Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó lường
Thời gian qua, thời tiết mưa mắc thất thường khiến số mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Tình hình dịch bệnh SXH sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường khi ngành Y tế dự báo, tháng 9 và tháng 10 sẽ là cao điểm của dịch. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh mang lại.
Số ca bệnh mới liên tục tăng cao
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), tính từ đầu năm đến ngày 20/9, toàn tỉnh ghi nhận 5.897 ca bệnh SXH, trong đó có 5.801 ca mắc SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 96 ca mắc SXH Dengue nặng và 6 trường hợp tử vong. Dịch SXH xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại TP. Buôn Ma Thuột (980 ca) và các huyện Krông Pắc (708 ca), Ea H’leo (475 ca), Ea Kar (445 ca), Ea Súp (399 ca).
Đáng chú ý số ca bệnh liên tục gia tăng trong những ngày gần đây. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tuần qua, toàn tỉnh đã có thêm 422 trường hợp mắc mới SXH (gồm 416 ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo và 6 ca bệnh nặng).
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị mỗi ngày một tăng. Đến ngày 19/9, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho 1.244 bệnh nhân mắc SXH, trong đó bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, sốc và nặng chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, các bệnh nhân có bệnh lý nền về tim, phổi, béo phì…, khi mắc SXH có diễn tiến rất nặng nề. Trước số lượng bệnh nhân SXH gia tăng, hiện khoa Truyền nhiễm đang ở trong tình trạng quá tải bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết, để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân SXH kịp thời, Sở Y tế đã thành lập nhóm Zalo từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và trung ương. Khi gặp trường hợp ca bệnh nặng, các bác sĩ hội chẩn với tuyến trên để tư vấn, trao đổi, chẩn đoán kịp thời để quá trình điều trị bệnh nhân nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế các trường hợp chuyển tuyến không cần thiết.
Phát huy vai trò của cá nhân, gia đình trong phòng chống SXH
Đánh giá của CDC cho thấy, dịch SXH trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức phức tạp. Hàng ngày vẫn ghi nhận số ca mắc SXH lớn, nhưng tâm lý người dân vẫn rất chủ quan. Hầu hết các trường hợp tử vong do SXH trên địa bàn đều do người dân chủ quan, khi bị sốt tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi bệnh trở nặng, nhập viện cấp cứu thì đã quá muộn và dẫn đến tử vong. Trong khi đó, tháng 9 và tháng 10 tới đây được xem là đỉnh dịch của SXH, nếu không có sự chủ động phòng chống thì dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường hơn.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC, hiện nay công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí và mua hóa chất. Do vướng về công tác đấu thầu, thủ tục để mua hóa chất nên đến nay vẫn chưa đủ hóa chất cấp cho các địa phương xử lý dịch.
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, CDC đã chuyển lại nguồn kinh phí cho các huyện để địa phương tự chủ động mua hóa chất. Còn đối với CDC, các thủ tục mua hóa chất đã hoàn thành và đang chờ Sở Tài chính thẩm định giá để mua hóa chất. Với tiến độ này, đến hết tháng 9, CDC sẽ có đủ hóa chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.
Tuy nhiên, thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc cho rằng, để phòng chống dịch SXH hiệu quả, ngoài các hoạt động chuyên môn, ngành y tế đã triển khai rất nhiều biện pháp để cùng với chính quyền địa phương vận động người dân hưởng ứng công tác phòng chống dịch. Trên thực tế, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng người dân có thể phòng bệnh thông qua biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi đốt.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nhất là vào thời điểm tháng 9, tháng 10 – tháng cao điểm của dịch SXH, hằng tuần, mỗi người dân và mỗi gia đình hãy chủ động diệt lăng quăng (bọ gậy) như: thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh; ngủ màn phòng muỗi đốt, ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Đặc biệt, khi có các dấu hiệu mệt mỏi, sốt… người dân không được tự ý điều trị tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.