Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 24/2 cho biết năm nay Việt Nam dự kiến nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 từ Liên minh Covax, 30 triệu liều của AstraZeneca và 30 triệu liều Pfizer.
“Theo lộ trình như vậy, năm 2021 Bộ Y tế đảm bảo không có chuyện thiếu hụt vaccine Covid-19”, Bộ trưởng Long nói trong cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 24/2.
Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình Covax cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021. Dự kiến trong tuần này, Covax sẽ thông báo chính thức số lượng vaccine cung cấp cho mỗi quốc gia.
Bộ Y tế mua 30 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca, thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC). Lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca tại TP HCM trong sáng 24/2.
Bộ cũng đang đàm phán mua vaccine Pfizer của Mỹ, khả năng cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Vaccine này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ -75 độ C, tiêm trong vòng 5 ngày. Theo Bộ trưởng Long, cần tham khảo bài học kinh nghiệm của Mỹ là phải hủy bỏ 50% vaccine này do không đảm bảo điều kiện bảo quản.
Hệ thống tiêm chủng quốc gia của Việt Nam hiện không thể đáp ứng điều kiện bảo quản vaccine Pfizer. Bộ trưởng Long đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Y tế tiếp tục đàm phán, huy động các nguồn xã hội hóa, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam, tăng độ bao phủ tiêm vaccine.
“Hiện nay có những đơn vị tư nhân sở hữu dây chuyền lạnh đủ điều kiện bảo quản, đảm bảo tài chính, năng lực chuyên môn”, ông Long nói.
Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty và quốc gia để có thêm vaccine. Tuần này Bộ sẽ họp bàn việc cấp phép cho vaccine Sputnik V của Nga, có thể cung ứng tới 50-60 triệu liều.
Việt Nam có hai vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm là Nanocovax của Công ty Nanogen và vaccine IVAC, có hiệu quả bước đầu rất tốt.
Theo ông Long, Bộ Y tế đang chuẩn bị kịch bản tiêm, đẩy nhanh tiến trình tiêm, đảm bảo độ bao phủ càng nhanh càng tốt để có thể sớm vực dậy nền kinh tế.
11 nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đã công bố hôm qua, gồm người làm việc trong các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên tham gia phòng chống dịch, lực lượng biên phòng tại các điểm chốt, công an tại khu cách ly, nhân viên xét nghiệm, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, giáo viên, người trên 65 tuổi mắc bệnh mạn tính, một số nhóm khác như tình nguyện viên, phóng viên tham gia chống dịch, người sống tại vùng dịch…
Theo lộ trình cung ứng vaccine trong năm 2021 đang xây dựng, quý một Việt Nam dự kiến nhận khoảng 1,3 triệu liều, quý 2 khoảng 9,5 triệu, quý 3 là 25,9 triệu liều, quý 4 có 51,1 triệu liều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá một trong những nguyên nhân quan trọng giúp giảm số ca mắc trên thế giới thời gian qua là có vaccine. Bộ Chính trị đã kết luận mua vaccine bằng nguồn ngân sách cùng các nguồn hợp pháp khác với yêu cầu công khai, minh bạch, kịp thời.
“Cần khẩn trương có vaccine cho nhân dân trong thời gian sớm nhất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế dự thảo nghị quyết ban hành trong hôm nay về tiêm vaccine, những đối tượng được ưu tiên miễn phí.
“Dù có vaccine cũng cần chú ý công tác phòng bệnh với thông điệp 5K, không phải vì có vaccine mà chủ quan phòng dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Phương (Vnexpress)