạp chí ELLE Việt Nam.
Cùng tìm hiểu xu hướng thời trang tại Việt Nam trong năm 2020 qua bài viết dưới đây.
Anh Tom Trandt, Nhà thiết kế và sáng lập thương hiệu Môi Điên
Tom Trandt là cái tên mà chúng tôi luôn nhớ đến đầu tiên mỗi khi cần những luồng gió mới, những tư tưởng mới để tìm lại nguồn cảm hứng sáng tạo. Năm 2019 hẳn là một năm đặc biệt với Tom khi anh chính thức điền tên mình vào danh sách 30 under 30 của tạp chí Forbes Vietnam. Thế nhưng chắc chắn đó không phải là tất cả những gì Tom và đội ngũ Môi Điên “gặt hái” được trong năm qua…
Cùng chúng tôi tái ngộ Tom để tổng kết một năm đặc biệt của anh và đón chào những làn sóng mới của 2020.
Nếu phải gói gọn 2019 trong một câu ngắn gọn, anh sẽ tóm tắt nó như thế nào?
Giai đoạn 2019-2020 đóng lại và mở ra những chương mới trong ngành thời trang.
Rất nhiều người khổng lồ rời bỏ cuộc chơi, ví dụ như Forever 21 và Victoria’s Secrets. Thêm vào đó, đại dịch Corona xảy ra vào đúng thời điểm tổ chức các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới, mang lại rất nhiều thử thách. Tuy nhiên, khó khăn lớn kéo dài sẽ để lộ những nhân tố mới có khả năng thích ứng.
Những xu hướng thiết kế, thời trang nổi bật trong năm 2019 là gì?
Xu hướng thứ nhất là thời trang bền vững. Khách hàng ngày càng có yêu cầu ngày càng cao về sự minh bạch trong thông tin sản phẩm, xuất xứ, thành phần, tính nguyên bản, và những tác động đến môi trường,…
Xu hướng thứ hai liên quan tới sự dịch chuyển trong việc trưng bày sản phẩm. Thay vì tham gia các tuần lễ thời trang tốn kém và cứng nhắc, các thương hiệu trẻ ngày càng dân chủ hoá trải nghiệm xem thời trang qua các hình thức mới, như Open Studio (Mở xưởng), livestream cùng nhau bình luận, hoặc trưng bày qua các nền tảng mới như Fashion Revolution Week (FRW).
FRW lựa chọn một số nhà thiết kế phát triển thời trang bền vững trên khắp thế giới tham gia tại chính quốc gia của họ, nhưng được tiếp cận với báo chí và các nhà phân phối quốc tế. Năm nay, Môi Điên sẽ giới thiệu sản phẩm qua nền tảng này.
Là một trong những người lọt vào danh sách Forbes Vietnam 30 under 30, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với anh và tập thể Môi Điên?
Sự cạnh tranh trong ngành thời trang vô cùng khốc liệt, nên chỉ nội việc tồn tại đã là một niềm vui đơn giản vĩ đại. Với ba mẹ mình, Môi Điên qua lời giới thiệu của Forbes cũng dễ hiểu hơn là qua lời của mình.
Ngoài ra, anh và Môi Điên còn có cột mốc đáng nhớ và ý nghĩa nào khác trong năm nay?
Năm vừa qua, studio có mở rộng ra mảng đồng phục và trang phục biểu diễn qua show Vũ Hội Ánh Dương, vốn yêu cầu rất cao với gần 300 diễn viên quốc tế và kéo dài trong 4 tháng.
Ở mảng ready-to-wear, tụi mình lần đầu có cửa hàng riêng, hoàn thành chương trình 2 năm đào tạo với IFS và nhờ đó có cơ hội làm việc với tổ chức Fashion Revolution trong năm nay. Hai dự án thời trang bền vững cộng tác với Converse và CHANGE cũng hoàn thành rất trọn vẹn, dẫn tới một dự án mới với CHANGE vào năm nay.
Trong năm 2020 này, những người làm thời trang nên chú ý đến những xu hướng thiết kế và sử dụng chất liệu như thế nào?
2020 sẽ là một năm thời trang bền vững tiếp tục được chú trọng với các màu sắc tới từ quá khứ lẫn tương lai. Các nhà thiết kế trẻ tới từ Châu Phi (Thebe Magugu, Kenneth Ize) và Đông Nam Á (Amesh Wijesekera, Rahemur Rahman) gần đây rất được chú ý khi kết hợp chất liệu đậm chất địa phương và kỹ thuật thủ công truyền thống vào Âu phục. Một số khác thử nghiệm với nguyên liệu/phụ liệu thay thế như cườm và nút từ nhựa sinh học, phụ kiện từ da nhân tạo gốc thực vật.
