Khoảng thời gian giao mùa từ mùa thu sang mùa đông, thời tiết thay đổi một cách đột ngột, độ ẩm không khí cao,…Là các điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh cho con người.Đặc biệt là ở trẻ em, người già, người có sức đề kháng kém.
I. Cảm cúm
Những đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người sức đề kháng kém. Triệu chứng đầu tiên của cảm cúm là sốt, ngứa, đau rát họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, xung huyết mắt, cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, có thể sốt đến 39 độ C. Triệu chứng ho thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi.
Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 1 tuần với các biểu hiện nhẹ nên gây tâm lí chủ quan cho người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp cảm cúm có thể tiến triển nặng thành viêm phổi, hoặc nguy hiểm hơn là suy hô hấp.
Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cảm cúm có thể gây biến chứng phổi hoặc sảy thai. Nếu thai phụ mắc bệnh trong 3 tháng đầu có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng bệnh lý, nhất là về hệ thần kinh trung ương…
II. Viêm phổi
Khí hậu hanh khô khi chuyển thu hay lạnh giá vào mùa đông, phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Khi phổi bị viêm, các phế nang bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là vùng não bị thiếu dưỡng khí. Bệnh viêm phổi vẫn có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong.
Triệu chứng hay gặp nhất là bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, dấu hiệu ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. Người mắc còn có thể có hiện tượng tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh…
Khi có những dấu hiệu như trên và thấy dấu hiệu sức khỏe yếu đi, mệt mỏi… đặc biệt nặng ngực cần phải đi đến các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh.
Hơn hết, để phòng tránh bệnh viêm phổi, các bác sĩ đưa ra lời khuyên cần chú ý rèn luyện sức khoẻ để tăng cường sức đề kháng. Với trẻ em, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất trong những ngày chuyển mùa.
III. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi.
Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.
Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.
IV. Dị ứng da
Hiện nay, dị ứng thời tiết là bệnh lý rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Dị ứng thời tiết thực chất là do thay đổi nhiệt độ nóng-lạnh hoặc độ ẩm ảnh hướng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc là thay đổi nổng độ phấn hoa trong không khí. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có các biểu hiện như da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, và có các mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Để phòng bệnh, bạn có thể bôi kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cơ thể hàng ngày…
V. Đau xương khớp
Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động.
Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.
Người bị bệnh đau xương khớp phải chú ý phòng rét và mặc cho ấm, nhất là sau khi ra mồi hôi, không nên tắm bằng nước lạnh.
VI. Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa
- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng
- Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi
- Tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ
- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch
- Giữ ấm cơ thể
- Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