Lẽ Sống

Lẽ sống (Ikigai)
Một trong những nét đặc trưng nổi bật của xã hội Nhật Bản là sự đề cao tính quan trọng của công việc hơn thời gian cá nhân. Không có gì lạ khi hầu hết người Nhật đều làm việc ngoài giờ cho đến đêm muộn mới trở về nhà. Các nhà tâm lý học, xã hội học đã có nhiều cách lý giải khác nhau về sự say mê làm việc của người Nhật, nhưng với chính họ, lời lý giải đó chỉ nằm gọn trong từ Ikigai.
(1) Hành trình tự nhận thức bản thân
Ikigai là một quan niệm sống của người Nhật, nghĩa đen là “lẽ sống”. Tìm kiếm Ikigai là hành trình tự nhận thức bản thân. Theo người Nhật, cuộc sống có Ikigai sẽ mang lại sự hài lòng và ý nghĩa cho mỗi người.
Ikigai chính là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và tận hưởng cuộc sống. Cụm từ Ikigai chỉ giá trị sống của mỗi đời người cũng như tinh thần làm việc không phải vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội. Trong cuốn sách “Bàn về lẽ sống” (Ikigai ni tsuite) xuất bản năm 1966, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích: “Ikigai rất giống với hạnh phúc, nhưng có một sự khác biệt tinh vi về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời, nhưng Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực, giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.
Người Nhật tin rằng việc tìm thấy và tận hưởng những niềm vui nhỏ thường ngày sẽ giúp bạn có cả cuộc đời trọn vẹn. Thậm chí ngay cả khi đang ở trong một tình cảnh khó khăn nhưng một người có mục tiêu để phấn đấu sẽ cảm nhận được Ikigai. Những việc làm khiến họ cảm nhận được Ikigai không phải những việc mà họ bị bắt buộc phải làm mà chính là hành động tự giác xuất phát từ nhu cầu của bản thân.
(2) Đi tìm Ikigai
Không phải người Nhật nào cũng lấy công việc làm Ikigai của cuộc đời mình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khảo sát 2.000 người của trung tâm khảo sát trung ương Nhật Bản năm 2010 đã cho thấy chỉ 31% câu trả lời công nhận Ikigai của cuộc đời mình là công việc.
Với một số rất ít người, Ikigai được xác định từ rất sớm, thậm chí khi họ còn là những đứa trẻ. Nhưng hầu hết mọi người đều mơ hồ về Ikigai hoặc không quá bận tâm đến nó. Tuy vậy, trong văn hóa của người Nhật, Ikigai của mỗi cá nhân được mô tả ở 4 lĩnh vực:
– Việc yêu thích
– Việc làm giỏi
– Việc làm ra tiền
– Việc xã hội cần
Khi mô tả 4 lĩnh vực này theo giảng đồ Venn, thì Ikigai sẽ nằm ở trung tâm những điểm giao nhau của 4 lĩnh vực này.
Trong cuốn sách “Bí quyết để có cuộc sống trường trọ và hạnh phúc của người Nhật”, nhà tâm lý học Hector Garcia và cộng sự Francesc Miralles, đã đưa ra khái niệm về “Dòng chảy” để giúp một người nhận ra Ikigai của mình. Bạn có từng làm việc gì đó đến quên cả ăn uống, mệt mỏi chưa? Đó là lúc bạn đã bước vào trạng thái “Dòng chảy”. Hãy chú ý đến những khoảnh khắc như vậy, bởi vì Ikigai của bạn tồn tại trong những thời khắc đó. Nếu thời gian bước vào trạng thái “Dòng chảy” càng tăng, thì bạn càng đến gần với Ikigai.
(3) Mâu thuẫn gay gắt về lẽ sống
Khái niệm Ikigai xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sử ký Taiheiki vào thế kỷ thứ 14. Ban đầu, Ikigai là khái niệm dành cho nam giới. Trong chiến tranh thế giới II, Ikigai của những người lính được hiểu là Shinigai – hy sinh vì điều gì. Có thể dùng khái niệm này để lý giải về tinh thần cảm tử của quân đội Nhật, Ikigai của người Nhật trong giai đoạn 1930 – 1945 là quốc gia và Thiên hoàng. Trong giai đoạn kinh tế thần kỳ, khái niệm Ikigai phát triển theo hướng cá nhân hóa dành cho những người đàn ông trụ cột của gia đình. Ikigai của họ chính là sự nghiệp, công việc và công ty. Còn đối với hầu hết phụ nữ, Ikigai là gia đình và con cái. Khái niệm Ikigai trong giai đoạn này gắn liền với khái niệm Ittaikan – cảm giác bản thân thuộc về điều gì, và khái niệm Jiko jitsugen – tự bản thân trải nghiệm.
Tuy nhiên, các khái niệm này tạo nên nghịch lý trong quan hệ giữa mỗi cá nhân với gia đình và xã hội. Nếu Ikigai của người đàn ông thuộc về công việc và công ty thì gia đình sẽ ở vị trí nào trong cuộc sống của họ? Nếu người phụ nữ lấy Ikigai của họ là sự thuộc về con cái và gia đình thì chính bản thân họ không thể có được sự tự trải nghiệm của chính mình. Mâu thuẫn về quan niệm sống này vẫn còn tạo áp lực vô hình lên xã hội Nhật hiện đại.
Ngày nay, Ikigai liên quan mật thiết đến đặc trưng xã hội xem trọng công việc của người Nhật. Ikigai là một trong những chìa khóa lý giải vì sao người Nhật say mê công việc, ngay cả khi đã 70 – 80 tuổi vẫn tiếp tục cống hiến. Ikigai cũng được xem là một nguyên nhân quyết định đến tuổi thọ và sự hài lòng trong cuộc sống. Với người Nhật, khi không cảm nhận được Ikigai thì cho dù đang ở đâu làm gì cũng không thấy niềm vui, dễ mệt mỏi, lười hành động, lười suy nghĩ, dẫu có cố gắng sống tích cực vẫn không thể vượt qua cảm giác chán nản.
Exit mobile version