Các thương hiệu lớn đầu tư việc cá nhân hoá sản phẩm (customization), cho phép khách hàng đồng thiết kế món hàng họ thích.
Tại Việt Nam, nhu cầu về sản phẩm làm từ nguyên liệu nội địa cao cấp ngày càng cao, cho cả khách du lịch và người bản xứ.
Anh có thể nêu một vài hạn chế trong việc thiết kế và tìm nguồn vải tại Việt Nam ở thời điểm này được không? Làm thế nào để khắc phục những hạn chế này?
Một hạn chế lớn là nguồn nguyên liệu nội địa có chất lượng và giá thành tốt vô cùng khan hiếm. Nguyên liệu nhập khẩu cao cấp có giá thành quá cao với thị trường trong nước, dẫn đến việc các nhà thiết kế trẻ phải linh động tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Tuy nhiên, việc lên kế hoạch lâu dài (6-12 tháng trước đó) cho các bộ sưu tập theo cách thức này gần như không thể. Vì thế, các công ty có thể chia nhỏ bộ sưu tập để đầu tư một phần vào vải được đặt dệt riêng.
Ngoài ra, hiện các nhà thiết kế trẻ–trong giai đoạn còn chập chững–đa số vẫn làm việc độc lập, thiếu sự hỗ trợ và dẫn dắt của các tổ chức và báo chí nên gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng, xây dựng, và quản trị. Thiếu đi sự đồng hành này, các nhà thiết kế trẻ khó có thể phát triển bền vững, đồng thời được tiếp cận với các cơ hội và dự án lớn. Từ khi được đồng hành cùng Elle Fashion Journey, British Fashion Council, mình đã có rất nhiều cơ hội được đào tạo chuyên sâu và áp dụng được ngay những kiến thức này vào thực tiễn qua các dự án.
Với sự hiện diện của hàng loạt các thương hiệu bán lẻ quốc tế, cá nhân anh có cảm thấy áp lực không? Làm thế nào để các thương hiệu Việt có thể gây dấu ấn trong lòng người yêu thời trang trong nước?
Sự tham gia của các thương hiệu quốc tế thực ra là một tín hiệu rất đáng mừng. Thị trường càng lớn thì các thương hiệu nội địa càng nhiều cơ hội rèn luyện và phát triển.
Với các thương hiệu Việt, chúng ta cần trao nhiều quyền hơn, đồng hành và lắng nghe các nhà thiết kế trẻ trong đội ngũ của mình. Họ cần có thời gian và sự tự tin để phát triển những sản phẩm mang tính nguyên bản.
Chị Cổ Huệ Anh, CEO thương hiệu HNOSS
Chị Cổ Huệ Anh, CEO của HNOSS, là một trong những người phụ nữ đầu tiên chúng tôi tìm đến cho series A Working Woman. Điều mà chúng tôi ngưỡng mộ nhất ở chị là thái độ cầu tiến và mạnh mẽ trước những khó khăn để có thể xây dựng HNOSS–nay sắp bước sang tuổi 12–trở thành một trong những thương hiệu thời trang nội địa thành công nhất hiện nay.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị về “mặt trận” bán lẻ Việt Nam năm 2020.
Nếu phải gói gọn 2019 trong một câu ngắn gọn, chị sẽ tóm tắt nó như thế nào?
Theo tôi, đó là sự chuyển mình sôi động, với cả HNOSS nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung.
Những xu hướng bán lẻ nổi bật trong năm 2019 là gì?
Công nghệ hóa chuỗi cung ứng và phân tích hành vi người dùng để hiểu nhằm đưa ra các chiến lược hàng hóa cũng như trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng (customer-centric strategy). Có thể thấy trong năm vừa qua, đa số các nhãn hàng đều tập trung vào trải nghiệm khách hàng là chính.
Khoảnh khắc ý nghĩa nhất của công ty chị trong năm qua là gì?
Bên cạnh việc ra hàng “New In” mỗi tuần, cứ mỗi 3 tháng, HNOSS sẽ ra mắt những bộ sưu tập đặc biệt từ thiết kế cho đến chất liệu. Tuy giá thành cao hơn 30% so với giá trung bình của các sản phẩm của HNOSS, những bộ sưu tập đặc biệt vẫn tạo được tiếng vang và được khách hàng đón nhận cuồng nhiệt. Điều này cho thấy được một điều rằng khách hàng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và mẫu mã, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện về giá cả như trước kia.
