8 Dấu hiệu nhận biết dị ứng, phản vệ khi tiêm Vắc Xin Covid-19

 8 Dấu hiệu nhận biết dị ứng, phản vệ khi tiêm Vắc Xin Covid-19

Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đang đẩy mạnh tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ khi tiêm vắc xin Covid-19 khiến nhiều người lo lắng. Vậy dấu hiệu nhận biết phản vệ khi tiêm vắc-xin Covid-19 là gì? Xem ngay bài viết này để bảo vệ cho bạn và người thân. Đồng thời kịp thông báo cho cơ quan y tế để đưa ra chẩn đoán và xử lý kịp lúc.

Thế nào là sốc phản vệ khi tiêm Covid-19?

Phản vệ khi tiêm Covid-19 thực tế cũng là phản ứng dị ứng của cơ thể. Thời gian xuất hiện có thể vài giây, vài phút, vài giờ sau khi tiêm. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong một vài phút. Bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

8 dấu hiệu bị phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 được chuyên gia khuyến cáo bao gồm:

  • Ở miệng: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
  • Ở da: phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
  • Ở họng: cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
  • Về thần kinh: triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
  • Về tim mạch: dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
  • Đường tiêu hóa: dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
  • Đường hô hấp: dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
  • Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Các mức độ phản vệ

Có 4 mức độ phản vệ nhanh diễn tiến nặng. Phản vệ độ 2 có thể nhanh chóng chuyển sang độ 3, 4 nhưng cũng có khi mức độ phản vệ nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự, cần phải khẩn trương xử trí.

  • Mức nhẹ (độ I): chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
  • Mức nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh; khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
  • Mức nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm: đường thở (tiếng rít thanh quản, phù thanh quản), thở (nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở); rối loạn ý thức (vật vã, hôn mê, co giật); tuần hoàn (sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp).
  • Mức độ IV với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19

Trong số các trường hợp gặp phản ứng sau tiêm ngừa Covid-19 thời gian qua là mức độ nhẹ, có khoảng 0,7% là phản ứng phản vệ. Trong các trường hợp phản ứng phản vệ (độ 2 và 3), chỉ có 1 người phản ứng độ 3, còn lại là độ 2.

Khi đến điểm tiêm, bạn cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh của bản thân cho bác sĩ khám sàng lọc, thực hiện theo dõi sau tiêm theo hướng dẫn và báo ngay cho cán bộ y tế theo số điện thoại ghi trong phiếu tiêm chủng để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cảnh báo, những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên không nên tiêm liều thứ hai.

Đối với người nhà của người sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 việc cần làm là liên hệ số điện thoại hotline trên tờ giấy “Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng” đã được phát vào ngày đi tiêm vắc xin, đồng thời nhanh chóng đưa người được tiêm chủng có những dấu hiệu nguy hiểm như trên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất.

>> Xem thêm: 1 nữ công nhân tử vong sau tiêm vắc xin tại Thanh Hóa

Khi bị sốc phản vệ ở mũi tiêm 1 có nên tiêm mũi 2 hay không?

Theo Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 và Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 15/7/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thì nếu người được tiêm chủng có phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên hoặc bị sốc phản vệ sau mũi tiêm vắc xin đầu tiên thì chống chỉ định tiêm mũi vắc xin thứ hai.

“Nếu người được tiêm chủng chỉ gặp những phản ứng phản vệ mức độ 1 sau tiêm vắc xin mũi đầu tiên (là những triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như nổi mày đay, ngứa, phù mạch) thì vẫn được chỉ định tiêm vắc xin mũi thứ hai.

Lưu ý mũi tiêm thứ hai thì người được tiêm chủng cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Người nhà cần theo dõi sức khoẻ của người được tiêm chủng 24/24 giờ trong ngày và ít nhất là 3 ngày đầu tiên sau tiêm vắc xin. Việc sử dụng các thuốc kháng dị ứng (nếu có) phải được chỉ định bởi bác sĩ.

Tổng hợp thông tin từ Bệnh Viện 175

HongLien

Related post