Nhận diện khuôn mặt Vs. Cảm biến vân tay: Xu thế hiện đại hay đa dụng?

Hiện nay, nhận diện khuôn mặt vẫn đang là xu thế trên smartphone, đặc biệt là iPhone. Nhưng thực tế là vẫn còn nhiều mẫu điện thoại Android trang bị cảm biến vân tay và nhiều người vẫn yêu thích sử dụng cách mở khóa này hơn. Vậy giữa nhận diện khuôn mặt và cảm biến vân tay, đâu là tốt?

Nhận diện khuôn mặt là xu thế tương lai nhưng ít được đẩy mạnh (trừ iPhone)

Nhận diện khuôn mặt hay Face ID được trang bị lần đầu tiên trên iPhone X ra mắt năm 2017. Tính năng này sử dụng công nghệ được tích hợp trên chip A11 để quét toàn bộ khuôn mặt và lưu trữ dữ liệu vào bộ nhớ của con chip này. Sau đó khi bạn thực hiện mở khoá bằng Face ID, hệ thống sẽ so sánh với dữ liệu gốc đã được lưu trước đó.

Công nghệ này tiếp tục được cải tiến và duy trì trên những thế hệ iPhone tiếp theo như Xr, Xs, Xs Max và bộ 3 iPhone 11. 

Nhận diện khuôn mặt trên iPhone X bằng công nghệ Face ID. (Nguồn: Internet)

Trước đó, iPhone chỉ sử dụng Touch ID nên sự xuất hiện của Face ID trên iPhone X là một sự cải tiến lớn. Công nghệ này vừa hiện đại, hỗ trợ mở khóa nhanh và cực kỳ bảo mật.

Bởi vì khi mở khoá bằng Face ID, iPhone bắt buộc người dùng phải mở mắt và nhìn vào thiết bị thì mới mở khoá được. Do đó có thể nói, Face ID có độ bảo mật rất cao và người dùng có thể hoàn toàn yên tâm người lạ không thể mở khoá trong lúc mình đang ngủ.

Động thái trang bị Face ID trên iPhone X đã khiến các nhà sản xuất Android đưa ra các chiêu bài mở khóa bằng khuôn mặt. Vào thời điểm đó họ rầm rộ quảng cáo các tính năng nhận diện khuôn mặt trên smartphone của mình.

Thực chất tính năng mở khóa bằng khuôn mặt đã xuất hiện trên Android từ trước nhưng ít ai để ý đến.

Face ID sẽ quét dữ liệu toàn bộ khuôn mặt bạn. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, Face ID của iPhone truy xuất dữ liệu khuôn mặt bạn bằng phần cứng. Hệ thống cảm biến cùng camera trước sẽ quét 3D toàn bộ khuôn mặt bạn nên độ bảo mật là tuyệt đối. Người khác không thể dùng bức ảnh có sẵn để mở khóa iPhone của bạn được.

Đối với mở khóa khuôn mặt trên Android, máy chỉ hỗ trợ quét khuôn mặt 2D bằng phần mềm mà thôi. Nếu bạn nào từng sử dụng qua 2 tính năng này sẽ nhận thấy quá trình quét khuôn mặt trên iPhone sẽ kỳ công và chi tiết hơn, đòi hỏi nhiều góc mặt khác nhau. Còn khi đăng ký khuôn mặt trên smartphone Android thì nhanh chóng hơn, yêu cầu bạn giữ im một góc mặt, thậm chí nếu bạn quay mặt sang hướng khác là máy yêu cầu bạn thực hiện lại ngay. Hiện nay có một số máy yêu cầu xoay nhưng vẫn không bảo mật bằng iPhone.

Nhận diện khuôn mặt trên Android hoạt động đơn giản hơn. (Nguồn: Internet)

Tốc độ mở khóa bằng khuôn mặt trên iPhone hay smartphone Android là rất nhanh, nói chung là một chín một mười. Thậm chí, một số điện thoại Android có thể mở khóa khi bạn vô tình lướt ngang màn hình. Cho nên sự nhanh chóng là những gì mà công nghệ nhận diện khuôn mặt đáp ứng được.

Face ID của iPhone do được mã hóa dữ liệu từ phần cứng nên bạn có thể mở khóa máy trong mọi điều kiện sáng. Còn đối với Android thì có chức năng bù sáng, đem đến khả năng mở máy rất nhanh trong đêm tối. 