Theo chị, thị trường bán lẻ thời trang sẽ thay đổi ra sao trong năm 2020?
Ngành bán lẻ thời trang sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, các mô hình bán lẻ truyền thống sẽ khó mà trụ vững nếu không thay đổi để đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi và nhanh chóng của khách hàng.
Ngoài ra, xu hướng cá nhân hóa trong mua sắm cũng sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, trải nghiệm và cảm xúc của khách hàng là những yếu tố mà các thương hiệu thời trang cần phải chú ý.
Làm thế nào để các thương hiệu Việt có thể gây dấu ấn trong lòng người yêu thời trang trong nước?
Các bạn cần xác định rõ phong cách và tập trung vào đúng đối tượng khách hàng mình hướng đến. Hãy mạnh dạn áp dụng xu hướng cá nhân hóa để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Chị Tee Trương, Nhà sáng lập 102 Production
Qua lời giới thiệu của chị Trần Hà Mi, chúng tôi biết đến chị Tee Trương, nhà sáng lập và điều hành sản xuất của 102 Production. Đây là đơn vị chuyên phụ trách sản xuất các dự án về hình ảnh, thị giác cho khách hàng, bao gồm các thương hiệu thời trang, agency quảng cáo, tạp chí và các nhãn hàng thương mại. Trước đó, chị từng có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hình ảnh với vai trò Giám đốc hình ảnh tại Zalora VN.
Gần đây nhất, nhận thấy sự khó khăn của các thương hiệu trẻ trong việc sản xuất hình ảnh, chị và 102 Production ra mắt dự án “102 x Local Brands“, kết hợp các thương hiệu nội địa để tạo ra những shoot ảnh truyền tải đúng tinh thần thời trang của riêng họ.
Nếu phải gói gọn 2019 trong một câu ngắn gọn, chị sẽ tóm tắt nó như thế nào?
2019 là một năm của nhiều thay đổi. Sự gia nhập của các anh lớn trong ngành bán lẻ như Zara, H&M, và UNIQLO đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các thương hiệu nội địa cũng như ngành thời trang bán lẻ của Việt Nam. Điều này thúc đẩy các thương hiệu nội địa phải thay đổi để tạo ra giá trị thực và sự khác biệt cho thương hiệu, nếu không, sẽ bị đào thải một cách nhanh chóng (“Change fast or die fast”).
Những xu hướng sản xuất nội dung, hình ảnh nổi bật trong năm 2020 là gì?
Theo mình, với thị trường thời trang năm 2020, mọi người sẽ dần quan tâm live video shopping (livestream). Cùng với sự xuất hiện của mạng 5G hứa hẹn tải xuống nhanh hơn và độ trễ ít hơn. Kết hợp với dòng công cụ phát triển từ các nền tảng chính như Apple và Facebook, 5G có thể tạo điều kiện cho sự hiện diện của công nghệ trên phương tiện truyền thông xã hội vào năm 2020. 5G cũng sẽ cho phép các định dạng phương tiện truyền phát trực tuyến mới với hình ảnh, âm thanh và công nghệ tương tác độ phân giải cao hơn.
Như năm 2018 mua sắm video trực tiếp, đã tạo ra doanh thu 4,4 tỷ USD tại Trung Quốc và hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến hơn ở các nước phương Tây. Những người chơi ban đầu bao gồm Monki và ShopShops (thuộc sở hữu của H&M Group), kết nối người mua sắm Trung Quốc với các cửa hàng ở Mỹ. Hy vọng các nền tảng như Facebook, Instagram và YouTube sẽ nhảy vào với các tính năng mới tiềm năng tạo điều kiện cho mua sắm trực tiếp trong ứng dụng.
Thị trường thời trang sẽ thay đổi ra sao trong năm 2020? Và công việc sản xuất hình ảnh sẽ phát triển như thế nào?
Thị trường Việt Nam năm nay sẽ có xu hướng về live video cũng như off-live video nên chị sẽ chú trọng phát triển đội ngũ theo hướng ấy. Hy vọng là sẽ đem lại nhiều mới mẻ và thú vị cho mọi người.
Với thị trường thời trang ngày càng trở nên “chật chội”, theo chị, người làm thương hiệu cần chú ý điều gì để trở nên nổi bật?
Theo mình, một công ty thời trang muốn nổi bật cần có một câu chuyện thương hiệu hay và khác biệt. Từ đó, việc phát triển sản phẩm, hình ảnh và chiến lược marketing sẽ bám sát theo tinh thần ấy. Xây dựng hình ảnh vừa đẹp, vừa sáng tạo nhưng vẫn phải đánh trúng vào thị trường số đông để đem lại hiệu quả về doanh số.
