Trước yêu cầu tăng cường lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 của cấp trên, 5 cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đội 2, BĐBP Đà Nẵng xung phong làm nhiệm vụ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng. Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, thế nhưng những người lính Biên phòng sẵn sàng gác lại chuyện riêng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ”.
Vì nhân dân quên mình
Thành phố Đà Nẵng những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 “nóng” hơn bao giờ hết. Đó không chỉ vì thời tiết lúc nào cũng trên dưới 40 độ C mà còn bởi liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, kéo theo việc phải thành lập thêm nhiều khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngày 20-7, Hải đội 2 BĐBP Đà Nẵng cử 5 cán bộ, chiến sĩ tăng cường thực hiện nhiệm vụ ở Khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng (quận Liên chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Ngay khi đặt balô xuống, những người lính Biên phòng đã nhanh chóng bắt tay vào việc dọn dẹp, bố trí cơ sở vật chất chuẩn bị tiếp nhận người vào cách ly. Những người lính vốn chỉ quen với kĩ thuật của máy tàu, hàng hải, cơ điện nay được bổ túc kiến thức về y tế, phòng dịch để bắt đầu nhiệm vụ mới.
Tính đến ngày 5-8, Khu cách ly tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng đã tiếp nhận 160 F1, trong đó có 5 người chuyển thành F0. Đã bước sang tháng 8 nhưng thời tiết vẫn luôn xấp xỉ 40 độ C. Công việc hàng ngày của những người lính Biên phòng là phát cơm, thu dọn rác sinh hoạt, nhận đồ tiếp tế cho các F1 và hỗ trợ lực lượng y tế khi có yêu cầu. Trời nắng nóng 40 độ nhưng các anh luôn mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn. Nhìn Binh nhất Hồ Gia Khiêm mồ hôi chảy thành dòng, mỗi lần tháo găng tay, da lòng bàn tay trắng bệch, nhăn nheo vì ngâm lâu trong… mồ hôi khiến ai cũng thương. Ấy thế nhưng, chàng lính trẻ cũng như mọi người chưa khi nào có lời kêu than. Ai cũng hiểu rằng, lúc khó khăn này, mình chính là chỗ dựa cho những con người đang chông chênh, lo lắng với nguy cơ tiềm ẩn. Bởi thế mà bất cứ khi nào các F1 cần giúp đỡ, những người lính cũng luôn sẵn sàng.
Câu chuyện về Thượng úy Nguyễn Thanh Bình với hành động bế bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ tầng 4 đưa ra xe chuyển đi điều trị đã gây xúc động mạnh cho nhiều người. Ít người biết rằng, thời điểm đó không phải là ca trực của anh nhưng khi biết không có cáng để khiêng bệnh nhân, anh đã bỏ qua nỗi sợ về nguy cơ lây nhiễm để có thể có thêm cơ hội về thời gian cho cụ bà đi điều trị. Nhìn bức ảnh, nhiều người không biết dưới lớp khẩu trang kia là khuôn mặt như thế nào thế nhưng đều biết rằng đó là người lính Cụ Hồ luôn vì nhân dân quên mình. Khi được hỏi tại sao không sợ, Thượng úy Nguyễn Thanh Bình trả lời: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ mọi người cần mình vậy nên cũng không kịp nghĩ có thể gặp nguy hiểm. Thêm nữa, nếu ai cũng sợ thì ai sẽ giúp cụ?”. Nghe Thượng úy Nguyễn Thanh Bình trả lời lại nhớ đến dòng chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm – tác giả bức ảnh: “Chúng tôi làm không chỉ vì trách nhiệm, nhiệm vụ mà còn xuất phát bởi tình thương và sự thấu hiểu”.
Những câu chuyện riêng
Chiều ngày 3-8, Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP Đà Nẵng đến Khu cách ly tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm việc và trao Bằng Khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho Thượng úy Nguyễn Thanh Bình vì có hành động đẹp giúp đỡ nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19. Ai cũng đồng ý rằng Thượng úy Nguyễn Thanh Bình rất xứng đáng. Thực tế, hành động bế bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ tầng 4 ra xe cứu thương chỉ là một việc trong rất nhiều những việc mà anh đã làm với người cách ly tại đây.
Tuần trước, có 2 chị em gái chỉ tầm hơn 10 tuổi là F1, được bố trí cách ly tại 1 phòng ở tầng 3. Hôm ấy anh đến đưa cơm, cô chị rụt rè nói: “Chú ơi, chú xem giúp bọn cháu nhà vệ sinh với, không sử dụng được chú ạ”. Thương 2 cháu nhỏ, hết ca trực, anh mặc quần áo bảo hộ đến sửa giúp khiến hai chị em cảm ơn rối rít. Sáng hôm sau, anh gõ cửa đưa cơm nhưng không thấy ai mở. Nghĩ 2 chị em dậy muộn nên anh để cơm trước cửa phòng. Tuy nhiên, khi lên dọn, anh vẫn thấy 2 túi cơm trước cửa. Hỏi ra mới biết là 2 cháu gái đã chuyển F0 và được chuyển sang bệnh viện dã chiến ngay trong đêm. Nghe câu trả lời của Ban Quản lý, trong lòng Thượng úy Nguyễn Thanh Bình bỗng trỗi dậy sự lo lắng như thể 2 cháu nhỏ là người thân của mình.
Trong 5 cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 làm nhiệm vụ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch có 2 “ông bố trẻ” là Thiếu úy Phan Trung Kiên và Thiếu úy Hoàng Thành Duy. Cả hai đều lần đầu được làm bố nhưng hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Thiếu úy Phan Trung Kiên, có vợ là giáo viên Trường Tiểu học – THCS – PTTH Đức Trí tại Đà Nẵng. Thấy tình hình dịch diễn biến phức tạp, sẽ không tránh khỏi việc trực nên Thiếu úy Phan Trung Kiên bàn với vợ về ở Hà Tĩnh để có người thân đỡ đần.
Đến nay, thiên thần bé nhỏ chào đời được hơn 2 tháng nhưng Thiếu úy Phan Trung Kiên chưa được một lần bế bồng, chỉ nhìn thấy hình ảnh con qua tấm ảnh vợ gửi. Còn Thiếu úy Hoàng Thành Duy đã “lên chức bố qua điện thoại” được 7 tháng. “Cứ lúc nghỉ tôi lại tranh thủ gọi video call về nhà nên dù không ở gần con trai, tôi vẫn hi vọng cháu sẽ cảm nhận được tình cảm của cha. Mỗi lần gọi cháu lại bập bẹ gọi ba ba…”- Thiếu úy Hoàng Thành Duy chia sẻ. Giờ nghỉ, 2 “ông bố trẻ” lại “trao đổi kinh nghiệm” để “khi nào hết dịch về làm bố”. Chao ôi! câu chuyện về hậu phương người lính giữa thời bình mà tựa thể của những ngày bom rơi, đạn nổ.
Nguồn: Trúc Hà-Báo biên phòng