Vắc xin COVID-19 ảnh hưởng kinh nguyệt đông đảo phụ nữ, chuyên gia nói gì?

 Vắc xin COVID-19 ảnh hưởng kinh nguyệt đông đảo phụ nữ, chuyên gia nói gì?

Một phụ nữ được tiêm vắc xin COVID-19 tại một trong những trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Kiev của Ukraine hôm 9-11 – Ảnh: AFP

Sau khi tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ hai, một phụ nữ ở Singapore cho biết bà nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình không đến đúng ngày, khiến bà cứ tưởng “con trai tôi sắp có em”.

Thời gian qua xuất hiện nhiều báo cáo từ khắp nơi trên thế giới về việc phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Hôm 14-11, báo Today Online (Singapore) cũng có bài viết về vấn đề này ở một số phụ nữ Singapore cũng như giải thích của các chuyên gia.

Phụ nữ kể lại trải nghiệm

Có 5 phụ nữ mà báo Today Online phỏng vấn cho biết họ nhận thấy những thay đổi khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của mình sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Những thay đổi này bao gồm những bất thường về ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt, thay đổi về lượng máu và hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn.

Bà Joette Fong (48 tuổi), một người cắt tỉa lông thú cưng ở Singapore, chia sẻ sau khi tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ hai vào tháng 5 năm nay, bà nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo của mình không đến đúng ngày như dự kiến.

“Điều đầu tiên tôi nghĩ là con trai tôi sắp có em, hoặc tôi đang trải qua thời kỳ mãn kinh” – bà Joette Fong kể lại.

Cuối cùng, bà bị chậm kinh 2 tuần. Sau đó ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của bà tiếp tục rối loạn trong bốn tháng tiếp theo. Bà Fong cho biết bình thường chu kỳ kinh nguyệt của bà đến sau mỗi 28 – 30 ngày.

Bà Liang Kaixin, một chuyên gia truyền thông 37 tuổi, nhận thấy lượng máu kinh nguyệt của bà trở nên nhiều hơn và bà bị chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt. Bà trải qua điều này sau khi tiêm các liều vắc xin COVID-19 vào tháng 6 và tháng 7 năm nay.

Bà cũng trải qua chu kỳ kinh nguyệt không đều trong những tháng sau đó và bị thay đổi tâm trạng nghiêm trọng hơn trước.

Chuyên gia nói tác động chỉ “nhẹ và thoáng qua”

Hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện để cho thấy mối liên hệ giữa tiêm vắc xin COVID-19 và rối loạn kinh nguyệt.

Tuy nhiên, các bác sĩ phụ khoa đã đảm bảo rằng tác động của vắc xin COVID-19 đối với chu kỳ kinh nguyệt là “nhẹ và thoáng qua”. Đồng thời, họ khuyến khích phụ nữ không trì hoãn việc tiêm chủng, theo báo Today Online.

Bác sĩ Chang Tou Choong đến từ Tập đoàn Y tế phụ nữ và trẻ em Singapore nói rằng vắc xin COVID-19 có thể hoạt động giống như một “yếu tố gây căng thẳng” cho cơ thể, giống như cách căng thẳng – gây ra bởi một công việc mới hoặc biến động cảm xúc – có thể ảnh hưởng hoặc làm trì hoãn kinh nguyệt.

Còn bác sĩ Ng Ying Woo đến từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Healthway Medical nói rằng vắc xin COVID-19 có thể kích thích hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến các hormone thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt.

Trích dẫn một bài viết đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) vào tháng 9 năm nay, bác sĩ Clara Ong đến từ Bệnh viện Gleneagles (Singapore) nói rằng các tế bào miễn dịch cũng có thể hoạt động khác nhau trong niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) sau khi tiêm phòng, từ đó làm thay đổi tạm thời cách thức niêm mạc tử cung hoạt động.

Bác sĩ Ong nói rằng những thay đổi với chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin “thông thường tồn tại trong thời gian ngắn” và không có bằng chứng cho thấy vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.

Nhiều nước ghi nhận về rối loạn kinh nguyệt hậu tiêm chủng

Tại Singapore, Cơ quan Khoa học y tế (HSA) đã liệt rối loạn kinh nguyệt vào diện là tác dụng phụ nghiêm trọng nghi ngờ do tiêm chủng gây ra.

Tại Anh, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe – cơ quan giám sát các báo cáo về tác dụng phụ của vắc xin – đã ghi nhận hơn 30.000 báo cáo về các phản ứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt nghi do tiêm vắc xin COVID-19 từ tháng 12-2020 đến ngày 27-10-2021.

Hồi tháng 10, Cơ quan Y tế quốc gia Hàn Quốc đã thêm rối loạn kinh nguyệt vào danh sách các tác dụng phụ có thể báo cáo do tiêm chủng, sau khi người ta kiến nghị điều tra về tác động của vắc xin COVID-19 đối với chu kỳ kinh nguyệt.

Hiện tượng rối loạn kinh nguyệt sau tiêm chủng đã xảy ra thường xuyên đến mức Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã trao khoản tài trợ 1,67 triệu USD cho 5 cơ sở giáo dục vào tháng 8 năm nay để nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiêm vắc xin COVID-19 và những thay đổi với chu kỳ kinh nguyệt.

BÌNH AN (Tuổi Trẻ)

HongLien

Related post