Hai cách nhìn cuộc đời, chọn một cũng khó khăn lắm rồi!

Mình có thể là chủ quan khi nhận định rằng có người thì đi đến đâu cũng phê phán, nhìn mọi cái đều thấy mặt tiêu cực của nó, nhưng không đưa ra cách thức thay đổi; có người cũng nhìn mặt tiêu cực và có giải pháp thay đổi, còn nếu không thay đổi được, thì ít nghĩ về nó, để dành năng lượng cho các hoạt động khác. Mình thì là loại thứ hai.
Nhóm thứ nhất thì mình gặp hoài, đi đến đâu cũng gặp, mình tránh xa. Họ có thể nói đúng. Tuy nhiên, nếu mà gần họ thì chỉ ôm đau khổ vào trong lòng vì bất cứ giải pháp nào mình đưa ra thường họ bác bỏ. Họ cho rằng hoặc là làm lại tất cả, hoặc là phủ định tất cả, không có lựa chọn khác. Khi không thực hiện được cả hai, thì điều hiện hữu, họ cho là định mệnh.
Tại sao mình lại bàn chuyện này? Mình bàn chuyện này vì báo chí ngày nay (tôi không bao giờ đọc, chỉ nghe người ta nói truyền miệng cho tôi nghe) họ đã làm sai một điều cơ bản. Họ chỉ bàn về điều xấu, không hay, ít xảy ra, rồi họ dừng lại, hòng thu hút tính hiếu kỳ của người đọc, mà không đưa ra phương thức thay đổi hay bài học gì cả.
Thế giới này quá nhiều chông gai và khó khăn. Chỉ nói về điều tốt thôi cũng có nhiều phương thức lựa chọn rồi. Mình thích nói về điều này. Sau đây mình kể cho bạn 4 câu chuyện. Mỗi một câu chuyện là một thông điệp về sự yêu thương, tình người, vô vị lợi, với một hy vọng mang lại cho bạn một điều gì đó cuối tuần.
(1) Cuộc đời này đáng yêu vì toàn là người tốt. Hàng không làm trăm điều tốt không ai nhắc tới, chỉ một điều không tốt hay “nguyên tắc” thì người ta nhắc đi, nhắc lại, quay phim chụp hình, bình luận ác ý, suy diễn nhiều lần, nhiều lúc.
Khoảng 5:00 giờ sáng ngày 25/7 tại sân bay Tân Sơn Nhất, một người phụ nữ làm thủ tục ở quầy vé. Nhìn là biết người nghèo vì áo quần cũ kỹ, mặt mày hốc hác, tiều tụy; đã vậy lại còn thấp bé, chỉ độ 1,5m.
Với thái độ khẩn cầu, chị xin được đổi giờ bay chuyến 6:00 giờ, nhưng chuyến bay đã hết vé, chỉ còn hạng thương gia.
Muốn đổi vé, chị phải bù thêm 1,5 triệu đồng.
Những người xung quanh nhìn một người phụ nữ tiều tụy, nghèo khổ ấy lục túi lấy tiền, những đồng tiền chẵn lẻ khác nhau chứng tỏ được thu gom theo kiểu bỏ ống, nhưng cũng đủ để bù giá vé.
Ai cũng ngạc nhiên khi thấy chị quyết định không chút đắn đo, có người còn cười cợt vì cho rằng nghèo mà “chơi leo”.
Hầu như chị không quan tâm đến thái độ, ánh nhìn của những người xung quanh; với chị, được đổi giờ bay sớm hơn là quan trọng nhất.
Nam nhân viên giám sát mặt đất như muốn xác định lại:
“Chị mua vé hạng thương gia cơ à?”.
Chị đáp lại:
“Dạ vâng! Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?”.
Những người xung quanh nghe câu nói của chị đều lặng ngắt và thực sự chia sẻ.
Có thể chị không hề biết hạng thương gia là gì, và chị cũng không bận tâm khi phải thêm số tiền không nhỏ đối với chị, để chỉ về với mẹ sớm hơn một giờ. Một giờ thôi nhưng quý báu vô cùng.
Dù chị không kể ra, nhưng ai cũng có thể hiểu chị là công nhân hoặc là người tha phương kiếm sống. Cuộc mưu sinh và cái nghèo không cho chị có cơ hội bên mẹ những ngày đau yếu, chỉ khi tử biệt sinh ly mới tất tả chạy về.
“Chứ mẹ chết thì phải làm sao hả chú?” – một câu nói chứa đựng nỗi đau và cũng là sự uất hận của người con không gặp mặt mẹ trước khi mẹ qua đời.
