Cảnh Báo 5 Hình Thức Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản 2022
Cùng với sự bùng nổ của internet, hàng loạt hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã ra đời. Chỉ cần lơ là mất cảnh giác, hàng trăm triệu trong tài khoản của bạn sẽ “không cánh mà bay”. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo không cần thôi miên mà vẫn lấy được tiền của bạn và người thân. Dưới đây là tổng hợp 5 thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhất 2022.
Hình thức lừa đảo chiếm quyền kiểm soát sim
Đây là một trong những hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất 2022 được nhiều tờ báo và cả trang web của Chính Phủ phản ánh. Đầu tháng 4/2022, nhiều cuộc gọi và thư được gửi tới Bộ Công Thương để báo cáo về việc xuất hiện các đối tượng giả làm nhân viên của nhà mạng.
Cách thức thực hiện chung là lợi dụng việc nâng cấp SIM 3G lên 4G của nhà mạng, những đối tượng này sẽ gọi điện, nhắn tin hướng dẫn. Nhằm tạo lòng tin cho người dùng, chúng sẽ sử dụng nguyên nhân là đổi SIM từ xa, tránh tiếp xúc trong mùa Covid-19, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, những đối tượng này cũng dùng cách tư vấn của nhà mạng như đổi sim miễn phí, giúp trải nghiệm tốt hơn,… Thậm chí chúng còn “khuyến cáo” rằng nếu không đổi SIM 4G sẽ không thể tiếp tục dùng dịch vụ nữa.
Sau khi khách hàng nhắn tin SMS theo cú pháp DS gửi 901 do các đối tượng gửi, SIM sẽ bị đổi sang phôi SIM trắng. Lúc này người dùng sẽ mất toàn quyền kiểm soát SIM của mình. Thay vào đó, các đối tượng lừa đảo sẽ có quyền sử dụng SIM của người dùng và truy cập các ví điện tử, ứng dụng online để rút sạch tiền trong tài khoản.
Trường hợp khác là các đối tượng này sẽ đưa cho nạn nhân một cú pháp. Khi thực hiện, thuê bao di động của người dùng sẽ tự động chuyển hướng cuộc gọi đến số di động khác. Tiếp đến, đối tượng lừa đảo sẽ nhấn “quên mật khẩu”. Bên cung cấp dịch vụ ví điện tử hay tài khoản ngân hàng sẽ gửi mã xác thực OTP đến SIM của đối tượng lừa đảo. Từ đây, toàn bộ tài khoản online của người dùng sẽ lọt vào tay những đối tượng này.
Đăng tin sai sự thật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Vào 29/03, công an Hà Nam vừa triệt phá đường dây lừa đảo hơn 3 tỷ đồng có liên quan đến hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Cụ thể, các đối tượng sử dụng hàng chục nghìn tài khoản Facebook để đăng quảng cáo cung cấp số lô, số đề chính xác 100%.
Mặt khác, chúng dùng phần mềm chỉnh giờ nhắn zalo rồi tạo hình ảnh cung cấp số lô đề ứng với kết quả xổ số Bắc – Nam khiến người dùng tin tưởng. Khi có người chuyển tiền, chúng sẽ gửi số ngẫu nhiên. Đồng thời chặn số điện thoại của nạn nhân.
Giả danh công an, tòa án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nếu một ngày bạn đột nhiên nhận được cuộc gọi/ tin nhắn của công an hay tòa án báo rằng bạn đang liên quan đến vụ án lừa đảo/ rửa tiền/ buôn ma túy thì hãy cẩn thận. Vì có khả năng đó là đối tượng lừa đảo mạo danh.
Bạn sẽ bị yêu cầu khai các thông tin cá nhân, số tiền gửi tiết kiệm. Tiếp đến, đối tượng sẽ yêu cầu bạn không được nói với ai và chuyển tiền cho “cơ quan công an” tạm giữ. Nếu chúng minh được bạn không có tham gia phạm tội thì sẽ trả lại. Nếu không giữ được tỉnh táo, bạn có thể trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo lúc nào không hay.
Tuyển cộng tác viên online
Có thể nói đây là một hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, nhưng vẫn hiệu quả cho đến giờ. Đối tượng lừa đảo nhắm vào những người cần tìm việc làm hay muốn làm thêm kiếm thu nhập.
Thủ đoạn được các đối tượng áp dụng khá đa dạng. Gần nhất là thủ đoạn mạo danh tuyển dụng CTV trên Lazada, Shopee, Tiki,… Khi bạn liên hệ với những đối tượng này sẽ được yêu cầu phải thanh toán trước tiền hàng. Sau đó đối tượng sẽ gửi lại bạn tiền gốc cùng với “chiết khấu hoa hồng”. Cứ một lượt mua hàng sẽ được trả lại 10% – 20% giá trị tiền hàng.
Tinh vi hơn, những đơn hàng giá trị nhỏ ban đầu sẽ được các đối tượng thanh toán cả gốc lẫn tiền hoa hồng đúng hạn. Giá trị hàng sẽ ngày càng tăng, kèm theo đó là những chiêu trò hòng ép CTV tiếp tục “gửi tiền mua hàng” nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản.
>> Xóa ngay những phần mềm độc hại này trên smartphone để không mất tiền oan
Lừa đảo qua các hệ thống sàn giao dịch trực tuyến
Trong thời đại 4.0, 5.0, không ít các sàn giao dịch trực tuyến tồn tại và phát triển. Hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản này cực kỳ tinh vi và đa dạng, khiến nhà đầu tư đôi lúc khó phòng bị. Một dạng lừa đảo của hình thức này là mời nạn nhân tham gia kiếm tiền online bằng cách cài ứng dụng.
Sau khi nạn nhân mở tài khoản và nạp tiền để mua các gói nhiệm vụ, chỉ cần hoàn thành sẽ được nhận tiền thưởng. Với số vốn nhỏ, nạn nhân sẽ nhận về số tiền gốc và thưởng. Nhưng khi bắt đầu nạp nhiều hơn, ứng dụng sẽ nhanh chóng báo lỗi, yêu cầu nạp thêm mới được nhận tiền gốc và tiền thưởng.
Kiếm tiền trực tuyến không hề dễ xơi, kể cả khi bạn gửi đầu tư ở các ngân hàng cũng sẽ nhận về số tiền khá ít so với những gì đã bỏ ra. Vì vậy không có chuyện chỉ cần click nạp tiền là đã thu nhập về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Những đối tượng lừa đảo sẽ không ngừng nghĩ thêm những thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy để tránh tiền mất tật mang, hãy thật tỉnh táo và kiểm tra kỹ lưỡng thông tin.