Hiểu về cái đẹp
Hoa hậu đi lễ chùa, gặp một chú tiểu đang quét lá. Cô liền tới gần chú tiểu, kiêu hãnh hỏi:
– Tôi là hoa hậu, chú có thấy tôi đẹp không?
Chú tiểu nhẹ nhàng đáp:
– Thưa cô có cả hàng ngàn vạn người còn đẹp hơn rất nhiều.
Nghe nói thế cô gái mở tròn đôi mắt đáp:
-Hoa hậu là người đẹp nhất trong những người đẹp rồi. Chú nói thử xem những người đẹp hơn tôi như thế nào?
Chú tiểu đáp:
– Giữ gìn trang nghiêm giới hạnh là thân đẹp
– Ăn ở hiền hòa, thủy chung là nết đẹp
– Thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là cử chỉ đẹp
– Thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng thì giúp đỡ, đó là tấm lòng đẹp
– Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp cho người cô quả, cúng dường chư tăng đó là tâm hồn đẹp.
– Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi nói lời an ủi, giúp đỡ là ngôn ngữ đẹp
– Tánh nết đoan chính không một tà niệm nảy sinh đó là ý đẹp.
– Thấy người ta u tối, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành đó là trí tuệ đẹp
– Phá vỡ vô minh, hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui, giải thoát đó là cái đẹp mà các cõi trời phải tán thán.
-Còn cái đẹp của hoa hậu là cái đẹp bên ngoài, sớm nở tối tàn, xoay vần trong vòng sinh tử luân hồi, ngầm chứa đau khổ.
Bình luận
(1) Con người là “vô thường” mà cứ kẹt vào cái “thường”;
(2) Kiêu hãnh, si mê cái thân tạm bợ thì thật là vô minh; tất cả vạn vật đều do nhân duyên giả hợp;
(3) Con người là “vô ngã” mà cứ kẹt vào cái “ngã”, cái tôi; không hiểu được thế giới này, tất cả vạn vật đều “tương tức” và phụ thuộc nhau, bất sinh bất diệt, chuyển trạng thái liên tục;
(4) Cứ theo dòng suy nghĩ của cô hoa hậu, thì đẹp bên ngoài cũng chưa đủ, đòi hỏi phải có giáo dục, học tập văn hóa, tri thức, rèn luyện cái tâm, thì mới có thể trở thành sang trọng, quý phái, lịch lãm, đài các được;
(5) Nói theo Lão Tử: “Đẹp mà cho người ta thấy mình đẹp, thì là không đẹp nữa rồi” và “thiện mà cho người ta thấy mình thiện là bất thiện rồi”.
(6) Cái đẹp cũng giống như “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần phải “dí, ấn, hỏi, làm rõ lại”.