Đắk Lắk: Hơn 100 tình nguyện viên tham gia điều trị F0 tại nhà
Nhóm tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà ở Đắk Lắk đã thu hút hơn 100 y, bác sĩ, tình nguyện viên cùng các nhà hảo tâm tham gia.
Sáng 2-12, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết bắt đầu thực hiện thí điểm chăm sóc và điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo bác sĩ Nay Phi La, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho thành phố thí điểm thực hiện quản lý và chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà bắt đầu từ ngày 1-12.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện thí điểm đảm bảo hiệu quả, đúng quy định và không gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả sau thời gian thực hiện thí điểm và những khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh khắc phục về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk giao UBND các huyện, thị xã chủ động rà soát năng lực thực tế của địa phương về Trạm y tế lưu động, kế hoạch cung cấp ô-xy y tế, kiện toàn, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc quản lý và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà và đăng ký thực hiện thí điểm trên tinh thần tự nguyện.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ điều phối Trạm y tế lưu động và quản lý F0 tại nhà của cấp huyện để theo dõi sức khỏe người nhiễm, người cách ly y tế tại nhà.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã hình thành một nhóm với hơn 100 tình nguyện viên tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà.
Bác sĩ Phạm Hòa Anh, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, cho biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ông cùng các cộng sự đã thành lập nhóm hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà ở Đắk Lắk.
Hiện nay nhóm đã thu hút hơn 40 bác sĩ, 60 dược sĩ, điều dưỡng cùng hàng chục tình nguyện viên ngoài ngành tham gia. Nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà hảo tâm về kinh phí, trang thiết bị, thuốc điều trị. Trong đó, bác sĩ Võ Xuân Sơn, Trưởng Ban điều hành Chương trình dĩa cơm trên tường và Chương trình ô-xy cho sự sống tại TP HCM, đã trao tặng, cho mượn sử dụng 340 bình ô-xy các loại, 150 đồng hồ đo ô-xy, 100 máy đo SpO2, 300 bộ máy thở, 1 máy tạo ô-xy, hàng trăm gói thuốc điều trị.
Cũng theo bác sĩ Phạm Hòa Anh, nhóm có đầy đủ đội ngũ chuyên môn, đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ các bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.
Đối với các bệnh nhân được y tế địa phương cho điều trị tại nhà, nhóm sẽ tiếp nhận điều trị và phối hợp với y tế phường để theo dõi triệu chứng, kê đơn, giao thuốc, hỗ trợ các thiết bị y tế khác như máy đo SpO2, bình ô-xy đến tận nhà. Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân có diễn biến khác thường thì sẽ được sắp xếp nhập viện.
Bác sĩ Nay Phi La cho biết thêm ngoài việc thành lập các Tổ điều phối trạm y tế lưu động và quản lý F0 tại nhà, việc ra đời nhóm tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà ở Đắk Lắk có ý nghĩa rất thiết thực. Đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn trong nhóm sẽ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các F0 điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị. Điều này, góp phần từng bước tổ chức chăm sóc, điều trị tại nhà cho khoảng 80% người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trên địa bàn tỉnh.
Theo: C. Nguyên (Báo Người Lao Động)