Xăng dầu đột nhiên khan hiếm – Nguyên nhân do đâu?

Cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu (đầu mối), nhưng thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu.

Các tỉnh phía Nam nhiều nơi hết xăng dầu

Chiều tối 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, 121/550 cửa hàng tạm hết hàng. Các cửa hàng có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp. Rất nhiều người dân phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới có thể đổ xăng, thậm chí nhiều người phải chạy vài quận mới có thể đổ xăng.

Hầu hết các cây xăng đều đang trong tình  “chờ đơn vị cung cấp giao hàng”.

Tình hình thiếu nguồn cung ứng xăng dẫn đến phát sinh nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm bán lẻ, không có tình trạng găm hàng.

Tính đến chiều 10/10, TP Thủ Đức xảy ra tình trạng hết xăng nghiêm trọng nhất khi có đến 21 cây xăng ngừng phục vụ hoặc hết xăng, chỉ bán dầu. Xếp kế tiếp danh sách hết xăng là địa bàn quận 12 với 17 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi 14 cửa hàng…

Tại Đồng Nai, Bình Dương và nhiều tỉnh thành lân cận cũng xuất hiện nhiều cây xăng đóng cửa không bán xăng hoặc chỉ bán nhỏ giọt

Tới nay tình trạng này đang được cải thiện. Trong số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Petrolimex có sự chuyển biến tích cực nhưng nhiều thời điểm trong ngày cũng phải ngừng bán vì đợi xe bồn cấp thêm xăng.

Nguyên nhân khiến hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa

Trong thông báo mới nhất về tình hình xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Vì thế, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Kết hợp với việc phải chiết khấu cho các đại lý cấp thấp hơn dẫn tới tình trạng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp.

Những nguyên do trên khiến nhiều cây xăng xin nghỉ bán, người dân đổ dồn tới các cây xăng đang mở tạo nên tình trạng hỗn loạn, người dân xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ để đổ.

Trước tình hình đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cửa hàng, doanh nghiệp đầu mối phân phối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu thích hợp. Ngoài ra hạn mức nhập khẩu mới cũng đã được Bộ phê duyệt để bảo đảm cung cấp xăng dầu ra thị trường.

Nguồn cung xăng dầu có đủ cung cấp trong nước?

Bộ Công Thương khẳng định: Dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3…

Bộ còn cho biết qua trao đổi thì các doanh nghiệp đầu mối vẫn cam kết nhập hàng liên tục để đáp ứng nhu cầu trong nước

Xem thêm: Xem xét điều chỉnh chi phí vận chuyển xăng dầu vào kỳ điều hành 11/10

Mỹ Duyên

Exit mobile version