Và câu chuyện được đẩy lên đến cao trào cảm xúc ở đoạn sau, khi nam nhân viên sau khi nghe chị nói đã chạy đi một lát rồi quay trở lại.
Anh nói: “Em đổi vé xong rồi, chị đi đi nhé. Không phải bù thêm tiền bạc gì đâu”.
Ngay sau đó, một nữ nhân viên khác gửi lại cho chị 1,5 triệu đồng.
Không ai biết nam nhân viên ấy đã làm cách gì để giúp chị.
Có thể anh đã trình bày hoàn cảnh của chị với người có trách nhiệm cao hơn, và mọi người đã nhanh chóng xử lý, chuyển chị lên hạng thương gia nhưng không thu tiền.
Dù cách gì thì cũng đã có một kết thúc rất đẹp.
Rất cảm ơn những tấm lòng nhân hậu, đã làm cho cuộc sống đáng yêu hơn.
(2) Cho mẹ làm điều cuối cùng này cho con hay một đứa con bất hiếu. Bạn phải học cách xử sự hiểu biết của người mẹ, mà quên đi đứa con bất hiếu. Hãy nhìn mặt tốt thôi.
Chuyện kể rằng, có một chàng trai nọ không thể lo được cho mẹ già, anh cảm thấy bà như một gánh nặng thực sự khi mỗi ngày phải chăm lo cho từng miếng cơm, cốc nước. Chàng trai đã quyết định mang bà mẹ vào một khu rừng để chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng.
Kế hoạch như đã định, tối đến, chàng trai đã thủ thỉ với mẹ rằng anh muốn đưa bà đi dạo. Anh cõng mẹ trên lưng, men theo con đường mòn trên núi và đi tít vào sâu trong rừng. Trong thâm tâm chàng trai nghĩ rằng mẹ anh sẽ không thể nào tìm được đường về nhà, anh cứ cắm đầu đi mãi, đi mãi.
Bỗng dưng chàng trai phát hiện mẹ anh đã bí mật rải những đậu tương trên đường đi, anh tức giận hỏi: “Sao mẹ lại làm điều này?”. Bà mẹ bật khóc và trả lời: “Con ngốc lắm! Mẹ sợ không có mẹ con sẽ không tìm được đường về nhà”.
(3) Phần lớn suy nghĩ của chúng ta là sai lầm, ngộ nhận và không đầy đủ (70%).
Một người mẹ hỏi đứa con trai 5 tuổi của mình: “Nếu hai mẹ con ta đang khát nước và chỉ có 2 quả táo này, con sẽ làm gì?”. Cậu bé con suy nghĩ một lát rồi ngây thơ trả lời: “Con sẽ cắn mỗi quả táo một miếng mẹ ạ!”.
Bà mẹ không la mắng con nhưng thở dài một tiếng thất vọng. Cô nhẹ nhàng hỏi con: “Con có thể nói cho mẹ biết vì sao con làm điều đó?”. Và cô đã bật khóc khi cậu bé ngây ngô đáp: “Con muốn thử và dành quả ngọt nhất cho mẹ”.
(4) Thủ thuật tách rời: Trong khoa học tự nhiên, người ta sử dụng thủ thuật tách rời để tách bộ “có ích” ra khỏi bộ phận “không có ích”. Chẳng hạn như lấy nước đá để uống cà phê, thì cái muỗng lấy nước đá có những lỗ nhỏ để nước chảy ra, tức là phần “không có ích”, mà chỉ lấy những viên đá lớn nhỏ khác nhau, tức là phần “có ích” cho vào ly thức uống. Nhưng trong con người thì không thể. Bạn có thể xem câu chuyện số 4. Câu chuyện số 4 còn có tên gọi “tình yêu trong sáng của chàng trai”.
Có một cô gái mù không có gì trong tay, ngoài tấm chân tình của cậu bạn trai tốt bụng. Anh chàng sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì cô gái.
Một ngày nọ anh hỏi cô: “Vào ngày mà em nhìn thấy, em sẽ lấy anh chứ?”. Cô gái tự tin trả lời: “Vâng! Tất nhiên rồi ạ!”.
Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với cô, cô nhận được tin mình có thể được cấy ghép giác mạc từ một người hiến tặng.
Ngày nhìn thấy ánh sáng đầu tiên, cô nhận ra rằng người yêu chăm sóc mình bấy lâu nay là một chàng mù.
Khi anh cầu hôn cô lần nữa, cô gái lạnh lùng từ chối vì đôi mắt không sáng của anh. Đau đớn và tuyệt vọng, trước khi rời đi, câu cuối cùng mà chàng trai nói với cô gái: “Em hãy chăm sóc đôi mắt của anh thật tốt nhé!”.
Exit mobile version