Luật nhân quả
Luật nhân quả
(the law of cause and effect)
Nhân quả chữ Hán, nhân: có nghĩa là hạt; quả: có nghĩa là trái; gồm chung hai chữ nhân quả lại nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được. Ví dụ: hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam; hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được. Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy.
Luật nhân quả rất công bằng và công lý không ai lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị.
Câu chuyện nhân quả
Ngày xưa, có một chàng trai tên Thư Sinh, anh và bạn gái đã đính ước và chuẩn bị cử hành hôn lễ. Thế nhưng trước đó ít ngày, cô gái ấy lại đi lấy người khác.
Thư Sinh bị sốc mạnh và lâm bệnh nặng.
Có một du khách qua đường đưa cho Thư Sinh một chiếc gương soi. Thư Sinh nhìn thấy xác của một cô gái trôi dạt vào bờ biển, trên người cô ta không một mảnh vải che thân.
Người đầu tiên đi qua cũng chỉ thoáng nhìn, lắc đầu rồi đi. Người thứ hai đi qua cởi chiếc áo khoác và đắp lên người cô gái.
Người thứ ba đi qua bèn đào hố và xây mộ cẩn thận cho cô gái. Vị du khách cho biết, người con gái xấu số đó chính là bạn gái của anh ta ở kiếp trước.
“Anh là người qua đường thứ hai, đã từng đắp cái áo cho cô gái. Đến nay, cô gái gặp và yêu anh chỉ là để trả nợ tình cho anh thôi.
Còn người mà cô ấy phải báo đáp cả đời đó chính là người đã chôn cất cô cẩn thận, người đó chính là người chồng hiện tại của cô gái.
Thư Sinh nghe xong liền tỉnh ngộ ra mọi chuyện.
Bình luận
(1) Câu chuyện trên chỉ cho thấy luật nhân quả của 2 kiếp liền kề. Luật nhân quả có thể hơn 2 kiếp luân hồi;
(2) Câu chuyện trên chỉ là một sự giản đơn tách ra mối quan hệ tình cảm giữa 2 người để phân tích và luận giải (ceteris paribus). Cuộc đời này hàng tỷ ràng buộc và mối quan khác nhau. Mỗi một ý tưởng, hành động của con người đều có thể bị ảnh hưởng của quy luật nhân quả;
(3) Chàng Thư Sinh và cô gái chỉ có duyên chứ không có nợ. Nếu chàng này, vẫn còn đau khổ, thì luân hồi vẫn cho chàng ấy tiếp tục trong trạng thái ấy ở những kiếp sau;
(4) Có những người vừa sinh ra là bị bệnh nặng. Kiếp trước có thể bị bệnh và chết, nhưng cái bệnh vẫn đeo đuổi ở kiếp nhân sinh tiếp theo;
(5) Không làm mà được hưởng, thì kiếp sau phải trả những gì vay mượn ở kiếp này;
(6) “thân, ý, khẩu” tạo nghiệp; “tham, sân, si” bị kẹt vào; không hiểu “không, vô ngã, vô tác”; cũng như là “vô minh”; tất cả sẽ đẩy con người vào luân hồi, mà không thể giải thoát được;
(7) Luật nhân quả không bị chi phối bởi một quyền năng nào cả, mà nó chi phối tất cả, kể cả đức Phật;
(8) Luật này làm cho vũ trụ vi diệu công bằng.