Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

 Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Sâu răng thực chất là sự phá hủy cấu trúc của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng.

Sâu răng thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng bị nhiều nhất ở trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ thì nguy cơ bị sâu răng khi lớn sẽ tăng lên. Việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề về răng miệng sau này.

Chị Trần Thị Hảo (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đưa con gái 5 tuổi đến khám răng tại một phòng khám tư nhân cho biết: “Mấy hôm nay con gái bảo đau nhức răng, tôi chủ quan không kiểm tra mà cứ nghĩ cháu ăn thịt bị mắc trong răng nên bảo cháu đánh răng sạch sẽ. Tuy nhiên sau đó cháu bị sốt, lợi sưng và không ăn uống gì nên tôi đưa cháu đến gặp nha khoa thì mới biết con bị sâu răng và viêm tủy”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ em bị sâu răng do nhiều nguyên nhân như: không vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh không đúng cách; chế độ ăn uống không hợp lý, thực phẩm chứa nhiều chất đường; lớp men của răng sữa mỏng hơn so với răng vĩnh viễn, vi khuẩn dễ tấn công hơn. Tuy nhiên, nguồn gốc gây sâu răng ở trẻ em vẫn là do vi khuẩn và chất đường còn sót lại gây ra. Vi khuẩn tác dụng lên chất đường rồi sản sinh thành axit; axit ăn mòn men răng, ngà răng… gây bệnh sâu răng. Nếu không chữa sớm có thể biến chứng thành viêm tủy răng.

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh sâu răng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để can thiệp sớm.

Bình thường sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, khoảng từ 2 – 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng; khoảng từ 6 tháng đến 1 hoặc 2 năm đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng nên mọi người không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau, chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau với cường độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm. Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng.

Nhiều người quan niệm rằng răng sữa chỉ là răng tạm thời và sẽ bị thay thế nên không mấy quan tâm đến việc chăm sóc răng cho trẻ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi trong quá trình răng sữa tồn tại trên cung hàm, các mầm răng vĩnh viễn sẽ phát triển trong xương hàm tương ứng ở vị trí các chân răng sữa. Khi các mầm răng vĩnh viễn phát triển, chân răng sữa sẽ bị tiêu đi, biểu hiện là răng lung lay và được nhổ bỏ. Tại vị trí đó, răng vĩnh viễn sẽ mọc lên để thay thế. Răng sữa nếu bị sâu nghiêm trọng có thể bị nhổ sớm trong khi răng vĩnh viễn thay thế chưa mọc, khoảng trống bị nhổ đó khiến răng vĩnh viễn mọc lệch hoặc chen chúc, mất tính thẩm mỹ.

Ðể dự phòng sâu răng và các biến chứng xảy ra, các gia đình cần tăng cường công tác phòng bệnh và điều trị sớm, khám răng định kỳ 6 tháng/lần cho trẻ. Người lớn cần hướng dẫn các em cách chải răng miệng đúng cách; hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và đồ ngọt. Thực hiện đánh răng sau khi ăn ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Ngoài ra, muốn trẻ có hàm răng đẹp, khỏe, từ giai đoạn mang thai, bà mẹ cần cung cấp đủ các yếu tố vi lượng như canxi, flour… để giúp cho mầm răng của trẻ sau này phát triển tốt. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh sâu răng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra và được hướng dẫn điều trị kịp thời.

Trần Tuấn

Related post