Sống vui và mang lại niềm vui cho người khác.

Sống vui và mang lại niềm vui cho người khác.
Chàng trai trẻ hỏi bậc trí giả: “Làm thế nào mới có thể trở thành một người vui vẻ, cũng mang đến niềm vui cho người khác?”.
Trí giả cười đáp: “Có bốn loại cảnh giới, cậu có thể lĩnh ngộ điều tuyệt vời, đó là vô ngã, từ bi, tự tại và trí huệ.
(1) Trước tiên, hãy ‘xem bản thân mình là người khác’, đây là ‘vô ngã’.
Albert Einstein cũng đã từng nói “cái tôi” tỷ lệ nghịch với trí tuệ. Mình không trí tuệ thì làm sao mang lại niềm vui cho người.
Thế giới này tất cả đều giả hợp, vô thường, ngắn ngủi, phù du, tạm bợ, “phòng trọ”, chuyển hóa, không cố định, trao đổi liên tục đất, nước, gió, lửa giữa bên trong và bên ngoài con người, không có cái “ta” cái “chủ thể” vì không thể điều khiển như ý. Không hiểu quy luật thì tham lam “quá mức”, luyến tiếc, níu kéo, dính mắc, gây tội, tạo nghiệp, kẹt vào chữ “ngã”. Kẹt vào chữ này, bản thân đã khổ làm sao làm người khác vui.
Đây là câu chuyện mà mình đã kể trong bài tham, sân, si, một lần nữa mình kể lại để học lấy hành vi “vô ngã” trong ứng xử. Trong lớp học có một bạn mất cái Ipad. Sự hoài nghi phát sinh trong lớp. Thầy giáo nói các em nhắm mắt lại. Sau 15 phút, thầy cầm Ipad trả lại cho bạn bị mất.
Mấy ngày sau, trò A đến gặp riêng và nói là: “Em cám ơn thầy đã không nêu tên em trên lớp là thằng ăn cắp. Em hứa với thầy không bao giờ như thế nữa. Em đã cùng đường, má em bị bệnh, cần thuốc uống, mà trong nhà không còn một đồng nào.”.
Thầy ôn tồn nói: “Thật ra, thầy cũng chẳng biết trò nào lấy nữa. Mà thầy cũng chẳng cần biết để làm gì. Thầy cũng đã nhắm mắt để tìm Ipad trong cặp và trong ngăn kéo. Giữa các em không biết ai lấy và thầy cũng vậy.”.
Bài học từ người thầy là không “sân” và là “vô ngã”. Thầy đã hiểu và xử sự không cái “tôi” ở đây. Chúng ta luôn nói rằng phải làm như thế này, phải làm như thế kia, mới đúng ý của tôi, mà ít ai nói: “không có cái tôi, không có cái ta, tất cả do nhân duyên tụ hội”. Trí tuệ nằm ngay ở chỗ này, mà ít người nhận ra.
(2) Kế đến là hãy ‘xem người khác thành bản thân mình’, đây là ‘từ bi’.
“Từ” là mang lại niềm vui, sự an lạc. Nếu chúng ta sống mà không mang lại sự an lạc cho người xung quanh thì chúng ta chưa đạt được tâm từ.
“Bi” là diệt trừ khổ não. Nghĩa là có thể giúp mọi người thoát khỏi sự phiền não trong cuộc sống.
“Từ bi” là mảnh đất màu mỡ để trí tuệ được nảy sinh. Bởi lẽ từ bi là tâm địa không toan tính và tĩnh lặng. Vì tâm không bị động loạn, ở trạng thái tĩnh lặng nên trí tuệ từ đó phát khởi.
Có một câu chuyện cổ vui: Một người cha và con trai đang cưỡi lừa trên đường. Một người qua đường bình phẩm họ, nói rằng:
“Hai người tàn nhẫn đến nhường nào! Nhìn xem con lừa đáng thương mệt mỏi làm sao”.
Vì vậy, người cha xuống khỏi con lừa và để cho con trai cưỡi. Một người qua đường khác chỉ trích họ bằng những lời: “Hãy nhìn cậu con trai tồi tệ kia! Anh ta cưỡi lừa nhưng để người cha khốn khổ của anh ta đi bộ!”
Vì vậy, cậu con trai xuống khỏi con lừa và để cha cưỡi. Một người khác cũng chỉ trích họ bằng cách nói: “Hãy nhìn sự ích kỷ của ông bố! Ông ta cưỡi lừa và để con mình đi bộ”.
Vì vậy người cha xuống lừa một lần nữa và bước đi với con trai, suy nghĩ: “Bây giờ chúng ta yên ổn rồi”.
Người qua đường tiếp tục cười nói: “Ngu dữ vậy! Có lừa không cưỡi, mà dắt bộ”.
Xã hội ”chín người mười ý”, hai cha con dù làm thế nào cũng không vừa ý tất cả mọi người. Tuy nhiên, với tâm một người đầy lòng từ bi, họ có thể giải quyết mọi việc hài hòa.
Khi nhìn thấy cha và con trai cùng cưỡi lừa: “Con lừa chăm chỉ và trung thành biết bao! Nó phục vụ chủ thật tốt!”
Lúc nhìn thấy con trai cưỡi lừa và người cha đi bộ: “Tình cảm của người cha thật lớn lao! Ông thà đi bộ còn hơn tiếp tục thoải mái và dễ dàng bằng việc cưỡi lừa”.
Lúc nhìn thấy người cha cưỡi lừa và con trai đang đi bộ: “Nhìn sự khôn ngoan của người con! Cậu ta đã học được sự tôn kính người lớn tuổi như một người con, chịu đựng những khó nhọc và nghĩ đến người khác ở tuổi còn trẻ như vậy!”
