“Ngộ độc” khi đọc sách self-help: Đọc với trí tuệ tỉnh táo và khoa học, tránh ngây ngất, chìm đắm vào những lời tán dương thiếu thực tế…
Hầu hết mọi ca “ngộ độc sách self-help” đều đến từ việc thiếu hiểu biết và trải nghiệm thực tế, mà chỉ áp dụng một cách máy móc lý thuyết self-help vào cuộc sống.
Nếu hỏi Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Đọc vị bất kỳ ai, Cha giàu cha nghèo, Tôi tài giỏi bạn cũng thế… có phải là sách self-help không? Hầu như tất cả sẽ đồng thanh là “phải”.
Nhưng nếu hỏi, Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh, Hành trình nội tại của Osho hay sách dạy nấu ăn, sách tự học thiết kế đồ họa có phải self-help không, chắc chắn cái nhận được là một khoảng lặng của phân vân.
Cơ bản là vì chưa hề có một định nghĩa và khoanh vùng rạch ròi đối với dòng sách self-help. Chiếu theo tên gọi, nó có thể bao gồm mọi đầu sách giúp người đọc giải quyết một vấn đề bất kỳ trong cuộc sống của họ.
Nhưng những người chê bai self-help thường bỏ qua thao tác định nghĩa và xếp loại quan trọng này. Họ có thói quen phê bình hai tiếng “self-help” một cách chung chung, nhặt nhạnh luận cứ ở đây một ít, ở kia một ít để làm thành một bài phê bình.
Sự chán ghét self-help dâng lên cao tới mức dường như hình thành hẳn một trào lưu “bài trừ self-help”, đối trọng với trào lưu “tôn vinh self-help”.
Bài viết này không bài trừ, cũng không xiển dương self-help, vì người viết tin rằng không có sự tồn tại sách vở nào đặc biệt có giá trị hơn một sự tồn tại sách vở khác.
Với những dòng sách gây tranh cãi như self-help hay ngôn tình chẳng hạn, chúng ta chỉ cần lựa chọn: hoặc là đọc, hoặc là không đọc.
Việc buộc tội hay chiêu tuyết cho sách self-help là không cần thiết, chí ít với tư cách người đọc. Bởi vì chúng ta hoàn toàn không thể thấu triệt được cách người khác đọc self-help cũng như cách self-help tác động lên cuộc đời họ thế nào.
Bài viết này, mặt khác, đưa ra một đề xuất về cách đọc sách self-help sao cho hiệu quả:
– Thứ nhất, luôn đọc sách với trí tuệ tỉnh táo và khoa học. Tránh ngây ngất, chìm đắm vào các câu chuyện kể, những lời tán dương thiếu thực tế.
Nếu xem sách như thuốc mê, ru ngủ thực tại, thì sách lúc này không còn là “hạt giống tâm hồn” mà sẽ thành “hạt giống tâm thần”. Đọc sách đúng không phải là tìm cảm giác ngây ngất.
– Thứ hai, chọn kỹ sách trước khi đọc.
– Thứ ba, luôn tâm niệm “lý thuyết chỉ là lý thuyết”.
Hầu hết mọi ca “ngộ độc sách self-help” đều đến từ việc thiếu hiểu biết và trải nghiệm thực tế, mà chỉ áp dụng một cách máy móc lý thuyết self-help vào cuộc sống.
Việc này sản sinh ra những cá nhân ảo tưởng sức mạnh, tin mù quáng vào sự thay đổi, trong khi bản thân lại không biết cách thay đổi và không chịu lao động để thay đổi.
Thay lời kết, tôi tin rằng không có cuốn sách self-help nào áp dụng tuyệt đối cho tất cả mọi người.
Cuốn sách hoàn hảo nhất là cuốn sách do mình tự viết ra, với những lời khuyên cho sự tiến bộ của riêng mình, những giải pháp cho các vấn đề mình mắc phải. Đó là cuốn sách mà bạn nên viết mỗi ngày, và ngay chính lúc này, về cuộc đời của chính bạn!
>> Thắp ước mơ nơi rừng thẳm: Vợ chồng Ba Na truyền cảm hứng
Theo MK
Trí thức trẻ