Đối với những thương hiệu mới ra mắt, chưa có nhiều chi phí sản xuất hình ảnh, làm sao để có thể đảm bảo cho hình ảnh thương hiệu được chỉn chu và nhất quán nhất?
Ngành thời trang chưa bao giờ là ngành ít tốn kém. Mình khuyên trước khi mở ra một thương hiệu, các bạn nên lên kế hoạch tài chính thật kỹ lưỡng cho phần xây dựng hình ảnh trước, tránh tình trạng thiếu trước hụt sau trong vấn để tài chính dẫn đến việc làm hình ảnh một cách chắp, thiếu sự chỉn chu.
Câu “Tiền nào của đó” đúng trong mọi hoàn cảnh và ngành sản xuất hình ảnh sáng tạo cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu để tiết kiệm chi phí đường dài và có thể kiểm soát chất lượng hình ảnh, mình khuyên các bạn nên xây dựng một đội ngũ sản xuất hình ảnh trong nội bộ (in-house production team), việc này giúp các thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu phát triển theo mô hình chuỗi, tiết kiệm được chi phí trong một hành trình dài.
Theo chị, bối cảnh thị trường thời trang năm 2020 sẽ diễn biến như thế nào?
Theo mình, 2020 sẽ là một năm khá khó khăn với ngành thời trang, nhất là đầu năm nay chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn từ đại dịch Corona. Ảnh hưởng đến doanh thu có thể sẽ kéo dài đến giữa năm 2020. Vì thế, với mình, 2020 là một năm “cầm chừng” chứ sẽ không “bùng nổ” trong ngành thời trang.
Năm nay, chị và đội ngũ 102 Production sẽ tập trung vào
Anh Dzũng Yoko, Giám đốc sáng tạo Tại chí ELLE Việt Nam
Giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo cho tạp chí thời trang ELLE Việt Nam đến nay đã 9 năm, anh Dzũng Yoko là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang và truyền thông. Song hành cùng ELLE qua một chặng đường dài–từ những tờ tạp chí cuốn hút cho đến một diễn đàn trực tuyến về thời trang và làm đẹp hàng đầu Việt Nam, hơn ai hết, anh là người chứng kiến tường tận sự thay đổi của lĩnh vực truyền thông.
Đầu năm 2020, một lần nữa, chúng tôi lại gõ cửa tìm anh để được lắng nghe những điểm giao cần lưu ý giữa thời trang và truyền thông năm nay.
Nếu phải gói gọn 2019 trong một câu ngắn gọn, anh sẽ tóm tắt nó như thế nào?
2019 là năm của lên ngôi của những cá tính sáng tạo trội bật.
Những xu hướng nổi bật trong lĩnh vực truyền thông thời trang năm 2019 là gì?
Đó là sự kết hợp giữa các thương hiệu thời trang và media để tìm tiếng nói chung, đưa đến độc giả và người tiêu dùng. Media giờ đây cũng trở thành agency sản xuất nội dung mang tính thương mại hơn, tuy nhiên, media vẫn có những đặc thù riêng mà chỉ báo chí mới có được.
Báo in vẫn là một giá trị cốt lõi mà các thương hiệu cần lưu ý vì thế mạnh branding (xây dựng thương hiệu), còn các nền tảng trực tuyến và marketing 360 sẽ là nền tảng để các thương hiệu phủ sóng rộng hơn.
Khoảnh khắc ý nghĩa nhất của anh và đội ngũ của ELLE trong năm qua là gì?
Có lẽ là khi báo cáo tài chính của ELLE trong năm qua cho thấy doanh thu của tòa soạn rất khả quan và phần lớn đến từ mảng báo in.
Theo anh, truyền thông năm nay sẽ thay đổi ra sao?
2020 sẽ khá ảm đạm do sự bùng phát của dịch bệnh Corona, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của các thương hiệu nên truyền thông cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Chúng ta cần có những hướng đi thông minh hơn.
Đối với anh, truyền thông thời trang trong nước cần phải trang bị những gì?
Không gì quan trọng bằng việc phát triển, quảng bá tài năng và các tiềm năng trong nước. Đồng thời nâng cao ý thức xem, nghe, đọc của người Việt, hướng đến khái niệm “bền vững” nhiều hơn.
Và hướng đi của anh cùng ELLE trong năm sắp tới là gì?
Chúng tôi sẽ cố gắng để tạo ra nhiều nội dung hay và có ý nghĩa hơn, nhằm duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp của truyền thông.