Lúc nhìn thấy cả hai cha con đi bộ: “Tâm của họ tốt làm sao! Họ thà đi bộ hơn làm gánh nặng cho con lừa”.
Mọi người đưa ra kết luận hoàn toàn khác nhau về cùng một điều bởi vì người qua đường thiếu sự từ bi, luôn luôn nhìn mặt xấu của vấn đề và bỏ qua mặt tốt. Một người giàu lòng từ bi anh ta luôn có thể thấy những mặt tốt và đưa ra kết luận hoàn toàn khác. Thế giới quan và nhân sinh quan của anh ta hoàn toàn khác hẳn.
Một người từ bi phán xét với tâm từ bi. Mọi thứ trong mắt anh ta là một bài thơ sống động, một cái nhìn tốt đẹp, và một mùa xuân thịnh vượng. Người xấu phán xét với sự độc ác trong tâm. Anh ta rất cầu kỳ và chỉ trích tất cả mọi thứ thậm chí mặc dù nó rất đẹp.
Một người từ bi nghĩ rằng có nhiều cơ hội để hoàn thiện, nhưng một người xấu nghĩ rằng anh ta là đủ tốt. Qua câu chuyện về lòng từ bi này, mong rằng tất cả chúng ta sẽ có sự phán xét với tâm từ bi để có thể nhìn nhận một cách chân thật về tốt với xấu, chính với tà, khôn ngoan với ngu si và đúng với sai
(3) Kế đến hãy ‘xem bản thân là chính bản thân mình’, đây là ‘tự tại’.
Tự tại là ung dung thảnh thơi, làm chủ bản thân và không chịu ràng buộc. Nếu đứng trước 8 ngọn gió độc thổi:
(1) tán dương ca tụng;
(2) hiềm khích;
(3) hủy báng;
(4) danh dự;
(5) lợi dưỡng;
(6) suy tàn;
(7) khổ đau;
(8) khoái lạc
mà tâm ta vẫn không bị lay động, chúng ta đã thành tựu “tự tại” giải thoát rồi.
Câu chuyện số 1 về “tự tại”
Một đàn ếch đang di chuyển qua cánh rừng thì 2 con ếch không may bị rơi xuống hố sâu. Những con ếch khác cùng xem cái hố sâu đến chừng nào và kết luận rằng, hố quá sâu để có thể vượt ra ngoài.
Chúng khuyên 2 con ếch kia rằng hãy giữ sức, vì chẳng có hy vọng gì đâu.
Phớt lờ những lời nói đó, 2 con ếch bị rơi xuống hố vẫn nỗ lực tìm cách nhảy ra khỏi hố. Những con ếch trên miệng hố, không những không động viên mà còn khuyên chúng hãy từ bỏ đi.
Một trong 2 con ếch sau vài lần thử nhảy đã kiệt sức và chấp nhận buông xuôi. Trong khi đó, con ếch còn lại càng nhảy càng hăng hơn và cuối cùng nó lấy hết sức nhảy vọt ra khỏi cái hố.
Khi ra ngoài, những con ếch khác hỏi rằng: “Cậu không nghe thấy chúng tôi nói gì sao?”. Con ếch nhỏ đã giải thích rằng, vì nó bị điếc nên nó nghĩ rằng cả đàn ếch đã cổ vũ nó cố gắng nhảy ra ngoài.
Bài học: Những lời nói của người xung quanh có thể tác động to lớn đến cuộc sống bạn, nhưng bạn không nên dành thời gian với những người chỉ biết “hút cạn” nguồn hạnh phúc của mình.
Câu chuyện số 2: Chẳng lẽ “niềm vui” và “nỗi buồn” có tính phi đối xứng?
Mọi người trong một ngôi làng thường tìm đến một nhà thông thái để xin lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người đến nhiều lần để than phiền về cùng một vấn đề trong cuộc sống. Một ngày, nhà thông thái quyết định kể 1 câu chuyện cười và khiến tất mọi người cười phá lên.
Vài phút sau, ông kể lại câu chuyện cười đó 1 lần nữa nhưng chỉ có một vài người mỉm cười.
Sau đó, nhà thông thái kể lại câu chuyện lần thứ 3, nhưng không còn ai cười nữa.
Lúc đó, ông mới mỉm cười nói rằng: Bạn không thể cười khi nghe 1 câu chuyện cười 3 lần. Vậy tại sao bạn lại khóc vì cùng 1 vấn đề nhiều lần đến như vậy? Có phải bạn phi lý trí không?
Bài học: Lo lắng, sợ hãi không giải quyết được vấn đề, nó chỉ khiến bạn lãng phí thời gian và năng lượng.
(4) Cuối cùng, cần phải ‘xem người khác thành người khác’, đây là ‘trí huệ’
Trí tuệ hấp thụ được từ cuộc sống, từ thất bại, từ thành công.
Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống.
Không thể có trí huệ từ một kiếp được. Ở một kiếp nhân sinh thì bị kẹt vào một tầng thứ mà thôi, dù bạn có thật giỏi. Những gì mình nói với bạn cũng không phải trí huệ nữa.
Muốn hết đau khổ, con người phải hết si mê, muốn dứt si mê phải tu để có trí huệ. Khi có trí huệ sẽ hết vô minh, hết vô minh sẽ không còn có ý, khẩu, thân điên đảo. Ý, khẩu, thân không điên đảo sẽ không còn tạo nghiệp, không tạo nghiệp sẽ không còn sinh tử luân hồi tức là giải thoát. Bởi thế chúng ta cần có trí huệ là vậy.
Exit mobile version