Vì được mã hóa từ cấp độ phần cứng nên Face ID của iPhone có thể học dữ liệu khuôn mặt qua từng ngày. Do đó, khi đeo khẩu trang vẫn có thể thực hiện mở khóa bằng Face ID. Cũng có một số cách mở khóa bằng Face ID khi đeo khẩu trang.

Còn mở khóa khuôn mặt trên Android vô dụng khi đeo khẩu trang, thậm chí smartphone Samsung còn hỏi bạn có đeo kính hay không lúc đăng ký khuôn mặt.

Hệ thống cảm biến và camera trên iPhone cho phép truy xuất dữ liệu khuôn mặt người dùng bằng phần cứng. (Nguồn: Internet)

Điều mình không thích khi sử dụng mở khóa khuôn mặt là máy cứ liên tục nhận diện. Khi điện thoại đặt trên bàn, bạn vô tình đưa mặt mình vào vùng nhận diện thế là máy mở khóa màn hình mặc dù bạn không có ý định mở khóa. Còn nếu không thì máy cứ sáng màn hình và báo lỗi không nhận diện được, thực sự rất phiền phức.

Nhưng thật sự, hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID trên iPhone hiện đại và bảo mật cũng như đem đến hiệu quả cao. Cho nên công nghệ này sẽ được Apple duy trì trong những thế hệ iPhone tiếp theo. Vì nếu nhận diện khuôn mặt 3D thì khó lòng mà hack được.

Về phía Android, hiện nay các nhà sản xuất không còn quá chú trọng vào mở khóa khuôn mặt nữa, vì tính năng này có sẵn trong Android nên mình nghĩ họ sẽ chỉ tận dụng chúng chứ sẽ không phát triển thêm. Điều mà các hãng smartphone Android quan tâm vẫn là cảm biến vân tay, từ cảm biến vật lý cho đến cảm biến vân tay dưới màn hình.

Nhận diện khuôn mặt chỉ thực sự phát triển trên iPhone, phần lớn người dùng vẫn thích cảm biến vân tay hơn. (Nguồn: Internet)

Cảm biến vân tay vẫn dành được vị thế trong lòng người dùng

Touch ID hay còn gọi là cảm biến vân tay được Apple trang bị lần đầu tiên trên iPhone 5S. Touch ID được tích hợp vào nút Home của những chiếc iPhone, iPad. Nút Home kiêm Touch ID này được làm bằng chất liệu đá sapphire có thể chống trầy xước. Nhờ vậy, bề mặt của Touch ID bền bỉ hơn, nhận diện được dấu vân tay của người dùng.

Công nghệ Touch ID được duy trì cho đến iPhone 8 Plus (ra mắt năm 2017) thì người dùng đã không còn chứng kiến Touch ID xuất hiện trên chiếc iPhone nào sau đó cả. Tuy nhiên, Touch ID vẫn được duy trì trên những mẫu iPad 2019.

Sự xuất hiện của cảm biến vân tay Touch ID là sự trang bị giúp người dùng mở khóa iPhone và xác nhận tải ứng dụng nhanh hơn thay vì nhập mật khẩu như trước. Hơn nữa, mỗi người sẽ có một vân tay riêng, không ai trùng với ai cho nên nguy cơ bị hack mật khẩu gần như bằng không.

Touch ID lần đầu được xuất hiện trên iPhone 5S. (Nguồn: Internet)

Với phát súng mở màn trên iPhone 5S, những nhà sản xuất Android cũng phát triển cảm biến vân tay trên những mẫu smartphone của họ.

Cảm biến vân tay trên những smartphone Android phát triển mạnh mẽ từ giai đoạn 2015 – 2016 với nhiều cách đặt cảm biến vân tay khác nhau như đặt ở mặt lưng (Xiaomi, OPPO, Huawei,…) hay cạnh bên (Sony). Các loại cảm biến vân tay là dạng vân tay một chạm cho tốc độ phản hồi rất nhanh không thua kém gì so với Touch ID của iPhone.

Bên cạnh việc dùng để mở khóa điện thoại, cảm biến vân tay có hỗ trợ khóa ứng dụng hay mở khóa ứng dụng tài khoản ngân hàng, ứng dụng thanh toán điện tử.

