Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Trong khi đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chưa được nhiều người dân quan tâm. Thói quen nuôi chó, mèo thả rông diễn ra khá phổ biến, khiến cho bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát trên địa bàn.
Đầu tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ghi nhận trường hợp bệnh nhân nam (77 tuổi, ở Buôn Tah B, xã Ea Drơng, huyện Cư’Mgar) nhập viện với các triệu chứng của bệnh dại như: mệt mỏi, ăn uống kém, sợ nước, sợ gió. Qua điều tra tiền sử dịch tễ, các bác sĩ phát hiện, trước thời điểm nhập viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào bàn tay nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Sau khi nhập viện một ngày, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán: dại lên cơn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ năm 2018 đến tháng 9/2022, Đắk Lắk đã ghi nhận 24 trường hợp mắc và tử vong vì bệnh dại. Trong đó, có những trường hợp bệnh nhân có thời gian ủ bệnh rất lâu, từ 4 tháng đến 1 năm mới phát bệnh. Đáng chú ý, cả 24 trường hợp tử vong nói trên đều không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo cào, cắn.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC cho biết, trong những năm gần đây, bệnh dại diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đáng lo ngại hơn cả là kết quả lấy mẫu xét nghiệm vi rút dại trên đàn chó tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy có 18/25 mẫu dương tính với vi rút dại.
Các địa phương có mẫu dương tính gồm huyện Cư Kuin, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Theo điều tra, các mẫu dương tính đều là chó nhà trên 1 năm tuổi và chưa được tiêm phòng vắc xin dại.
Những con vật này khi được thả rông với hoạt động trên phạm vi rộng (1 con chó có thể hoạt động trong bán kính 10km) sẽ tiềm ẩn nguy cơ cắn người và truyền bệnh dại cho người. Nếu không thực hiện tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo, việc lây lan bệnh dại và bùng phát thành dịch là điều khó tránh khỏi.
Được biết, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng như các ban, ngành đều đẩy mạnh tuyên truyền, ra quân triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, nhưng thực tế công tác tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao. Tính từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk mới triển khai được hơn 48.000 liều vắc xin trên khoảng 163.000 con chó, đạt 29-30%.
Theo ông Hoàng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Dịch tễ Thú y và Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khó khăn lớn nhất trong công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó là do tập quán nuôi thả rông để canh giữ gia súc, trang trại, vườn tược của người dân trên địa bàn nên việc bắt chó để tiêm rất khó. Để nâng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh dại, Đắk Lắk đã đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2022-2025 đạt tỷ lệ tiêm phòng dại là 70% tổng đàn và giai đoạn 2026-2030 đạt 80% tổng đàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân hàng năm phải tiêm phòng bổ sung, ngoài chương trình tiêm phòng đại trà.
Trước nguy cơ bùng phát bệnh dại trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật thú y, trong đó chú trọng hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm; cập nhật số liệu nuôi chó, mèo tại địa phương trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); có lộ trình và từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin dại.
Đồng thời, khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn chủ động phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định; có kế hoạch, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường an toàn dịch bệnh dại trên động vật tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư…