Người Việt ăn uống thiếu lành mạnh

 Người Việt ăn uống thiếu lành mạnh

Ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh, chế biến sẵn

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia Bộ Y tế công bố sáng 15.4 cho thấy người Việt cần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

Nhiều thịt, muối nhưng lại thiếu vi chất

Tại hội nghị công bố Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020, bác sĩ (BS) Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm thông tin (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết kết quả điều tra cho thấy, năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người Việt Nam đạt 2.023 kcal/người/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925 kcal/người/ngày năm 2010. Mức tiêu thụ rau quả, thực phẩm tốt cho sức khỏe được cải thiện.

Theo đó, mức ăn rau quả đã tăng bình quân đầu người từ 190,4 gr rau/người/ngày; 60,9 gr quả chín/người/ngày (năm 2010) lên 231 gr rau/người/ngày; 140,7 gr quả chín/người/ngày (năm 2020).

học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ
Giờ thể dục của học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội)

Người thành phố ăn quá nhiều thịt

Tuy nhiên, BS Sơn lưu ý mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4 – 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị cho người trưởng thành. Riêng mức tiêu thụ thịt đã tăng nhanh trong 10 năm qua, từ 84 gr/người/ngày (là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010) tăng lên 136,4 gr /người/ngày (năm 2020); khu vực TP tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3 gr/người/ngày (năm 2020).

Đánh giá về xu hướng khẩu phần ăn của người Việt hiện tại, GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý mức tiêu thụ protein từ thịt quá cao tại thành thị là xu hướng không tốt cho sức khỏe. Tại Mỹ, mức tiêu thụ thịt được khuyến cáo 0,9 gr/kg cân nặng, thấp hơn so với khuyến cáo của Việt Nam, hiện đang ở mức 1,2 -1,4 gr thịt/kg cân nặng/ngày. Nếu lao động nặng, mức khuyến cáo 2,2 gr thịt/kg cân nặng/ngày. Đặc biệt, thịt đỏ không nên ăn quá 70 gr/người/ngày.

Thảo luận tại lễ công bố, một số chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, cơ cấu sinh năng lượng từ protein (đạm), lipid (chất béo), và glucid (chất bột đường) năm 2020 là: 15,8%; 20,2% và 64,0% (tỷ lệ % so với tổng năng lượng ăn vào). Cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt tăng cao tại thành thị, và trong thịt vẫn có mỡ, do đó lượng mỡ động vật tiêu thụ thực tế có thể cao hơn. Việc ăn nhiều quá mức thịt, mỡ động vật làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và các bệnh về tim mạch, huyết áp, lâu dài tăng nguy cơ đột quỵ. Đây là vấn đề dinh dưỡng cần được thay đổi.

Tại các trường học ở TP có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh, chế biến sẵn. Theo PGS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như: thịt hun khói, xúc xích, dưa muối, cà muối (đóng hộp) thường là những thực phẩm nghèo vi chất dinh dưỡng và nhiều muối. Đó là yếu tố liên quan tiêu thụ muối của người Việt Nam hiện nay.

“Chúng ta đang ở mức xấp xỉ 10 gr muối/người/ngày, trong khi khuyến cáo của WHO chỉ 5 gr muối/người/ngày. Chúng ta đang tiêu thụ muối nhiều gấp đôi và tiêu thụ rau lại chỉ bằng 1/2 so với khuyến cáo của WHO, đó là lý do khiến các bệnh về tim mạch đái tháo đường gia tăng nhanh”, PGS Mai khuyến cáo.

chiều cao trung bình
Đồ họa: Đông Xuân

Gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì

Cũng theo kết quả điều tra, đã có sự thay đổi mạnh về chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi. Cụ thể, năm 2020 chỉ số này đạt 168,1 cm ở nhóm nam thanh niên 18 tuổi (tăng 3,7 cm so với năm 2010: 164,4 cm). Chiều cao trung bình của nữ 19 tuổi năm 2020 đạt 156,2 cm (tăng 1,4 cm so với năm 2010: 154,8 cm).

Tuy nhiên, BS Sơn lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi 5 – 19 vẫn gia tăng trong 10 năm qua, từ 8,5% (năm 2010) đã tăng lên thành 19 % năm 2020. Trong đó, tỷ lệ Thừa cân béo phì khu vực thành thị đã lên đến 26,8%, nông thôn 18,3% và miền núi là 6,9%. Thừa cân béo phì gây các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường thể 2.

Theo điều tra, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6 – 59 tháng tuổi giảm xuống 58,0%, ở phụ nữ có thai giảm xuống 63,5% nhưng tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6 – 59 tháng tuổi ở miền núi phía bắc (67,7%) và Tây nguyên (66,6%). Đặc biệt ở khu vực TP, trong 5 năm qua (2015 – 2020) tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6 – 59 tháng tuổi ở mức nặng vẫn chiếm 49,6% và hầu như chưa cải thiện. Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5 – 9 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ 4,9%.

“Vi chất ảnh hưởng đến dinh dưỡng và phát triển chiều cao của người dân, thiếu vi chất là “nạn đói tiềm ẩn”. Thiếu vi chất như vitamin A, kẽm, sắt, can xi, i ốt…, cơ thể không cảm thấy đói. Nhưng khi thể hiện và phát hiện được thì đã gây hậu quả, trong đó có tình trạng thấp còi. Do đó, bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường cần đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ các vi chất”, BS Sơn lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, điều tra dinh dưỡng quốc gia 2019 – 2020 thực hiện trên 22.400 hộ gia đình trên cả nước. Từ kết quả điều tra dinh dưỡng 2019 – 2020, chúng ta có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược can thiệp dinh dưỡng đến năm 2030 phù hợp với các nhóm đối tượng, vùng miền.

Theo: Thanh Niên

 

HongLien

Related post