Giảm khổ

Giảm khổ
(1) Câu chuyện dẫn dắt
Một bà mẹ chỉ có một đứa con trai duy nhất, bị bệnh và chết. Vì quá thương con, bà không tin đó là sự thật. Lúc nào bà cũng ôm xác con vào lòng mà than khóc.
Bà đã đến gặp vị thiền sư đắc đạo và nói: “Xin thầy hãy làm cho con của con sống lại hay giúp cho con thoát khỏi nghịch cảnh này?”.
Thiền sư bèn nói: “Bà hãy đến xin một hạt cải trong một gia đình không có người chết cho ta”.
Công việc tìm kiếm hạt cải thì rất dễ, nhưng tìm hạt cải trong gia đình không có người chết thì không thể. Bà đi khắp nơi hỏi thì nhà nào cũng có người chết.
Bà mới ngộ ra một điều: “Sự chết chóc của người thân xảy đến với mình như thế nào, thì đến với mọi người như thế ấy”. Bà đã đem cái xác con chôn cất.
Bình luận
Tại sao mình vô lý, tự coi chính bản thân mình là khác biệt? Chuyện gì xảy ra với người, thì cũng có thể xảy ra với mình. Nhưng khi có chuyện gì xảy đến, thì có khi ta lại vui mừng khôn xiết, thì có khi ta lại đau khổ đến cùng cực. Lẽ ra ta phải đón nhận điều đó một cách bình thản nhất có thể. Lý do đơn giản cho điều này là ta bám víu quá chặt vào cái tôi, cái bản ngã.
(2) Giảm khổ
Những cái khổ đó, gọi là khổ đế hay là chân lý về khổ. Chữ đế (諦) bao gồm chữ “ngôn” (言) và chữ “vua” (蒂). Vua mà nói thì không ai có thể tranh cãi.
Đau khổ của chúng ta, nếu mình biết ôm lấy nó, nhìn sâu vào nó mà hóa giải chuyển hóa thành an lạc. Nếu mình không làm được như vậy, thì đau khổ vẫn là đau khổ và mình bị chết đuối trong biển khổ.
Chữ khổ (苦) là “cay đắng”. Trái khổ qua là trái mướp đắng. Trái nghĩa với khổ là hạnh phúc. Hạnh phúc ngọt ngào; đau khổ là cay đắng.
Sau khi mình nhận biết đau khổ của mình, mình cần phải nhìn sâu vào nó để xem nó như thế nào đến được. Mình cần nhận biết và xác định các loại thức ăn gì, tinh thần và vật chất gì đã nuôi dưỡng cái khổ trong người mình và cái “khổ” lớn lên như thế nào.
Có bốn loại dinh dưỡng có thể dẫn đến hoặc hạnh phúc hoặc khổ đau trong chúng ta. Tùy chúng ta tiếp nhận chúng, đó là (1) thức ăn nuôi cơ thể, (2) cảm xúc, (3) ý định, và (4) ý thức. Chúng ta tìm căn nguyên, cội nguồn của khổ để có thể hóa giải nó.
(a) Thức ăn nuôi cơ thể
Những gì mà mình ăn hoặc uống vào đều có thể mang lại đau khổ hoặc lành mạnh về tâm hoặc thể chất. Mình phải có khả năng phân biệt giữa cái gì lành mạnh và những gì hại. Chúng ta cần phải thực hành ngay khi đi siêu thị mua hàng, ngay khi nấu ăn và ngay khi ăn.
Ví dụ một: Một cặp vợ chồng trẻ và đứa con một tuổi của họ cố gắng vượt qua sa mạc, giữa đường họ hết thức ăn. Suy nghĩ thật lâu, hai vợ chồng nhận ra rằng, để sống không cách gì hơn là họ phải giết con trai của họ để ăn thịt.
Hai vợ chồng ăn một chút thịt con mình mỗi ngày và phần còn lại gánh trên vai để làm thức ăn khô cho những ngày sau, họ sẽ sống để ra khỏi sa mạc. Khi họ ăn mỗi miếng thịt của con mình, cặp vợ chồng trẻ đã đau khổ và khóc rất dữ.
Sau khi kể câu chuyện này, các bạn sẽ cho rằng họ không thể nào thích thú khi ăn thịt con trai của họ. Bạn hoàn toàn đúng. Để tồn tại, họ đã không còn lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, nhiều người ăn thịt của người thân và kể cả con cháu của họ mà họ không hề biết đến. Có những khổ đau bắt nguồn từ việc tiêu thụ thức ăn. Mình phải học cách ăn để giữ gìn sức khỏe và có lợi cho cơ thể và tinh thần của mình. Khi mình hút thuốc là mình đã ăn phổi của mình, khi mình uống rượu là mình đã ăn gan của mình, khi mình hoạt động tình dục quá mức là mình đã ăn thận của mình hoặc khi ăn những thực phẩm độc hại là mình ăn trái tim của mình. Nếu mình có con, có cháu, mà mình tiêu thụ thực phẩm độc hại như vậy, thì mình cũng đang ăn thịt con em mình, với cái nghĩa là con cháu luôn mong muốn mình được khỏe mạnh. Mình đã làm họ đau khổ, tổn thương họ.
