Hướng dẫn cách xông mũi, họng tại nhà
Xông mũi họng là phương pháp được bộ y tế khuyến cáo dùng để hỗ trợ việc điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Hãy cùng theo dõi bài viết sau để biết được đâu là cách xông mũi họng tại nhà an toàn và hiệu quả nhé!
Trong đợt dịch Covid-19, nhiều trường hợp F0 thể nhẹ đã được điều trị bằng phương pháp xông mũi, họng, giúp hỗ trợ điều trị bệnh, cũng như sát khuẩn vùng hầu họng. Đây là liệu pháp dùng nhiệt kết hợp với dược liệu có tính kháng khuẩn cao.
Xông mũi họng là phương pháp được bộ y tế khuyến cáo
Xông mũi họng bằng thảo dược có chỉ định rộng rãi trong các trường hợp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm đường hô hấp trên do virus, vi khuẩn, làm sạch và thông thoáng đường hô hấp trước các điều kiện bất lợi của thời tiết cũng như ô nhiễm môi trường…
Cách xông mũi họng tại nhà hiệu quả
Xông mũi họng là phương pháp được bộ y tế khuyến cáo trong các phác đồ để phòng, chống và điều trị Covid-19. Phương pháp này vô cùng hiệu quả đối với việc làm sạch đường hô hấp, sát khuẩn đường hô hấp, cũng như là hỗ trợ tiêu diệt virus và nâng cao sức khỏe đường hô hấp. Sau đây là cách xông mũi họng an toàn và hiệu quả nhất.
Đầu tiên chuẩn bị nguyên liệu xông, có thể mua lá ở ngoài hàng, các thảo dược có tính sát khuẩn, hoặc đơn giản hơn có thể mua ở dạng túi lọc làm sẵn, vô cùng tiện lợi. Tiếp theo chuẩn bị 1 bình ủ, hoặc ấm siêu tốc. Tùy vào dung tích vật chứa mà có thể cho 1, 2 hoặc 4 túi lọc vào. Tiếp theo chuẩn bị 1 cái khăn để trùm phần mặt và đầu để việc xông diễn ra an toàn và hiệu quả. Cách thực hiện như sau:
- Trước khi xông nên uống 1 ly nước ấm.
- Cho 2 – 4 gói trà túi lọc vào để hơi nước bốc lên.
- Khi hơi nước bắt đầu bốc lên sẽ tiến hành xông.
- Mùi thảo dược bốc lên dễ chịu, mùi tinh dầu nhẹ nhàng thư thái.
Những lưu ý khi xông mũi họng tại nhà
Xông mũi họng hầu như không có chống chỉ định do chỉ xông diện tích nhỏ, tuy nhiên cũng có những lưu ý sau:
- Giữ an toàn khi xông, tránh xông sát phần niêm mạc quá có khả năng gây bỏng rát niêm mạc mũi họng.
- Thời gian xông từ 10-15 phút. Không nên xông quá lâu.
- Không nên xông các loại tinh dầu hay dầu nóng có tính cay nóng mạnh như tỏi, dầu gió, dầu cù là vì dễ gây nguy cơ bỏng rát đường hô hấp, cay mắt.
- Nên mua các loại lá thảo dược tự nhiên theo bài thuốc về xông, hoặc túi dược liệu đóng sẵn về xông, tránh mua các loại tinh dầu có thành phần hoá chất.
- Khi kết thúc quá trình xông nên hé mở khăn ra từ từ để cơ thể thích ứng dần với sự thay đổi môi trường.
- Sau khi xông, có thể lấy nước xông pha chút muối loãng để súc họng 4 – 5 lần/ngày để làm sạch vùng họng.
- Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.
Theo bác sĩ Nguyễn Hà My, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội.
Ngoài ra, sử dụng nguyên liệu là chanh, gừng, sả để xông cũng rất phổ biến, các bạn có thể làm theo như sau:
Cho vào nồi 3-5 cây sả và nhánh gừng, hoặc sả kết hợp với vài tép tỏi, đun sôi, lấy khăn trùm lên qua đầu, đưa mặt vào gần nồi để xông mũi.
Hỗn hợp sau khi đun sôi, bạn chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng.
Hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.
Xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi, tạo cảm giác thư giãn thoải mái.
Thời gian mỗi lần xông khoảng 20 phút. Sau khi xông xong lau khô, giữ ấm và tránh gió.
Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng; nên xông hơi một mình, tần suất tốt nhất là một ngày một lần. Bên cạnh đó, tuân thủ những phương pháp phòng ngừa Covid-19.
Theo VNE