Trẻ học trực tuyến thế nào để không hại mắt, hại tai?

 Trẻ học trực tuyến thế nào để không hại mắt, hại tai?

Nhiều phụ huynh lo lắng khi năm học mới của các con bắt đầu bằng việc học trực tuyến tại nhà. Cần làm gì để trẻ không bị hại mắt, hại tai và đau đầu khi phải tiếp xúc liên tục với thiết bị điện tử nhiều giờ?

Khi cả hai con nhỏ (lớp 2 và lớp 5) đều phải học trực tuyến, gia đình chị Minh Thảo (ngụ quận 8, TP.HCM) phải luôn dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn cho các con. Do không gian nhà nhỏ hẹp, hai anh em lại học trùng giờ nhau, nên chị phải cho các con đeo tai nghe để tập trung nghe giảng, tránh làm ồn ào lẫn nhau. “Do không đủ điều kiện, đứa bé được học trên máy tính còn đứa lớn phải học trên điện thoại khá là bất tiện. Học một vài tuần thì ổn, chứ sợ nếu dịch này kéo dài các bé chịu không nổi. Bé lớn vừa đeo mắt kiếng vừa đeo tai nghe, nên học 1, 2 tiếng là cháu đã than đau rát tai”, chị Thảo chia sẻ.

Lo hệ lụy

“Mùa dịch các bé cần có sức khỏe mà bé con em mắt bị bệnh từ nhỏ nên cứ tập trung nhiều vào laptop và máy tính là đỏ mắt, thời điểm hiện tại có đau mắt cũng không đi khám được” – chị T., một phụ huynh có con học cấp II tại TP.HCM, chia sẻ.

Cùng chung nỗi trăn trở đó, chị Kim Anh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đang rất lo lắng vì con gái chị đã cận hơn 3,5 độ, nếu học trực tuyến trong thời gian quá dài tình trạng mắt sẽ trở nên tệ hơn.

Bên cạnh những bất tiện về môi trường học tập, thiếu thốn sách vở, đường truyền mạng không ổn định thì các vấn đề ảnh hưởng sức khỏe của trẻ như đau tai, nhức mắt, đau đầu đang là tình trạng chung hiện nay.

học trực tuyến

Làm gì hạn chế tác hại?

Khi phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian dài, mắt chính là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất. BS CKII Trần Đình Tùng – trưởng khoa mắt, Bệnh viện Thống Nhất – cho biết trong mùa dịch này các bệnh về mắt sẽ phổ biến nhất đối với học sinh, sinh viên. “Trên máy tính, chữ sẽ không như mình đọc trên giấy, chữ luôn nhấp nháy không có sự chính xác hoàn toàn. Sự tương phản của chữ trên màn hình cũng khác biệt, khiến mắt phải điều tiết liên tục để nhìn rõ chữ”, bác sĩ Tùng nói.

Việc mắt tập trung trong thời gian dài dễ gây ra hội chứng khô mắt, mỏi mắt. Ở trẻ em hay có tình trạng nóng mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, thậm chí có lúc bị mờ nhòa, nhìn một mà ra hai, ba hình. Đối với việc học online bằng điện thoại di động, mức độ tác hại có thể sẽ nhiều hơn vì kích thước nhỏ.

Theo bác sĩ Trần Đình Tùng, để khắc phục tạm thời những tác hại đến mắt khi phải học trực tuyến, cái chính vẫn là cho mắt nghỉ ngơi hợp lý giữa các quãng thời gian học tập. Cứ 20 phút nên cho mắt nghỉ ngơi 20 giây, bằng cách nhắm mắt trong vài giây hoặc nhìn ra khoảng xa. Nên nháy mắt 15 – 20 lần/phút, làm như thế sẽ giúp dàn đều nước mắt trên bề mặt nhãn cầu, làm nhãn cầu luôn ẩm ướt một cách đồng đều.

Phụ huynh nên thiết kế khu vực học tập cho trẻ phù hợp, cung cấp đủ ánh sáng, nên để nguồn sáng từ sau lưng chiếu đến. Đặt laptop cách xa mắt trẻ khoảng một cánh tay, để màn hình ngang với tầm mắt, tránh cao quá hoặc thấp quá. Chỉnh cỡ chữ và độ sáng của màn hình phù hợp để tạo cho mắt trẻ cảm giác dễ chịu.

Đối với bảo vệ tai cho trẻ khi học trực tuyến, BS CKII Nguyễn Vĩnh Phước – trưởng khoa tai – mũi – họng, Bệnh viện Thống Nhất – cho biết việc sử dụng tai nghe là một phương pháp phổ biến đối với những gia đình có đông con em. “Nếu sử dụng tai nghe trong việc học tập, tốt nhất nên sử dụng tai nghe loại chụp, đỡ cấn vào ống tai, đỡ làm đau tai và tránh được tiếng ồn nhiều hơn. Đồng thời điều chỉnh âm lượng vừa phải, khoảng 40 – 50 đề-xi-ben”, bác sĩ Phước hướng dẫn.

Đối với tai nghe loại nhét vào tai, bác sĩ Phước nhấn mạnh nếu sử dụng kích cỡ không phù hợp sẽ làm tai bị chấn thương, đồng thời việc nhét vào tai cũng mang đến nguy cơ bị nấm tai nếu không vệ sinh kỹ càng tai nghe. Điều kiện tốt nhất để bảo vệ tai là học tập ở phòng riêng, âm thanh từ thiết bị điện tử được mở vừa phải, khi đó sẽ tạo cảm giác như trẻ vẫn đang học trực tiếp tại lớp.

Nguồn: Cẩm Nương-Báo Tuổi Trẻ

Xem thêm bài viết: 9 tác hại gặp phải khi nhịn ăn để giảm cân

Quangdat111102

Related post