(b) Cảm xúc (色)
Loại thực phẩm thứ hai nuôi thân và tâm của chúng ta là những cảm xúc do giác quan đem lại. Sáu giác quan của chúng ta gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (thân xác) và ý (ý tưởng), chúng thường xuyên tiếp xúc với đối tượng bên ngoài và tiếp xúc tạo ra thức ăn nuôi tâm ý của chúng ta. Khi mình đi xe máy qua những thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Hà Nội, mắt của mình sẽ được thấy rất nhiều biển quảng cáo, và những hình ảnh đó thâm nhập vào ý thức của mình. Những bảng quảng cáo bia rượu, các cô gái đẹp, phim ảnh bạo lực và những cái khác. Khi mình đọc một cuốn tạp chí, các bài báo và trang quảng cáo là thức ăn nuôi tâm thức của mình. Quảng cáo kích thích ham muốn của mình sở hữu đối tượng, tình dục. Và những thực phẩm đó có thể gây độc cho mình. Phim ảnh là thức ăn cho đôi mắt, đôi tai, tâm trí của mình. Nếu mình đang xem phim với các chương trình bạo lực, đồi trụy, thì mình đang thu nạp những hạt giống tiêu cực của tham ái, sợ hãi, giận dữ và bạo lực trong đó.
(c) Ý định (行)
Loại thực phẩm thứ ba nuôi tâm chúng ta là ý chí, ước muốn. Mong muốn chúng ta có được điều gì đó. Ý chí là nền tảng của tất cả các hành động của chúng ta. Nếu mình nghĩ rằng mình chỉ hạnh phúc khi đã trở thành giám đốc của một công ty lớn, thì tất cả mọi việc mình làm, mọi việc mình nghĩ đều hướng vào thực hiện mục tiêu đó. Ngay cả khi mình ngủ, ý thức của mình vẫn tiếp tục làm việc đó. Hoặc giả sử chúng ta tin rằng tất cả đau khổ của chúng ta và sự đau khổ của gia đình chúng ta đã được mang lại bởi một người nào đó.
Mọi người đều muốn được hạnh phúc, và có một năng lượng mạnh mẽ trong mình thúc đẩy mình hoàn thành mơ ước đó. Nhưng mình cũng có thể phải chịu rất nhiều khổ đau vì điều này.
Tôi biết một người phụ nữ, người này dạy ở một huyện vùng xa, của tỉnh nghèo Bến Tre. Cô ta là một phụ nữ bình thường, ngoại hình không đẹp và tính tình cũng không có duyên lắm. Cô ta vẫn còn là con gái mặc dù 40 tuổi. Cô ta muốn có chồng. Chồng của cô phải đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc, giàu có như tỷ phú và khỏe như vận động viên quốc tế và nhiều cái khác nữa. Nếu tôi được tư vấn cho cô ấy, tôi sẽ nói cô ấy, em là giáo viên, em nên tìm người đàn ông là một giáo viên; em lương tháng 10 triệu, thì em nên tìm một người đàn ông lương tháng 10 triệu; nếu em có nốt ruồi và sẹo trên khuôn mặt của em, thì em nên tìm người đàn ông có nốt ruồi và sẹo trên mặt. Với suy nghĩ như vậy, em kiếm được chồng. Em không nên sống trên mây.
Chúng ta cần nhận thức rằng chức vụ, trả thù, tiền tài, danh vọng, của cải, thường xuyên trở ngại cho sự an lạc của mình. Mình cần phải thoát ra những ước muốn đó để được tự do tận hưởng những điều kỳ diệu của cuộc sống, vốn luôn sẵn có, bầu trời xanh, cây cối, con cái xinh đẹp của mình.
Ví dụ hai: Một người nông dân, có vẻ rất đau khổ, đi ngang qua chợ và hỏi: “Mọi người ơi, có người nào thấy đàn bò của tôi đi ngang qua không? Tôi thật là bất hạnh”.
Thầy tu hỏi người nông dân: “Có chuyện gì xảy ra?” và người nông dân nói: “Sáng nay, tất cả mười hai con bò của tôi chạy mất. Và năm nay toàn bộ vườn tiêu của tôi khô cạn mà chết”.
Thầy tu quay sang mọi người ở chợ và nói: “Các bạn có biết mình là người hạnh phúc nhất trên trái đất không? Các bạn không có bò, không có vườn tiêu chết”.
Mình luôn cố gắng để tích lũy nhiều hơn và nhiều hơn nữa, và mình nghĩ rằng những “con bò” là rất cần thiết cho sự tồn tại của mình. Trong thực tế, chúng có thể là những trở ngại ngăn cản sự an lạc của mình. Thả con bò của mình ra và vườn tiêu nữa và mình trở thành một người tự do.
(d) Ý thức (識)
Các loại thực phẩm thứ tư là ý thức. Ý thức của mình bao gồm tất cả các hạt giống được gieo bởi những hành động trong quá khứ của mình và những hành động trong quá khứ của gia đình và xã hội của mình.
Mỗi ngày mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động chảy vào biển của ý thức mình và tạo ra ý thức. Mình có thể nuôi dưỡng ý thức của mình bằng cách thực hành tình thương, niềm vui và sự thanh thản, hoặc mình có thể hại ý thức của chúng ta với lòng tham, sân, si, nghi ngờ, và ngạo mạn.
Ý thức được nuôi dưỡng cả ngày và đêm, trở thành bản chất của mình. Mình phải rất cẩn thận thực phẩm nuôi dưỡng ý thức.
Exit mobile version