Tất cả mẫu điện thoại Android hiện nay đều có cảm biến vân tay. (Nguồn: Internet)

Phải thừa nhận rằng, Face ID đang trở thành xu thế nhưng nhiều người vẫn thích sử dụng Touch ID hơn cả. Cảm biến vân tay luôn được đặt ở vị trí thuận tay nhất, khi cầm điện thoại lên người dùng dễ dàng đặt tay vào cảm biến để mở khóa mà không cần canh góc mặt.

Chưa kể, cảm biến vân tay hỗ trợ người dùng sử dụng trong mọi điều kiện ánh sáng. Trong đêm tối, bạn chộp tay lấy điện thoại, theo quán tính bạn sẽ dễ dàng xác định được trí cảm biến vân tay và mở khóa máy nhanh chóng. Mặc dù Face ID vẫn hỗ trợ mở khóa trong điều kiện thiếu sáng nhưng trường hợp này thì Touch ID vẫn dễ dùng hơn.

Cảm biến vân tay luôn được đặt ở nơi dễ sử dụng. (Nguồn: Internet)

Năm nay, Apple cũng đã có hành động ưu ái cảm biến vân tay khi ra mắt iPhone SE 2020 với thiết kế cũ nhưng hỗ trợ Touch ID. Động thái này khiến nhiều người dùng cảm thấy hào hứng. Dù chê bai thiết kế cũ nhưng Touch ID là một trong những gì mà người dùng khen ngợi.

Điều này cũng đủ thấy vị thế của cảm biến vân tay vẫn chưa thể bị thay thế.

Apple hồi sinh iPhone SE với Touch ID. (Nguồn: Internet)

Hiện nay, cảm biến vân tay được phát triển lên tầm cao mới – cảm biến vân tay dưới màn hình. Mặc dù công nghệ cảm biến này có tốc độ mở máy nhanh chóng nhưng bạn không thể sử dụng những chức năng như khóa ứng dụng hay thanh toán ngân hàng bằng vân tay.

Vì vậy, cho đến nay rất nhiều smartphone Android vẫn còn trang bị cảm biến vân tay vật lý vì cơ chế hoạt động nhanh chóng và chi phí sản xuất rẻ. Đối với mình những thứ thuộc về phần cứng sẽ có chất lượng tốt hơn, nên mình thích cảm biến vân tay vật lý hơn.

Cảm biến vân tay được phát triển thành dưới màn hình. (Nguồn: Internet)

Cảm biến vân tay vật lý nói chung và Touch ID của Apple nói riêng đều được hỗ trợ sửa chữa khi có sự cố. Nhiều nơi đảm bảo sẽ sửa chữa được cảm biến vân tay khi không phản hồi. Chi phí sửa chữa cũng không phải quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, cảm biến vân tay vật lý vẫn tồn tại một yếu điểm. Khi tay người dùng ra nhiều mồ hôi hay khu vực cảm biến hơi ẩm thì cảm biến sẽ không hoạt động được. 

Tóm lại

Nhìn chung thì hiện tại cảm biến vân tay vẫn chiếm ưu thế hơn. Tất cả smartphone Android đều có cảm biến vân tay cùng mở khóa khuôn mặt 2D, nhưng người dùng (kể cả mình) vẫn chỉ quan tâm đến cảm biến vân tay mà thôi. Thói quen sử dụng bao năm nay mình thấy cảm biến vân tay vẫn là thuận tiện nhất. Dù tính năng nhận diện khuôn mặt có độ bảo mật cao nhưng cảm biến vân tay ngoài chức năng mở khóa còn giúp thực hiện nhiều chức năng hơn. Do đó, để chọn thì mình vẫn chọn điện thoại có cảm biến vân tay.

Nhưng mình sẽ quan tâm đến những mẫu điện thoại có cảm biến vân tay dưới màn hình hoặc ở cạnh bên (kiêm nút nguồn). Mình không thích cảm biến vân tay đặt ở mặt lưng lắm, vì mình thích mặt lưng trơn tru hơn là bị đục khoét để nhồi nhét cảm biến.

Mà nếu có chiếc smartphone nào vừa được trang bị hệ thống Face ID tương tự của Apple, vừa có cảm biến vân tay dưới màn hình thì bảo mật tuyệt đối nhỉ? Anh em có hóng một thiết bị như thế không? Giữa nhận diện khuôn mặt và cảm biến vân tay thì anh em chọn cái nào? Để lại ý kiến bên dưới comment nhé.

Exit mobile version