Nhân duyên sinh

 Nhân duyên sinh
Nhân duyên sinh (因縁生)
Mình sẽ chia thành phần: duyên phận và giáo lý nhân duyên sinh
(1) Đến và đi là do duyên phận, cũng như nước chảy hoa trôi, là một quy luật muôn đời
Mỗi người đều có những cuộc gặp mà suốt đời này không thể nào quên, có những cuộc gặp là mãi mãi, nhưng cũng có những cuộc gặp sớm gãy gánh giữa đường.
Duyên phận là điều gì đó rất kỳ lạ, không ai có thể thực sự nói rõ về nó. Có thể hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau. Có thể hài hòa với nhau, mà không thể gần nhau. Không cố ý theo đuổi thì có, chú tâm cố gắng lại chẳng thành. Như là “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.
Mọi người thường nói, duyên do trời định, phận do nhân định. Đúng là như thế, gặp nhau là ý trời, bên nhau là ý người. Dựa vào đôi bên gìn giữ, phát triển thì duyên một lần gặp gỡ mới thành mối phận trăm năm. Nhưng duyên phận dài ngắn thế nào lại chẳng ai hay, ai biết? Một năm, năm năm, cả đời? Hết thảy chúng ta đều không đoán được.
Hôm nay, có duyên phận không có nghĩa là vĩnh viễn sẽ có duyên phận. Nhà Phật bàn về nhân duyên rằng, cái gì cũng chỉ có thời điểm, duyên phận cũng vậy. Bởi thế mà phải nắm thật chắc, giữ thật chặt, hết lòng quý trọng. Đó là món quà trời ban, chỉ trong một giây, một khắc, một đoạn.
Mất đi rồi cũng không nên ủ rũ, càng không thể cảm thấy cả thế giới sụp đổ vì duyên đã hết, phận đã đứt, cưỡng cầu chỉ thêm đau lòng. Người mất đi nhất định không phải người thích hợp nhất, vật mất đi nhất định không phải vật tốt đẹp nhất. Mất đi chỉ chứng minh rằng ta với người chẳng qua là cùng nhau đi một đoạn đường, gặp rồi chia, ly rồi hợp.
Kỳ thực, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều là không thể lý giải. Chính bởi điều này mà khiến cho con người ta lúc nào cũng tràn đầy suy tưởng. Con người sống trên thế gian dường như là theo sự an bài sẵn vậy! Một người, trong cuộc đời của mình, đến thời điểm nào sẽ gặp ai, sự tình gì đều là đã được định sẵn.
Cổ nhân có câu “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, có ý rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm. Còn nếu điều gì không được sắp đặt trước rồi thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó?
Làm người học được cách điềm nhiên đối đãi với hết thảy, dùng bình tĩnh để đối đãi với mọi sự công bằng và bất công bằng trong cuộc sống, thản nhiên tiếp nhận mọi sự an bài hợp ý và không hợp ý mình. Ấy mới là cách đối đãi của bậc trí huệ.
Kiếp trước ta ngoái đầu lại nhìn 500 lần, thì kiếp này mới cho gặp; tu trăm kiếp mới được đi chung chiếc thuyền và tu ngàn kiếp mới chung chăn gối.
Duyên đến không cần phải vui mừng quá đỗi, duyên đi cũng không cần phải khóc lóc thảm thiết.
– Không có tình yêu thì bên cạnh bạn vẫn có bạn bè.
– Không có bạn bè tri kỷ thì bên cạnh bạn vẫn còn có gia đình.
– Không có gia đình thì bạn vẫn còn sinh mệnh của chính mình.
Duyên hợp, duyên tan đều lưu lại một điều gì đó tốt đẹp và một chút tiếc nuối. Trong sinh mệnh mỗi người, điều gì là của bạn thì sẽ không mất, còn như điều gì không là của bạn thì cuối cùng cũng không thuộc về bạn.
Mọi sự tùy duyên, điều gì qua đi thì hãy buông bỏ để nó qua đi, nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại, như vậy mới sống được tự nhiên. Còn nếu như cố gắng níu giữ thì chỉ khiến bạn sống triền miên trong vô vọng và tâm linh bị đè nặng mà thôi.
Con người thế gian, nếu như so đo, tính toán quá nhiều thì sẽ tạo thành một loại ràng buộc, bị mê lạc quá lâu thì sẽ tạo thành một loại gánh nặng. Vì vậy, không cần quá để ý, khi có được điều gì hãy thật lòng trân quý, khi mất đi điều gì cũng đừng đau khổ tiếc nuối. Để ý quá nhiều, quá sâu sẽ khiến bạn mất đi một nửa hạnh phúc, xem nhẹ hết thảy sẽ khiến cuộc sống thăng hoa hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
“Có duyên mà không có phận, có phận mà không có duyên” đều là một phần trong sinh mệnh, nó không nên trở thành bước đệm dẫn bạn đến bước đường cùng của cuộc đời. Đừng vì “duyên đi” mà sinh ra tâm oán thù, lòng oán hận.
Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do, tự tại thực sự. Sống thuận theo tự nhiên là một loại trí tuệ, cũng là một loại cảnh giới cao của người giác ngộ. Chúng ta suy nghĩ duyên đến và đi như nước chảy, hoa trôi thì sống nhẹ nhàng hơn.
(2) Giáo lý nhân duyên sinh (因縁生)
Nhân duyên sinh là một trong những giáo lý quan trọng nhất của nhà Phật. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm “loài hữu tình” cứ mãi vướng mắc trong luân hồi.
Mười hai nhân duyên cụ thể như sau:
(1) Vô minh (無明) là sự nhận thức sai lầm bản ngã và thế giới;
(2) Vô minh sinh hành (行) là hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý;
(3) Hành sinh thức (識) làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như hành do tốt xấu quy định;
(4) Thức sinh danh sắc (名色) là toàn bộ tâm lý và vật lý của bào thai mới, do ngũ uẩn tạo thành;
(5) Danh sắc sinh lục nhập (六根) là các cặp cơ quan, đối tượng của giác quan, lục nhập = sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) + sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp);
(6) Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là xúc (觸);
(7) Xúc sinh thụ (受), là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
(8) Thụ sinh ái (愛), tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;
(9) Ái sinh thủ (取) là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;
(10) Thủ dẫn đến hữu (有) là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới;
(11) Hữu dẫn đến sinh (生), là sinh y, là cuộc sống hàng ngày bao gồm dục tức là tham ái và lòng ham muốn;
(12) Sinh sinh ra lão tử (老死), vì có sinh nên có hoại diệt.
Người ta có thể nhìn mười hai nhân duyên dưới nhiều cách phân tích khác nhau. Cách phân tích thông thường có tính thời gian là: yếu tố 1-2 thuộc về đời sống trước đây, yếu tố 3-7 là điều kiện và nguyên nhân sinh thành của đời sống sau này, yếu tố 8-10 là kết quả trong đời sống này, yếu tố 11-12 chỉ đời sống tương lai.

Related post