Cách nấu nước đường bánh Trung Thu chuẩn, không lại đường

 Cách nấu nước đường bánh Trung Thu chuẩn, không lại đường

Khi làm bánh Trung Thu, cách nấu nước đường đóng vai trò quyết định đến chất lượng của bánh. Nước đường nấu càng chuẩn bao nhiêu thì vỏ bánh càng thơm ngon bấy nhiêu. Tuy nhiên, không phải ai lần đầu tiên cũng biết cách chế biến nước đường sao cho lên màu chuẩn, bảo quản lâu và không bị lại đường. Nếu bạn đang có ý định làm bánh trung thu, hãy xem công thức nấu nước đường được chia sẻ dưới đây.

Nguyên liệu nấu nước đường

  • 500g đường vàng (hoặc nâu)
  • 500g đường cát trắng
  • 600ml nước
  • 1 quả chanh
  • 1/4 quả dứa (thơm)

Nguyên liệu nấu nước đường

Cách nấu nước đường trong 7 bước

Bước 1: Vắt nước cốt chanh, bỏ hạt rồi cho vào một cái chén.

Bước 2: Trộn 500g đường vàng vào 500g đường trắng trong một cái nồi (nên là nồi chống dính). Đổ thêm 600g nước lạnh và đặt lên bếp để đun. Khuấy nhẹ. Khi đường tan hết thì tuyệt đối không khuấy đảo đường nữa.

Bước 3: Nước đường sôi đều khoảng 10 – 15 phút, bạn vặn lửa nhỏ và dùng muỗng hớt hết bọt khí nổi lên. Tiếp theo mở lửa lên to hơn một chút để nước đường sôi đều trở lại.

Nguyên liệu nấu nước đường

Bước 4: Lấy nước cốt chanh rưới đều trên bề mặt nước đường. Công đoạn này để tránh bị lại đường. Nước chanh tự hòa tan khi đường sôi nên không cần khuấy.

Bước 5: Cắt miếng dứa thành từng lát và cho vào để nước đường có vị ngọt thanh, thơm nhẹ. Nếu bạn dùng chanh vàng thì có thể thay dứa bằng vỏ chanh và đặt úp mặt đã cắt vào nước đường. Trường hợp dùng chanh bình thường thì không nên để tránh nước đường bị đắng. Đặc biệt nếu vô tình đun quá lửa, nước đường cho vỏ chanh sẽ đắng hơn nước đường thông thường.

Bước 6: Giảm lửa nhỏ để nước đường sôi lăn tăn. Sau khoảng 40 – 45 phút, bạn vớt dứa ra, thử nước đường và tắt bếp.

Bước 7: Để nước đường nguội. Sau đó múc từng muôi nước đường cho vào hũ thủy tinh. Đậy kín và bảo quản nơi thoáng mát.

nước đường bánh nướng

Lưu ý: Xuyên suốt quá trình nấu nước đường, bạn chỉ khuấy nhẹ một lần duy nhất vào thời điểm nước đường chưa nóng lên. Sau đó thì tuyệt đối không được khuấy.

Làm sao kiểm tra cách nấu nước đường đã đúng chuẩn?

Các cách kiểm tra nước đường

Trong cách nấu nước đường, khó nhất là công đoạn kiểm tra xem nước đường đã chuẩn hay chưa. Dưới đây là 2 cách thông dụng:

Cách 1: Cân nước đường đã nấu. Với công thức trên, nấu nước đường đạt chuẩn khi còn trong lượng từ 1.1 – 1.2kg.

Cách 2: Lấy vài giọt nước đường thử ra đĩa. Nếu nước đường lan rộng ngay lập tức hoặc tan trong nước thì tức là nước đường còn non. Cách nấu nước đường đạt chuẩn là khi nước đường thử trong đĩa nước lan thành quầng tròn trong 1, 2 giây đầu và hình thành một lớp sirup dưới đáy đĩa. Nếu nước đường vào nước lập tức đông lại thì tức là đã nấu quá lửa. Bạn cần thêm nước để đun lại đến khi thành công.

cách nấu nước đường

Lưu ý khi kiểm tra nước đường

  • Sau khi kiểm tra, nhiều lúc vẫn khiến nước đường hình thành một lớp đường mỏng dưới đáy bình sau khi để một thời gian dài. Nguyên nhân của việc này có thể là do bạn đổ nước đường vào bình thay vì múc từng muôi. Điều này khiến cho những hạt đường đọng trên thành cũng bị đổ vào theo.
  • Một trường hợp khác là nước đường vẫn bị nấu quá tay mà bạn không để ý. Tình trạng này thường đến từ cách kiểm tra thứ 2. Để khắc phục, bạn nên kết hợp với cách kiểm tra nước đường thứ nhất. Hoặc bạn để ý, nước đường vẫn có độ loãng như mật ong thường. Nhưng khi nhúng một chiếc thìa inox vào, nước đường tạo thành một lớp sirup siêu mỏng, dễ dàng rửa trôi thì đó cũng là nước đường đã nấu thành công.

Hướng dẫn xử lý khi nước đường bị lại đường

Sau khoảng 2 – 3 tuần mà nước đường xuất hiện hiện tượng lại đường thì cũng đừng lo lắng. Bạn có thể thực hiện theo cách sau:

  1. Đổ hết nước đường vào nồi trở lại.
  2. Lớp đường dưới đáy, bạn ngâm lọ trong nước ấm, đồng thời đổ khoảng 100ml nước ấm để cho tan đường.
  3. Đổ hết nước đường vừa ngâm vào nồi.
  4. Bật bếp lên đun. Vắt thêm ít nước cốt chanh vào để tránh bị lại đường.
  5. Khi nước đường sôi, thử xem nước đường đã được chưa rồi tắt bếp. Để nguội và đổ lại vào lọ.

Một số lưu ý và cách bảo quản nước đường

Để nước đường bảo quản được lâu, không bị chua, mốc bạn cần lưu ý một số điều như sau:

  • Nên sử dụng hũ thủy tinh thay vì hũ nhựa. Vì đựng nước đường lâu ngày trong hũ nhựa có thể dẫn đến tình trạng xuất hiện mùi, giảm độ thơm của nước đường. Ngoài ra, đựng nước đường trong hũ nhựa thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Rửa sạch hũ đựng nước đường, để khô trước khi bắt đầu đựng.
  • Nên để nước đường thật nguội rồi mới cho vào hũ rồi đậy kín. Vì khi đậy hũ nước đường còn nóng hoặc ấm sẽ xuất hiện hơi nước. Để lâu có thể xuất hiện tình trạng ẩm mốc.
  • Trường hợp bạn lo lắng bảo quản nước đường bánh nướng ở bên ngoài có thể thu hút kiến, hãy lấy một lớp màng thực phẩm quấn nhẹ quanh đầu hũ nước đường.
  • Nước đường bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được đến 2 – 3 năm.
  • Bạn nên thực hiện cách nấu nước đường trước khi làm bánh Trung Thu nướng ít nhất 2 tuần. Thực tế nước đường càng để lâu thì bánh nướng càng ngon. Thời gian phù hợp nhất là 6 tháng đến 1 năm.

Hi vọng với cách nấu nước đường bánh Trung Thu ở trên, bạn sẽ thành công ngay từ lần đầu tiên thực hiện. Chỉ cần tỉ mỉ một chút, tin rằng bạn sẽ có một hũ nước đường như ý. Đừng quên xem thêm hướng dẫn về cách làm bánh Trung Thu để biết được khi không có nước đường bạn cần dùng nguyên liệu nào để thay thế nhé.

HongLien

Related post