Trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19, chiến dịch tiêm chủng vắc xin đóng vai trò quyết định để khống chế thành công đại dịch COVID-19 ở nước ta. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành y tế cùng các cấp, ngành của tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ “phủ sóng” vắc xin phòng COVID-19, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.
Kỳ 1: Nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp chủ động, hiệu quả để phòng dịch.
“Cõng” vắc xin đến buôn làng
Buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê (huyện Lắk) cách trung tâm xã tầm 30 km, nhưng để vào tới nơi đúng giờ, “đội quân” làm công tác tiêm chủng của Trạm Y tế xã phải xuất phát từ rất sớm, bởi đường đi khá gập ghềnh, khó khăn. Vượt cả chặng đường dài, chỉ còn cách điểm tiêm chủng chưa đầy 2 km nữa nhưng cả đoàn phải “đầu hàng” trước con đường đất đặc quánh, trơn trượt sau trận mưa đêm. Chứng kiến người dân trong buôn phải quấn xích vào bánh xe mô tô, máy cày để lưu thông, các nhân viên y tế đành gửi xe tại nhà một người dân bên đường, sử dụng ủng (được chuẩn bị từ trước) để đi bộ vào điểm tiêm với hành trang “cõng” trên lưng lỉnh kỉnh từ thùng bảo quản vắc xin, ba lô vật tư y tế và chút mì gói, thực phẩm khô lót dạ dự phòng làm việc xuyên trưa.
Chị Lê Thị Thanh, nhân viên Trạm Y tế xã Đắk Nuê tâm sự: “Một lần đi, một lần khó nên tất cả các vấn đề liên quan đến tiêm vắc xin phải được chuẩn bị chỉn chu, hạn chế tối đa thiếu sót ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ tiêm. Với mỗi cán bộ y tế, chỉ mong người dân hiểu việc cần thiết phải tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ đó đồng thuận hợp tác thì dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng không nề hà”.
Theo bác sĩ CK I Trần Minh Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lắk, không chỉ có buôn Đắk Sar, trên địa bàn huyện có khá nhiều thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số nằm cách xa trung tâm xã, huyện, trong khi nhân lực y tế còn mỏng nên ngay từ những ngày đầu triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã thành lập các điểm tiêm chủng tại cộng đồng và các đội tiêm chủng lưu động đến tận nơi tiêm cho người dân với mục tiêu giúp người dân được tiếp cận vắc xin trong thời gian sớm nhất có thể. Thông tin về lịch tiêm chủng tại các điểm tiêm lưu động được đăng tải trên hệ thống loa truyền thanh, các trang Zalo an ninh của công an xã, huyện và cộng tác viên trực tiếp đến từng nhà để thông báo cho người dân.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Được ví như “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng trong suốt 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, một lần nữa các tổ COVID-19 cộng đồng lại tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền ở cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, vận động người dân đủ điều kiện về tuổi, sức khỏe tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Ông Chu Thanh Bá, Trưởng thôn 8, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng thôn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban tự quản thôn thường xuyên thông báo trên loa tuyên truyền bà con tham gia tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi nhắc lại đúng thời gian quy định. Tổ cũng phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên rà soát các trường hợp người già, người khuyết tật, người có bệnh nền để đề xuất Trạm Y tế xã đến tiêm tại nhà.
Không những vậy, Tổ COVID-19 cộng đồng thôn 8 còn linh hoạt vận dụng thói quen vùng, miền của người dân trong thôn để tuyên truyền, vận động tiêm chủng. “Thôn 8, xã Ea Tiêu đa phần đều là những người con quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh. Cứ mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, bà con thường quây quần tại một điểm cùng nhau uống đọi (bát) chè xanh, chào hỏi nhau bằng những câu chuyện thường nhật. Các phong trào, hoạt động của địa phương cũng được bà con truyền tai nhau và hưởng ứng từ những buổi gặp gỡ này. Nắm bắt tâm lý này, khi tham gia buổi nói chuyện mỗi sáng, các thành viên cấp ủy, ban tự quản thôn đều khéo léo lồng ghép thông tin về tình hình dịch bệnh, những nguy cơ lây nhiễm từ biến chủng mới, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, phản bác những luồng thông tin trái chiều về vắc xin, tuyên truyền, vận động mọi người tiêm chủng đầy đủ. Nhờ vậy, hầu hết người dân thôn 8 đều chủ động tiêm mũi nhắc lại để phòng bệnh” – ông Bá chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy cho hay, trong cao điểm dịch COVID-19 bùng phát, huyện đã thành lập hơn 500 tổ COVID-19 cộng đồng, đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh tại cơ sở. Hiện các tổ COVID-19 cộng đồng này vẫn được duy trì và các thành viên đang làm việc trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí hỗ trợ, nhưng bằng nhiệt huyết cùng tinh thần trách nhiệm với xã hội, các thành viên trong tổ đã không ngại khó, ngại khổ, chung tay cùng cấp ủy địa phương quyết tâm hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc xin phòng COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nhờ sự chủ động của ngành y tế, cùng việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, Đắk Lắk đã thoát nhóm có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 thấp cho người 18 tuổi trở lên trong cả nước với 100% đối tượng tiêm mũi đủ liều cơ bản, 88,3% tiêm mũi 3 và 77,1% tiêm mũi 4 (số liệu tính đến ngày 6/10/2022). Tuy vậy, tỷ lệ tiêm vắc xin cho đối tượng từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện còn khiêm tốn và mục tiêu “phủ sóng” vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng vẫn còn bỏ ngỏ khi còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Những khó khăn từ thực tiễn