Nam thanh niên này được tiêm liều vắc-xin 25 mcg/liều, tiếp đó sẽ được theo dõi 72 tiếng sau khi tiêm.
Sáng 17/12, Học viện Quân y bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam với tên gọi Nano Covax trên người tình nguyện ở giai đoạn 1.
Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax.
Trong sáng nay có 3 tình nguyện viên được tiêm các mũi đầu tiên.
Người tình nguyện đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin là nam giới. Trường hợp này được tiêm liều vắc-xin 25 mcg/liều tiêm. Nam thanh niên này sẽ được theo dõi 72 tiếng sau khi tiêm. Ngoài trường hợp này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiêm cho 2 trường hợp khác với cùng liều tiêm.
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đề xuất việc thử nghiệm lâm sàng sẽ trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I từ tháng 12 đến 2/2021, 60 người (18-50 tuổi) sẽ được tiêm thử vắc xin tại Học viện Quân Y.
Giai đoạn II (tháng 2-8/2021), quy mô mở rộng lên 400-600 người (12-75 tuổi). Đồng thời, ngoài Học viện Quân Y, 2 cơ sở khác là Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ cùng tham gia thử thuốc.
GS.TS Đỗ Quyết, Trung tướng, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, những người tình nguyện sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo yêu cầu của Bộ Y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia.
Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viên Quân Y, trong tối thiểu 72 giờ. Suốt thời gian này, người tình nguyện sẽ được theo dõi sức khỏe hằng ngày bởi các bác sĩ của Viện nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Bệnh viện Quân Y 103.
Sau thời gian theo dõi, tình nguyện viên sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hằng ngày, họ được cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.
Trung tướng, GS Đỗ Quyết cũng thông tin: “Hiện chúng tôi có Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, ở đó có trung tâm nghiên cứu vắc xin, đủ 24 giường, đủ phương tiện về tiêm, theo dõi, cấp cứu…
Qua thử nghiệm vắc xin Nano covax trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ. Kết quả cho thấy, vắc xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển”.
Theo GS Đỗ Quyết, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
“Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh”, GS Đỗ Quyết chia sẻ.
Trước câu hỏi về khả năng tiếp cận với nguồn vắc xin COVID-19 trên thế giới, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định, về nguyên tắc nếu vắc xin đó chưa được Cơ quan quản lý dược Mỹ (FDA) và hay Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu phê chuẩn thì bắt buộc phải đánh giá lâm sàng trên người Việt Nam. Nếu vắc xin được phê chuẩn cũng sẽ được xem xét, cấp phép lưu hành ngay trong trường hợp đại dịch bùng phát.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)