Sự việc một loạt siêu thị tiện lợi “bị lật tẩy” đưa các loại rau không đủ tiêu chuẩn, trộn lẫn nhãn mác vào, đang gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, với cách xử lý của các tổ chức kinh doanh là dừng hợp tác với các bên đầu mối “có vấn đề”, càng khiến cộng đồng phản ứng. Bởi lẽ, mọi người cần một phép ứng xử “sạch” trong vấn đề cung ứng thực phẩm, chứ không chỉ là miếng ăn!
Trước sự vụ này, dư luận đã từng có một đợt ầm ĩ khi phát hiện ra một số loại rau có mặt trong các siêu thị không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm. Sự việc nhanh chóng đi vào quên lãng với những lời hứa chấn chỉnh từ các nhà quản lý và quản trị kinh doanh.
Ở sự vụ “rau chợ” trộn lẫn lần này, cách hành xử của các bên kinh doanh cũng có vẻ “bổn cũ soạn lại”, khi chỉ đề cập, lên án những tên tuổi nhà cung ứng nào bị phanh phui ra. Còn bản chất vấn đề nằm trong chính quy trình, quy định tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị, việc kiểm soát, giám sát của đơn vị nhập hàng, bán ra tại siêu thị vẫn không được đề cập.
Vấn đề chỉ “nóng” hẳn, khi một số cơ quan công luận đề cập đến nguy cơ có một số loại rau quả xuất xứ Trung Quốc giả nhãn mác nông sản Việt để đi vào các siêu thị. Thông tin này làm thổi bùng dư luận, và dù có các luận chứng cho thấy không hẳn như vậy, nhưng cộng đồng đều đề nghị phải có sự giám định minh bạch hơn từ các cấp quản lý nhà nước.
Vậy là vấn đề giám sát, kiểm soát hàng hóa trước khi nhập vào các siêu thị, để đảm bảo giữ đúng cam kết với người tiêu dùng về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đã được báo chí và dư luận quan tâm rõ ràng.
Quan trọng hơn, phía sau sự việc, dư luận yêu cầu các tổ chức kinh doanh siêu thị phải chính thức trình bày trách nhiệm của mình, về hàng hóa thực phẩm. Bởi lẽ nếu chỉ dừng lại ở việc dừng hợp tác với các đơn vị có vấn đề, thì trong thời gian qua, các loại rau không rõ nguồn gốc nhập vào siêu thị, đã bán cho người tiêu dùng, ai sẽ chịu trách nhiệm phản hồi?
Điều dư luận trông đợi, không phải là các siêu thị dừng việc nhập hàng hóa thực phẩm có vấn đề, mà ngay từ đầu, vấn đề này có được kiểm soát hay không và khi đã xảy ra sự cố, phép ứng xử của người kinh doanh ra sao?
Một nhà tư vấn xã hội đã phát biểu trên mạng xã hội, rằng “đã đến lúc chúng ta không chỉ cần những miếng ăn sạch, mà còn cần những phép giao tiếp “sạch””.
Môi trường cuộc sống lâu nay, do những ảnh hưởng tiêu cực trong quản lý kinh doanh, hoạt động thị trường, mà xuất hiện hiện tượng thực phẩm “bẩn” tồn tại ở trên bàn ăn mỗi gia đình. Những cảnh báo về sức khỏe, theo đó đã hiển thị khắp nơi, trở thành hồi chuông báo động với mọi gia đình, mọi cá nhân. Song đó là những tương tác, giao tế về mặt sinh hoạt tiêu dùng, và người ta dễ dàng bỏ qua, hoặc thông đồng vì những lý do khác nhau.
Vấn đề nghiêm trọng, là cả xã hội ai cũng nhìn thấy sự bất cập đó trong lĩnh vực kinh doanh, cung ứng lương thực, thực phẩm, song không ai đấu tranh làm rõ, không có cơ quan chức năng nào thực tế đối mặt để yêu cầu các cấp ngành quản lý, các cơ quan chuyên môn phải có giải pháp dứt điểm.
Xã hội quen với cảnh một vụ ngộ độc tập thể xảy ra, các cơ quan y tế lo cứu chữa, các cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt, truy tố… bên trực tiếp xảy ra sự việc. Còn những bên liên quan, những đầu mối cung ứng nguyên vật liệu, có trách nhiệm giám sát, theo dõi, lại không hề thấy thông tin phản hồi nào.
Do đó, khi những cảnh báo không an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa ra ở một hệ thống siêu thị hay chợ búa, những người quản lý chỉ nói lời xin lỗi và hứa sẽ nghiêm túc xử lý, ngăn ngừa, thế là xong. Những hợp đồng cung ứng hàng hóa thực phẩm trước đó, quy trình giám sát, tổ chức kinh doanh thực phẩm trước đó, liệu có tiềm ẩn những nguy cơ gì, gần như không được ai đề cập đến, và dư luận lại dễ dãi bỏ qua.
Một nhà tâm lý học nhìn nhận, cách ứng xử của xã hội chúng ta đơn thuần như với một đứa trẻ, khi nó bị ngã, chỉ cần tỏ ra giận dữ, giẫm lên đất, đánh vào bàn ghế gần đó, là xoa dịu được sự ấm ức của đứa trẻ, thế là xong. Còn trách nhiệm của người lớn trong việc theo dõi, bảo vệ đứa trẻ đó, việc dọn dẹp ngăn nắp để cho đứa trẻ an toàn khi di chuyển, sẽ không có ai lưu ý hết. Sự việc rau “dỏm” đi vào siêu thị, hay hàng Trung Quốc gắn mác nông sản Việt hiện diện trên các quầy kệ siêu thị, nếu không làm rõ, không có sự minh bạch thông tin từ các nhà quản lý, kinh doanh, thì cũng sẽ giống cách xử lý với một đứa trẻ mà thôi.
Phải chăng, đã đến lúc nên có cách nhìn nhận lại vấn đề nghiêm túc như vậy, để xã hội không còn tái lặp lại những cảnh tượng, sự việc và sai lầm đã có? Những bó rau có vấn đề ở trong siêu thị, phải chăng chính là những sai sót có vấn đề, nằm trong phép tắc ứng xử đạo đức, trách nhiệm trong xã hội chúng ta?